Chinh phục Hòn Chuông, tháp cổ dần lộ diện

26/04/2021

Khi Travellive+ lên bài về Hòn Chuông và chuyến khảo sát "thất bại" năm trước, cũng là lúc chúng tôi đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho chuyến đi đến Hòn Chuông tiếp theo.

Sự khác biệt từ người dẫn đường

Từng tới chân Hòn Chuông và thất bại trong việc tìm đường lên tháp, mọi người đều đã biết sự khó khăn để tìm cách leo lên khối đá khổng lồ đó như thế nào. Tuy nhiên lần này chúng tôi tìm được người dẫn đường với cam kết sẽ lên được tháp. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn họp lại với nhau, thống nhất rằng, việc an toàn của các cá nhân là trên hết, nếu có thể một vài người trong nhóm đặt chân lên được đỉnh Hòn Chuông đã là tuyệt vời lắm rồi.

Thay vì lên núi cắm trại từ đêm trước, lần này chúng tôi cũng “nâng” quyết tâm bằng cách xuất phát và trở về trong ngày, để tránh được việc mang vác lều trại cũng như thực phẩm, dành tâm sức cho việc tìm cách lên đỉnh Hòn Chuông.

Theo đúng kế hoạch, 4h sáng chúng tôi rời khỏi Qui Nhơn, tiến về hướng Phù Cát trên hai chiếc xe 7 chỗ. Sau khi ăn sáng tại chợ thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, Phù Cát, chúng tôi tấp vào quán cafe để chờ những người dẫn đường. Khi các anh đến, 6h45 chúng tôi xuất phát ngay để vào núi.

Ngay trước khi xuất phát, tại đập Suối Lục, thôn Chánh Danh

Ngay trước khi xuất phát, tại đập Suối Lục, thôn Chánh Danh

Sau mấy năm, đoạn đầu của con đường vẫn vậy: đường bê tông hẹp vòng vèo lên dốc xuyên qua một khu vườn điều rộng lớn. May sao, ngoài hai anh dẫn đường còn có thêm hai anh người địa phương, là bạn của một anh trong đoàn. Họ có 3 chiếc xe máy nên cũng chịu khó vòng lên vòng xuống vừa chở đỡ hành lý, vừa chở cả người để tranh thủ thời gian.

Phút nghỉ chân điểm cuối khu vườn điều

Phút nghỉ chân điểm cuối khu vườn điều

Qua khỏi vườn điều, những chiếc xe máy được để lại, cả đoàn lầm lũi leo núi. Cảnh tượng vẫn gần như xưa, mất khoảng một giờ từ lúc xuất phát, chúng tôi tới Hòn Chồng - nơi có một tảng đá lớn trên sườn núi - và dừng lại nghỉ như lần trước.

Anh Khoa đứng trên Hòn Chồng

Anh Khoa đứng trên Hòn Chồng

Sau một thời gian, cảnh quan trên lối mòn lên núi cũng có nhiều thay đổi. Có những chỗ cây cối dày hơn, nhưng cũng có những chỗ rừng quang đãng hơn. Qua khỏi Hòn Chồng một quãng, gặp chỗ cây rừng thưa thớt, chợt thấy Hòn Chuông hiện ra, vừa xa vừa gần.

Hòn Chuông hiện ra ở một đoạn đường thưa thớt cây rừng, nhìn thế chứ còn xa lắm

Hòn Chuông hiện ra ở một đoạn đường thưa thớt cây rừng, nhìn thế chứ còn xa lắm

Người dẫn đường lần này - anh Khoa và anh Cường - đều là người địa phương. Khoa trạc 40 tuổi, đen đúa và nhỏ người, Cường thì trẻ hơn nhiều, cũng đen nhưng rất khỏe, săn chắc. Dụng cụ quan trọng chúng tôi đã chuẩn bị được là cuộn dây dù dài gần 200 m kèm theo đủ móc khóa, đai an toàn cho người sử dụng. Bộ dây và khóa khoảng 20 kg; đêm trước lúc lên đường, chúng tôi 4 người phải đem sợi dây ra đường phố ở Qui Nhơn để rải ra và gấp nhỏ lại, vừa để cho khỏi rối, vừa để nhét vào chiếc balo bộ đội cho dễ mang vác.

Ai mang thử balo dây an toàn đều lắc đầu, lè lưỡi - vì nó vừa nặng, vừa to, lại vừa mất trọng tâm khi nhét balo. Tuy nhiên với Hồ Cường thì chỉ là chuyện nhỏ. Anh chàng tỉnh bơ xốc balo lên vai và phăm phăm tiến bước trên “con đường” núi đầy đá tảng và dốc ngược.

Lần này, Khoa và Cường dẫn chúng tôi đi cũng chỉ trùng với đường đi lần trước tới chỗ lò ủ than đã bỏ hoang, sau đó đi “lối tắt” - mà đến khi về chúng tôi mới nhận ra là lúc sáng đi mua đường chứ không phải đi tắt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Lò ủ than năm trước, nay đã bị bỏ hoang

Lò ủ than năm trước, nay đã bị bỏ hoang

Vì mục đích là Hòn Chuông nên dọc đường mọi người đều tranh thủ đi, ít dừng nghỉ hay làm những việc khác. 10h30, chúng tôi đã đến chân Hòn Chuông - khối đá kỳ dị nhô lên khoảng 50 m với ngôi tháp cổ bí ẩn, đổ nát bên trên.

Chinh phục Hòn Chuông, tháp cổ dần lộ diện

Hòn Chuông và ngôi tháp đổ nát trên đỉnh

Hòn Chuông và ngôi tháp đổ nát trên đỉnh

Cả nhóm len lỏi cây rừng, tiến vào sát chân khối đá vĩ đại, kiếm một góc mát mẻ nghỉ ngơi và ăn trưa sớm. Bữa trưa tự túc, ai thích gì thì mang theo ăn. Mọi người góp lại hết để ăn chung, có cả cơm, bánh chưng, xúc xích, thịt gà…

Trong lúc mọi người vừa ăn xong, đang còn nghỉ ngơi bàn tán cách lên đỉnh Hòn Chuông thì anh Khoa đã lẳng lặng rời khỏi đoàn. Tới khi vô tình một anh đi ra cành cây treo cái balo, chợt ngước lên và la ầm bằng chất giọng địa phương đặc sệt: “Trầu âu, nó leo lên được đỉnh Hòn Chuông rầu!”.

Tập trung ăn trưa sớm dưới chân Hòn Chuông, người lớn tuổi nhất trong đoàn đã 65 mùa xuân

Tập trung ăn trưa sớm dưới chân Hòn Chuông, người lớn tuổi nhất trong đoàn đã 65 mùa xuân

Không khí ngay lập tức trở nên nóng rực, thực sự có một vài người vẫn bán tín bán nghi việc người dẫn đường có thể leo lên tháp - vì đến tại chân Hòn Chuông nhìn lên mới thấy việc đó khó khăn ra sao, thậm chí không biết nên bắt đầu từ chỗ nào.

Chúng tôi bắt đầu bỏ lại hành lý, chỉ mang theo nước uống và bắt đầu lên theo chân khối đá để có thể lên được điểm cao nhất. Không ai kịp để ý Khoa bắt đầu bò lên từ chỗ nào, và bây giờ anh chàng đang tìm cách xuống gần mọi người để nhận lấy đầu dây an toàn kéo lên tìm điểm cột dây.

Từ điểm ăn trưa, chúng tôi men theo chân khối đá khổng lồ ngược theo chiều kim đồng hồ, dựa vào những tảng đá nhỏ và cây cối, lên thêm được khoảng 10 m chiều cao thì gặp vực sâu. Phía trên, Khoa cũng lò dò men xuống tới được đúng điểm chúng tôi dừng lại, nhưng ở khoảng cách 5-6 m bên trên.

Cuộn dây mồi được quăng lên, Khoa thả một đầu dây xuống, chúng tôi cột sợi dây chính để Khoa kéo lên, tìm điểm neo buộc bên trên, và sau khoảng 15 phút, Cường móc các thiết bị an toàn vào người và dây, thị phạm cho chúng tôi cách vượt qua vách đá nhờ sợi dây an toàn.

Sau đó, anh chàng lại tuột xuống để giúp chúng tôi đeo đai an toàn cũng như bắt móc an toàn vào sợi dây cho đúng cách. Và người đầu tiên đã vượt lên được vách đá, tới chỗ Khoa đang chờ bên trên.

Vượt vách đá (chặng thứ nhất) bằng dây leo… như trong phim (Ảnh: Nắng Mùa Xuân)

Vượt vách đá (chặng thứ nhất) bằng dây leo… như trong phim (Ảnh: Nắng Mùa Xuân)

Nói chung, chặng đường lên đỉnh Hòn Chuông có thể chia làm 3 chặng:

  • Vượt vách đá thứ nhất bằng dây leo để lên gờ đá đầu tiên có thể dừng chân.
  • Bò, trườn qua một khe đá rất hẹp và thấp để vượt sang một gờ đá khác rộng hơn và thuận lợi cho việc leo lên cao tiếp, ở bên cạnh.
  • Tiếp tục vượt vách đá lên tháp từ điểm tập kết thứ hai.
3 người vượt được qua chặng thứ hai. Anh Khoa đang mang dây an toàn lên đỉnh Hòn Chuông (Ảnh: Nắng Mùa Xuân)

3 người vượt được qua chặng thứ hai. Anh Khoa đang mang dây an toàn lên đỉnh Hòn Chuông (Ảnh: Nắng Mùa Xuân)

Cả đoàn có 13 người (không kể Khoa, Cường là những người dẫn đường) thì có 5 người vượt qua được chặng thứ nhất, 3 người vượt qua được chặng thứ hai, và duy nhất 1 người là anh Lê Thanh vượt được qua chặng thứ 3 với sự trợ giúp của Khoa và Cường để lên đỉnh Hòn Chuông và ngôi tháp. Hai người dừng chân sau khi vượt qua chặng thứ hai vì bị ngợp độ cao.

Tại gộp đá chặng thứ hai, phía xa là đầm Đạm Thủy và cửa Đề Gi, xa nữa là Biển Đông. Trên đỉnh Hòn Chuông thì tầm quan sát bốn phía còn lợi hại hơn nhiều nữa.

Tại gộp đá chặng thứ hai, phía xa là đầm Đạm Thủy và cửa Đề Gi, xa nữa là Biển Đông. Trên đỉnh Hòn Chuông thì tầm quan sát bốn phía còn lợi hại hơn nhiều nữa.

Anh Lê Thanh trước cửa ngôi tháp trên đỉnh Hòn Chuông, phía trước là ngổn ngang gạch cũ (Ảnh: Lê Thanh)

Anh Lê Thanh trước cửa ngôi tháp trên đỉnh Hòn Chuông, phía trước là ngổn ngang gạch cũ (Ảnh: Lê Thanh)

Khoảnh khắc thành viên nhóm chúng tôi lên được đỉnh Hòn Chuông và ngôi tháp cổ, 12h30 ngày 18/04/2021 (Ảnh: Nắng Mùa Xuân)

Khoảnh khắc thành viên nhóm chúng tôi lên được đỉnh Hòn Chuông và ngôi tháp cổ, 12h30 ngày 18/04/2021 (Ảnh: Nắng Mùa Xuân)

Theo lời kể của anh Thanh - người duy nhất trong đoàn lên được tới đỉnh Hòn Chuông, khu vực đỉnh khối đá rộng khoảng 60 m2, hơi nghiêng. Ngôi tháp cổ xây trực tiếp trên đá, với 2 cạnh mặt Đông-Tây khoảng 3 m, 2 cạnh mặt Bắc-Nam khoảng 4 m, tường tháp dày khoảng 0,8-1 m và được xây thu dần đều lên phía trên.

Tường phía Đông bị sạt mất ba hàng gạch trên cùng và là mặt duy nhất có trổ một cửa nhỏ hình mũi giáo - thường thấy ở các tháp Chăm khác được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII - XIII ở Bình Định. Tường phía Tây (mặt sau tháp) bị sạt lở nặng nề nhất - sạt mất khoảng 2/3 chiều cao tường tháp. Thân tháp hoàn toàn không có điêu khắc gì, gạch tường phía Tây tháp khi sạt lở đã rải xuống phía ngoài. Bên trong lòng tháp cây cỏ mọc cao tới tận đầu tường tháp, nhưng theo quan sát thì lòng tháp không có vật gì khác.

Các tường tháp mặt Đông, Nam, Bắc hiện còn cao khoảng 3,5 m, bộ mái - từng được một số tài liệu rất ít ỏi nhắc tới - đã hoàn toàn biến mất. Trên đỉnh Hòn Chuông, gạch vương vãi nhiều, và cạnh tháp cổ còn có một bãi đất sét cũ được vun lại cẩn thận, qua thời gian đã bị nứt nẻ bề mặt.

Anh Thanh – người ngồi thứ hai từ bên phải – thành viên đặt chân lên đỉnh Hòn Chuông

Anh Thanh – người ngồi thứ hai từ bên phải – thành viên đặt chân lên đỉnh Hòn Chuông

Mặc dù chỉ có một thành viên duy nhất (không kể hai người dẫn đường) lên được đỉnh Hòn Chuông, cả đoàn rất vui, vì đã vượt được qua thử thách của thiên nhiên. Hy vọng rằng thời gian tới, các đoàn khảo sát chính quy của các đơn vị quản lý Văn hóa, Lịch sử sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ những bí ẩn về ngôi tháp cổ trên đỉnh Hòn Chuông.

Qua chuyến đi, chúng tôi tin rằng, đúng là trước đây đã có nhiều người dân địa phương đặt chân lên đỉnh Hòn Chuông rồi, và tuy khó khăn nguy hiểm, nhưng việc này không phải quá khó, không thể làm được.

Nam Hoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES