Tản mạn bánh quê

15/01/2024

Nhà bên cạnh, mấy cô cậu sinh viên chắc mới từ quê ra, đang nướng bánh mật. Cái mùi bột nếp ngào mật mía luộc lên để nguội nướng trên bếp than lẫn với mùi lá chuối khô bén lửa đây mà.

Tự dưng nhớ quá cung đường dọc bờ đê tôi hay chạy bộ mỗi sáng khi về nhà. Nhớ vạt nắng sớm làm bóng mình dài đến 5, 6m. Nhớ màn sương mai bảng lảng sau tàn cây chân dãy núi Răng Hạc. Và nhớ thanh âm trong trẻo, thích thú, no đủ mà ở Thành phố không bao giờ có được: tiếng cá quẫy dưới những thân sen đã tàn đợi mùa Hè rực rỡ...

Xưa cứ mỗi dịp Tết đến mới có bánh chưng, bánh mật. Giờ thì có quanh năm, muốn ăn bánh mật ghé vào mấy hàng nước bán quà quê là có. Tôi nhớ cứ đến giữa Đông, chờ hôm nào không mưa phùn gió bấc là mẹ ra vườn chọn những tàu lá chuối khô, cắt lấy những miếng lành lặn, rộng bản, vuông vức, xếp lớp lên nhau, buộc bằng lá chuối để đợi đến giáp Tết dùng gói bánh mật.

Bánh lá mới gói

Bánh lá mới gói

Lá chuối khô này phải là loại lá mới héo, không còn tươi quá mà cũng không héo quá dễ giòn làm vỡ bánh. Bánh mật được làm từ bột nếp, ngào với mật mía. Tôi nhớ khi nào làm bánh thì mật mía được đun sôi vừa đủ, mẹ nướng thêm vài củ gừng đập dập rồi rắc vào nồi mật đang đun. Mùi mật mía trong nồi đang sôi lên quyện sánh với mùi gừng nướng tỏa ra làm ấm sực cả căn nhà, ấm sực cả mùa Đông mang mùi no đủ ấp áp sướng vui của Tết đến Xuân về. Lá bánh được mẹ sai lũ con lít nhít lau sạch, hỗn hợp bột nếp và mật mía rắc gừng, sau đó để nguội được phết lên miếng lá bánh nhỏ, quấn vào giữ khuôn xong mới bọc lớp lá chính ra ngoài gói ghém vuông vức rồi xếp vào nồi mang đi luộc.

Bánh mật là loại bánh “ăn thêm”, không nhất thiết phải có như bánh chưng ngày Tết. Luộc xong bánh thường được buộc bằng chiếc lạt tre nhuộm phẩm hồng cho ra dáng Tết, mỗi buộc 5 cái tượng trưng cho ngũ hành để cúng các cụ hoặc để chia nhau ăn dần đến tận Giêng Hai. Có một loại bánh gần giống bánh mật nữa là bánh gai, khác bánh mật là được trộn thêm lá gai (giờ là lá cây gì tôi cũng chẳng còn nhớ nữa). Nhớ có năm có người cho đùm lá gai gói trong lá chuối khô, mẹ để dành mãi để Tết đến trộn gói bánh cho con, đến lúc mở ra thì bọc lá đã mốc xanh mốc trắng, đành phải bỏ đi vội. Ngày xưa nghèo lắm, thương lắm, nhưng cũng ấm áp lắm.

Mật mía là chất lỏng dạng xyro tương tự như mật ong, là sản phẩm thu được từ cây mía

Mật mía là chất lỏng dạng xyro tương tự như mật ong, là sản phẩm thu được từ cây mía

Nói về mật mía, mật được ép từ cây mía, chắc chẳng ở đâu như vùng Bắc Bộ Việt Nam, hồi đó chưa có xi-măng như bây giờ, mật mía được dùng làm nguyên liệu xây dựng với vai trò đúng như xi-măng: trộn với cát sỏi thành một loại hồ (bê-tông tươi) rất quyện sánh dùng để xây các cống thoát nước, đúc cối xay bột. Công nhận ngày xưa không nhiều vật dụng, không tiện nghi như bây giờ nên người xưa làm gì cũng cẩn thận, sản xuất đồ gì cũng tốt, cũng chắc chắn. Cứ nhìn những trụ cống vuông vức lắp ở chân các con mương “dẫn thủy nhập điền”, chỉn chu đều chằn chặn, cát sỏi ngào trộn với mật mía thành một khối đông cứng rắn chắc chặn chặn màu vỏ cây hay màu cánh gián, búa tạ lực điền có quai vào cũng chả vỡ, nước lũ vùng đồng chiêm trũng có dâng cao, dầm lâu đến mấy cũng chả thấm chứ đừng nói dột hay vỡ được.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bánh lá quê tôi là món bánh được làm từ gạo tẻ, nhân thịt trộn hành khô đập dập gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Nghe kể lại, có làng chọn được loại gạo dẻo thơm (bố tôi kể là gạo được xay từ lúa chim, lúa dắm – những loại lúa đặc sản tiến Vua ngày xưa), khéo đồ khéo luộc, bánh chín vớt ra bóc trần cầm quật vào cây cột gỗ tròn giữa nhà mà tấm bánh không đứt không rơi – thật là dẻo vô đối luôn.

Bên trong bánh mật

Bên trong bánh mật

Sản vật chân chất toàn dưới ruộng trên vườn nhưng không thể thiếu khi giỗ chạp hay trong mâm cơm ngày Tết. Giản dị nhưng thơm lành như nước giếng khơi quê. Nhớ hồi Sinh viên, có cậu bạn hỏi: "Sao quê mày lạ vậy, cả năm có mỗi dịp Tết, mà bánh trưng cũng gói nhân bằng xương?"

Thực ra, luộc nguyên ngày thì xương lợn tan mềm cả, ăn đỡ ngấy mà lại ngọt thơm, tăng can-xi cho cơ thể. Vả lại, hồi xưa nghèo, lấy đâu ra nhiều thịt. Thịt gói giò, thịt nấu đông, còn ít xương bỏ gói bánh cũng được mà.

Bánh lá cũng vậy, bánh quê Thanh trông giống bánh tẻ, bánh răng bừa nhưng chân chất và mộc mạc hơn, nay rượu thịt ê hề đôi khi lại được chuộng được ưa trở thành đặc sản.

Nhìn kỹ ngắm kỹ thì các thành phần của bánh lá cũng nhiều điều thú vị. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ (hành Thổ), nhân là thịt lợn (hành Thuỷ) trộn với hành củ giã nhỏ (hành Kim) và tiêu (hành Hoả), gói bằng lá dong (hành Mộc). Đầy đủ Ngũ hành tương sinh tương khắc. Giản dị gần gũi dễ làm dễ ăn, chả cao lương mỹ vị gì mà lại ngon, thân thiện với môi trường.

Mùi bột nếp ngào mật mía lên để nguội nướng trên bếp than lẫn với mùi lá chuối thân thuộc

Mùi bột nếp ngào mật mía lên để nguội nướng trên bếp than lẫn với mùi lá chuối thân thuộc

Các cụ ngày xưa công nhận uyên bác thật!

Hôm nay nhắn tin nói chuyện với bạn, hỏi về quê có gói bánh lá không? Biết bạn tha hương nơi xứ biển lại đang nhớ quê Thanh những ngày Thanh minh - tiết khí trong năm đặc trưng của các loại bánh. Ngồi ngắm hồ sen cuối Xuân chớm Hạ vẫn còn mưa bụi giăng giăng bay, trông nồi bánh lá nhìn khói bếp vẩn lên nơi đồng bãi, thương quê nghèo, nhớ bạn xưa...

Lê Hồng Lam - Ảnh: Sưu tầm
RELATED ARTICLES