Tết té nước tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á thường diễn ra từ 13-15/4 hàng năm, là ngày đầu năm theo Phật lịch. Điểm nhấn của lễ hội độc đáo này chính là lúc mọi người té nước vào nhau thay lời chúc năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc.
Người Lào gọi tết té nước là Bunpimay (hay Pi Mai, Pee Mai, Koud Song Kane, Bunhot Nậm), người Thái Lan gọi là Songkran (theo tiếng Phạn có nghĩa là “Lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”), người Campuchia thì gọi là Chol Chnam Thmey (hay Tết núi cát) và người Myanma gọi là Thingyan.
Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng nhưng tết té nước tại các quốc gia này có nhiều điểm chung về hình thức. Sau những lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại đền chùa, mọi người đổ ra đuờng, té nước vào nhau và vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Họ quan niệm rằng càng được té nước nhiều thì càng gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Hiện nay, tết té nước ở các nước Đông Nam Á đang là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Bởi tết té nước mang tính chất cộng đồng rộng rãi, không phân biệt người địa phương hay du khách, không phân biệt tuổi tác, xuất thân, giai cấp… nên tất cả đều cùng hòa vào những điệu nhảy, ca hát, uống rượu, nghịch nước và tận hưởng niềm vui bất tận trong làn nước mát trong.
Thái Lan
Tết Songkran của người Thái diễn ra trong dịp nóng nhất trong năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Ngoài té nước, người Thái còn bôi bột mì lên mặt, lên đồ vật để trừ tà ma, xua đi rủi ro trong cuộc sống.
Từ thủ đô Bangkok đến "thành phố không ngủ" Pattaya, từ Phuket phía nam đến Chiang Mai phía bắc, mỗi nơi lại có những tập tục té nước riêng mang đậm sắc thái văn hóa địa phương. Và thường thì thủ đô Bangkok là nơi tổ chức các hoạt động chào mừng lễ hội lớn nhất. Người dân ở đây hay tề tựu đông đảo ở khu vực đường Khao San bởi đây là một trong những địa điểm diễn ra hoạt động té nước hoành tráng nhất. Ngoài ra, đường Phra Athit, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, Santhichairakan và Krasa cũng là những địa điểm tụ tập đông người vui chơi, nhảy múa. Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch hay người dân địa phương, ai nấy đều hòa vào lễ hội té nước trong niềm vui bất tận.
Còn ở Pattaya lại có hẳn hội thi sắc đẹp Miss Songkran, kể cả những người đẹp chuyển giới cũng được tham gia tạo nên không khí lễ hội thật vui nhộn. Nhiều vòi rồng, xe cứu hỏa cũng tham gia té nước. Du khách sẽ có cơ hội chụp hình với những chú voi sắc màu, hòa cùng nhiều bữa tiệc tùng sôi động ngoài trời. Bên cạnh đó, dọc bãi biển Patong còn có lễ rước Phật với đông đảo người tham dự cũng là một trong những điểm đến thú vị.
Trong khi đó, Chiang Mai được xem là thủ đô của tết Songkran bởi nơi đây lễ hội mang đậm sắc màu truyền thống với nhiều phong tục cổ xưa vẫn còn được lưu giữ. Dịp này, người Chiang Mai lo trang hoàng lại nhà cửa và chùa chiền, sao cho nhà cửa thật lộng lẫy, chùa chiền thật đẹp và uy nghiêm. Với họ, tết té nước càng ướt càng vui, càng hạnh phúc nên ai cũng chuẩn bị kỹ lưỡng các phương tiện té nước vào người nhau, từ xô, chậu cho đến súng phun nước và bóng nước. Thapae Gate, hay còn được biết là trung tâm của lễ hội, còn có hẳn một cái hào để người dân lấy thêm nước và tiếp tục “chiến đấu”! Ngoài ra, họ cũng làm lễ buộc chỉ cổ tay như một hình thức chúc may mắn trong năm mới. Sau khi chúc phúc nhau bằng nước thì họ bắt đầu ăn tết. Songkran cũng là dịp để tưởng nhớ người đã khuất nên họ thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên rồi tiếp đó mới vui chơi thỏa thích.
Lào
Tết té nước ở Lào được gọi là Bunpimay, có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước. Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Nếu đến Lào vào những ngày này, hãy sẵn sàng với một bộ đồ nhanh khô và đón nhận những trận nước mát mẻ cầu may năm mới.
Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên của Bunpimay cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người Lào lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, dân làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện và nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, họ rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để xức vào người làm phước.
Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Trong những ngày này, người dân còn phóng sinh các loài động vật như rùa, cá, cua, chim… để lấy phước. Họ còn đắp núi cát, trang trí và vẩy nước thơm, cột hoa muồng vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn, kết hoa chăm pa thành từng chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành trong năm.
Trong ngày Bunpimay, người Lào rất thích ăn món lạp với xôi nóng. Khách đến xông nhà vào ngày Bunpimay được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Trong suốt ba ngày tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm.
Campuchia
Tại Campuchia, tết té nước Chol Chnam Thmay là dịp người dân Campuchia hướng về Đức Phật và đón một năm mới sắp đến. Vào những ngày này, nhà nhà đều trang trí nhà cửa sạch đẹp; trên khắp các con đường, những ngôi chùa sáng rực đèn hoa, đặc biệt là những con đường hướng về Hoàng cung.
Trong đêm giao thừa, mọi người thắp nhang đèn đưa tiễn thần Téveda cũ để rước thần Téveda Thmay vào nhà. Cũng giống như Lào, ngày đầu tiên của năm mới, người dân Campuchia ăn mặc thật đẹp rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật. Qua ngày thứ hai, mọi người làm lễ dâng cơm của gia đình mình vào bình bát cho các sãi dùng như thể hiện lòng tôn kính và nhận lại từ sãi trưởng lời chúc phúc cho cả nhà. Ngày thứ ba là lễ tắm Phật. Vào buổi tối, các hoạt động lễ hội đường phố sẽ diễn ra từng bừng như lễ té nước, bôi bột màu…
Người Campuchia còn tập tục đắp núi cát, thành 8 hoặc 4 ngọn núi nhỏ ở các hướng và một cái ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ, mưa thuận gió hòa, người dân có thể thay cát bằng gạo, bánh hoặc trái cây.
Bên cạnh đó, vào ngày này Campuchia còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, ca hát và nhảy múa vũ điệu Apsara truyền thống vô cùng vui nhộn. Apsara vốn là vũ điệu cung đình nhưng ngày nay được biểu diễn rộng rãi tại các lễ tết, hội hè… trở thành nét văn hóa đặc sắc của Campuchia. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cô gái xinh đẹp, trang điểm rực rỡ trình diễn điệu múa cổ thanh nhã và cao quý.
Myanmar
Mỗi khi hoa Padauk nở, người Myanmar lại tổ chức tết té nước Thingyan. Theo truyền thống, Thingyan được tính theo âm lịch Miến Điện nhưng ngày nay Thingyan được cố định từ 13-17/4 dương lịch, trùng với dịp lễ Phục Sinh của các nước phương Tây. Thingyan là một ngày lễ quan trọng nhất trong các kỳ nghỉ lễ và là một phần của kỳ nghỉ hè sau một năm học. Té nước là một phần đặc trưng nhất của Thingyan và thường diễn ra vào 4 ngày đầu tiên.
Tết té nước được diễn ra trên cả nước Myanmar, nhưng sôi động nhất là ở những thành phố lớn như Yangon và Mandalay. Vào dịp này, mọi người có thể té nước vào nhau trong những tiếng nhạc, điệu nhảy tại những sạp phun nước. Vào những ngày lành này, người dân Myanmar làm nhiều việc thiện để bắt đầu năm mới như đi lễ chùa và tu viện, cúng dường cho nhà sư, bày tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ, thầy cô giáo và người già, làm lễ phóng sinh. Năm nào cũng thế, người dân Myanmar đều mong đến ngày tết Thingyan với nhiều niềm vui và phấn khởi.
Cũng như tết té nước ở Lào, Campuchia và Thái Lan, nhiều người tham gia tết té nước ở Myanmar cũng dùng súng phun nước, ống bắn nước, xô chậu… để đùa nghịch tạo ra một không khí vô cùng sôi động. Tết té nước được coi là nét đẹp truyền thống của người Myanmar, cũng là dịp cho các chàng trai, cô gái Myanmar có dịp gặp gỡ và làm quen với nhau, nhiều ca khúc của Myanmar đã viết về những chuyện tình bắt đầu từ mùa lễ hội Thingyan và trở thành những bản tình ca nổi tiếng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính phủ nhiều nước buộc phải ban hành lệnh hạn chế tụ tập đông người cũng như đi lại để phòng chống dịch bệnh, khiến tết té nước cũng bị cấm tại Đông Nam Á. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/3, Chính phủ Myanmar tuyên bố quyết định hủy bỏ việc tổ chức các lễ hội té nước Thingyan. Ngoài ra, các sự kiện và lễ hội tụ tập đông người tương tự sẽ bị cấm cho đến cuối tháng 4 hoặc có thể lâu hơn.
Lào cũng cấm hầu hết hoạt động tập thể và khuyên người dân nên tạm dừng tổ chức tất cả cuộc tụ tập không cần thiết, bao gồm các sự kiện đám cưới và một số sự kiện mừng năm mới Bunpimay. Tương tự, Campuchia cũng hủy bỏ tổ chức các hoạt động đón tết Chol Chhnam Thmay, chỉ cho phép thực hiện những nghi thức truyền thống cần thiết. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã gửi thư yêu cầu các chùa phải hủy bỏ lễ đón năm mới. Chính phủ Thái Lan chính thức hủy lễ hội té nước Songkran và những sự kiện liên quan, đồng thời kêu gọi người dân đón tết ở nhà. Ngoài ra, Bangkok và nhiều tỉnh thành khác nghiêm cấm bán rượu bia trong 10 ngày, kể từ ngày 10/4.