Thu vàng lộng lẫy trên vó ngựa Mông Cổ

26/10/2018

Tám ngày sống đời du mục tách biệt với thế giới hiện đại, rong ruổi trên lưng ngựa qua 150 km trong Công viên Quốc gia Gorkhi Terelj của Mông Cổ giữa mùa thu vàng lộng lẫy, trải nghiệm thời tiết từ -5°C đến 30°C, ngủ lều, không điện, không điện thoại, không được tắm và đi vệ sinh “thiên nhiên”… Tất cả nghe có vẻ như một chuyến đi hành xác, nhưng đó lại là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của tôi.

Giấc mơ có thật

Thoạt đầu, khi nghe cô bạn thân kể về ước mơ chinh phục thảo nguyên Mông Cổ trên lưng ngựa, tôi đã bật cười và thầm nghĩ: “Ôi, tuyệt vời quá, mà cũng hoang đường quá!”. Và rồi, mỗi lần gặp nhau, bạn tôi lại thao thao bất tuyệt về hành trình ấy, về những thông tin mà cô ấy đã thu thập được, nghe rất hấp dẫn và thực tế. Có vẻ nó không còn hoang đường như tôi từng nghĩ.

Empty

Empty

Dần dà, tôi cũng như hai cô bạn nữa bị cuốn hút vào “giấc mơ hoang đường” ấy hồi nào không biết. Cùng nhau, bốn chúng tôi đã biến ước mơ chung trở thành sự thật vào mùa thu, đánh dấu tuổi 40 một cách rực rỡ.

Empty

Giờ này, tôi vẫn còn nhớ tới cảm giác khi được phi nước đại trên thảo nguyên bao la giữa không gian tràn ngập sắc thu và gần với những tầng mây. Một cảm giác rất bay bổng, rất thinh không!

Empty

Từ kỵ sĩ tập sự

Đăng ký và phải đặt cọc tour trước 6 tháng khi chưa biết chút gì về ngựa và cưỡi ngựa là sự quyết tâm mà chúng tôi dành cho chuyến đi này. Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu xem học cưỡi ngựa ở đâu tại Sài Gòn, vào lúc mà thành phố không còn đường cho xe chạy thì lấy đâu ra chỗ để cưỡi ngựa! Chẳng lẽ phải lên tận cao nguyên Đà Lạt? May mắn thay là ở quận 2 có một trường dạy cưỡi ngựa, chủ yếu là dành cho trẻ em người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Thế là trong 6 tháng đó, cứ cuối tuần, chúng tôi lại tập trung ở đây, học làm kỵ sĩ.

Empty

Từ những bước căn bản như dắt ngựa, cho ngựa ăn, cầm cương cho đúng cách, đến việc leo lên và xuống ngựa đều rất mới mẻ với chúng tôi. Chúng tôi hào hứng khi dần dần có thể kiểm soát và điều khiển được các chú ngựa, từ đi chậm rãi, đi nước kiệu đến phi nước đại và nhảy vượt rào. Quan trọng hơn hết là học cách “nói chuyện” với chúng bằng ngôn ngữ hình thể, như việc nắm chặt bờm ngựa là ra dấu để phi nước đại, hay thúc vào mạng sườn là để chạy nhanh hơn, hay vỗ vào mông để khen ngợi và cám ơn.

Empty

Những vết bầm tím, những cái ngã sõng xoài, ê ẩm toàn thân cũng dần dần giảm đi. Thay vào đó là sự hân hoan và vui mừng khi học được những kỹ năng mới. Càng gần ngày đi, chúng tôi càng thấy tự tin hơn, sẵn sàng từ thể chất lẫn tinh thần để chinh phục thảo nguyên Mông Cổ.

Empty

Đến kị sĩ thực thụ và những người bạn mới

Sau bao ngày chờ đợi thì chuyến đi cũng chính thức khởi hành. Điểm đến là công viên quốc gia Gorkhi Terelj, nằm ở phía đông thủ đô Ulan Bator. Với diện tích hơn 2.800 km2 (lớn hơn diện tích TP.HCM), trên độ cao 1.600 m so với mực nước biển, công viên này nổi tiếng với phong cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, những khối đá granit sừng sững, có cấu tạo địa chất và hình thù rất độc đáo. Đan xen là những đồng cỏ bao la đầy hoa dại và những cánh rừng bạt ngàn thông tùng bách.

Empty

Không chỉ có những gia đình du mục sinh sống, công viên còn là nơi trú ngụ của vô vàn các loài chim và muông thú, chủ yếu là chồn, sóc, sói và cáo. Chuyến đi 8 ngày của chúng tôi chỉ đi qua một phần rất nhỏ trong công viên nhưng cũng đủ để cảm nhận được thiên nhiên Mông Cổ tươi đẹp và hoang dã thế nào.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Sau một ngày rong chơi tự do ở thủ đô Ulan Bator, chúng tôi được đón bằng xe van để đi đến thung lũng Darkhid, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km. Tại đây, chúng tôi gặp gỡ các thành viên trong đoàn, gồm có bốn du khách khác (một cô người Nhật, một người cô người Mỹ và một cặp đôi người Bỉ). Vợ chồng anh Keith và Sabrina - chủ công ty du lịch Stonehouse, cũng là người hướng dẫn chính của tour và hai anh người Mông Cổ sẽ phụ trách chăm sóc ngựa và hậu cần cho chuyến đi.

Empty

Chúng tôi làm quen với nhau khá nhanh và nhận ra rằng bốn chúng tôi là những người ít kinh nghiệm cưỡi ngựa nhất trong nhóm. Sau khi được hướng dẫn sơ lược về Công viên Gorkhi Terelj, những quy định về an toàn, bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng như lộ trình 8 ngày sắp tới, chúng tôi bắt đầu nhận các thiết bị cá nhân và sắp xếp hành lý từ vali vào các túi nhựa để đoàn ngựa thồ có thể vận chuyển.

Empty

Giây phút hồi hộp và hào hứng cuối cùng cũng đến khi chúng tôi gặp gỡ người bạn đường mới của mình. Các chú ngựa Mông Cổ với bờm được cắt tỉa ngọn gàng, bộ lông óng mượt và thân hình vững chắc đang ung dung gặm cỏ dưới bóng cây. Ngựa được phân chia cho từng người tùy theo chiều cao, kĩ năng cũng như kinh nghiệm của mỗi người. Anh bạn của tôi tên là Zay, một chàng ngựa “điển trai” nhất nhóm vì cái bờm rất oách màu vàng đồng. Anh ấy cũng được tiếng là điềm tĩnh, ngoan ngoãn và biết nghe lời.

Hai ngày đầu tiên khá vất vả khi chúng tôi vẫn còn làm quen với bạn đồng hành mới. Những gì được học ở trường chỉ là những kỹ năng rất căn bản. Thêm vào đó, chúng tôi chưa bao giờ cưỡi ngựa liên tục hơn 2 tiếng đồng hồ mà chỉ tập trong một sân nhỏ. Ở đây, chúng tôi ngồi trên lưng ngựa suốt cả ngày, từ 6 - 8 tiếng. Trời đất thì bao la rộng lớn, đường đi lên dốc xuống đồi, băng rừng, lội suối. Việc giữ thăng bằng trên lưng ngựa khi leo xuống dốc núi cao là cả một sự căng thẳng và mệt mỏi. Người tôi đau rã rời sau hai ngày đầu tiên, khi chưa tìm được tư thế tốt trên lưng ngựa. Anh bạn Zay là một chàng trai tuyệt vời vì rất ngoan hiền với người không nhiều kinh nghiệm điều khiển như tôi. Có những lúc ,tôi để anh ấy tự chọn lối đi khi bản thân mình cũng băn khoăn không biết vượt qua bằng cách nào.

Empty

Ngày qua ngày, cơ thể tôi dần dần thích nghi với điều kiện mới. Tuy sự đau nhức không hoàn toàn biến mất nhưng tôi đã thấy thoải mái hơn, thả lỏng người hơn và bắt đầu tự tin cùng Zay thưởng thức cảnh vật xung quanh. Chúng tôi đã có những giây phút sung sướng, hân hoan khi cùng nhau phi nước kiệu trong rừng thông ngút ngàn hay phi nước đại trên những đồng cỏ rộng ngút tầm mắt; cũng có khi căng thẳng, tập trung khi đi qua những con đường lầy lội, leo lên những sườn núi cao, hay vượt qua những con sông lớn mà mực nước cao qua bụng của Zay.

Suốt chặng đường, Zay chưa lần nào làm tôi thất vọng. Chúng tôi cũng trở nên thân thiết và hiểu ý nhau hơn. Tôi biết anh ấy thích loại cỏ bên cạnh những luống hoa dại màu đỏ nên tôi chủ động rẽ khỏi đường mòn để đi tìm chúng. Còn anh ấy dường như biết tôi thích dừng lại chụp hình nên mỗi lần tôi níu chặt dây cương, anh ấy liền đứng yên vững chắc. Những lần cần phi nước đại, tôi và anh ấy luôn ở nhóm cuối, một phần vì anh ấy không chạy nhanh bằng các bạn, còn tôi lại thích ghi nhận lại hình ảnh của cả nhóm nên cũng không muốn thúc anh ấy chạy nhanh hơn.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì có được một người bạn đường đáng tin cậy và tâm đầu ý hợp như Zay, giúp tôi thấy mình như một kỵ sĩ thực thụ.

Sống du mục, trọn mình với sắc thu rực rỡ

Tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới vào mùa thu, nhưng cảm nhận mùa thu trên lưng ngựa trong một khung cảnh gần như tách biệt với thế giới bên ngoài là một cảm giác hoàn toàn khác. ( Chưa bao giờ cảnh thu lại bao la đến thế, cứ trải dài theo tầm mắt và không bị che chắn bởi bất kì thứ gì. Lớp lớp rừng thông cao ngút trên sườn núi hòa cùng bầu trời trong xanh với những áng mây trắng tạo nên một phông nền hoàn hảo, làm nổi bật những bụi hoa dại với sắc vàng cam đỏ bên dưới ).

Empty

Những tưởng cảnh thu sẽ trở nên nhàm chán khi 8 ngày chúng tôi chỉ đi trong công viên quốc gia. Thế nhưng, mỗi ngày chúng tôi lại có những ngạc nhiên mới khi cảnh thiên nhiên thay đổi theo từng bước chân. Có lần, đoàn ngựa chạy qua cánh đồng cỏ lau, bụi cỏ lau tung bay trong gió tạo nên một khung cảnh tuyệt vời, không nói nên lời. Có hôm, chúng tôi quyết định chạy đua qua một đồng cỏ rộng lớn. Trong khi mọi người đã xuất phát, chàng Zay của tôi và một chú ngựa nữa nhất định không chịu phi nước đại, mà đi lững thững tới một bụi cỏ non gần đó và ăn hết sức “khí thế”, mặc cho hai chúng tôi hô hào thúc đẩy.

Empty

Cũng có ngày, chúng tôi cột ngựa dưới chân núi, leo lên một ngọn núi cao, nhìn toàn cảnh thung lũng như một bản hòa ca đầy màu sắc. Vui nhất là lúc đoàn ngựa gặp một đội cảnh sát tuần tra công viên kiểm tra giấy tờ theo thông lệ, chúng tôi nói đùa với nhau là chắc mình bị giữ lại vì chạy quá tốc độ!

Lần đầu tiên trong đời, tôi được sống gần với thiên nhiên đến vậy, hiểu được phần nào đời sống du mục của người Mông Cổ. Tám ngày không điện, không điện thoại, không internet, sáng sáng cưỡi ngựa rong chơi, tối về lại kiếm bãi đất bằng phẳng bên bờ sông cắm trại, dựng lều.

Empty

Khoảnh khắc yêu thích trong ngày của tôi là được sống chậm mỗi buổi sáng sớm. Bừng tỉnh khi bị làn gió lạnh ngắt táp vào mặt lúc bước ra khỏi lều, chậm rãi nhìn ngắm lớp sương mỏng đóng băng trên nóc lều đang dần tan chảy dưới những tia nắng sớm mai rồi mở tung lồng ngực để hít thở không khí trong lành của núi rừng, pha một ly trà nóng ngồi vểnh tai nghe tiếng chim hót hòa cùng tiếng suối chảy róc rách gần đó. Những giây phút ấy thật quý giá mà đôi khi trong cuộc sống hiện đại, tôi chưa từng để ý tới.

Việc tắm rửa và vệ sinh cá nhân trong môi trường thiên nhiên hoang dã này là một thách thức lớn với chúng tôi. Tôi vẫn nhớ cảm giác run lẩy bẩy khi gồng mình lội xuống dòng suối lạnh ngắt để tắm sau “kỷ lục” ba ngày không tắm. Đi vệ sinh “thiên nhiên” là cách nói vui của chúng tôi khi vừa “đi” vừa được ngắm cảnh thiên nhiên. Mà quan trọng hơn cả là lúc nào chúng tôi cũng đem theo hộp quẹt để đốt giấy toa lét vừa sử dụng xong và phải đợi để đảm bảo rằng giấy cháy hết không còn tàn lửa. Đó là cách bảo vệ môi trường đơn giản nhưng hiệu quả vì nếu không, chỉ vài năm sau công viên này sẽ trở thành một núi rác khổng lồ.

Empty

Ngày thứ năm của hành trình là ngày sung sướng nhất khi chúng tôi được ở trong Yurt – một dạng nhà truyền thống của người Mông Cổ, với những chiếc giường êm và lò sưởi bên trong. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc chỉ đơn giản là được tắm đàng hoàng bằng nước nóng, khi mà việc đó là điều rất bình thường ở cuộc sống hiện đại.

Và chỉ có những trải nghiệm vượt ra ngoài những giới hạn thông thường như thế mới giúp chúng tôi hiểu rằng cuộc sống du mục không chỉ có cảnh thiên nhiên đẹp lộng lẫy. Đó thật sự là môi trường khắc nghiệt chỉ dành cho những người biết cảm nhận và trân quý những gì mình có.

Thông tin thêm

+ Visa:

- Thủ tục xin thị thực đi Mông Cổ không quá khó. Điều quan trọng duy nhất là bạn phải có được thư mời từ phía Mông Cổ. Nếu bạn đi tour thì đó là giấy mời do công ty du lịch cung cấp (như trường hợp của chúng tôi). Nếu bạn đi tự túc có thể làm qua dịch vụ với chi phí khoảng 30-50 USD/thư mời.

- Hồ sơ cũng khá đơn giản, chỉ cần hộ chiếu, một ảnh thẻ 3x4 cm, đơn xin thị thực (theo mẫu phát tại Đại sứ quán) và biên lai nộp lệ phí (sau khi đã đóng tiền vào tài khoản của ĐSQ tại ngân hàng Vietcombank). Hồ sơ có thể nộp tại Đại sứ quán Mông Cổ ở Hà Nội, hoặc Lãnh sự quán Mông Cổ tại TP.HCM. Thời gian xét duyệt hồ sơ là một tuần và thị thực du lịch được sử dụng trong vòng 90 ngày kể từ ngày cấp thị thực, ra vào một lần.

+ Hành trình:

- Từ Việt Nam đến thủ đô Ulan Bator mất từ 8 - 12 tiếng, nhưng hiện không có chuyến bay thẳng, bạn phải quá cảnh ở Hong Kong, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Chúng tôi đã mua vé của hãng Cathay Pacific, quá cảnh ở Hong Kong vì đó là chuyến bay có thời gian di chuyển hợp lý và giá vé rẻ nhất vào thời điểm đó, khoảng 705 USD/vé khứ hồi.

- Những hãng hàng không khác có thể lựa chọn là Mongolian Airlines, Air China hoặc Korean Air.

+ Hành trang cho một chuyến thám hiểm trên lưng ngựa:

- Thời tiết mùa thu ở Mông Cổ có sự cách biệt lớn giữa ngày và đêm, vừa nóng vừa lạnh, thêm vào đó toàn bộ phương tiện di chuyển của chúng tôi đều bằng ngựa nên việc sắp xếp lựa chọn các vật dụng cần thiết, nhưng gọn nhẹ mất khá nhiều thời gian.

- Thiết bị do bên công ty tour chuẩn bị cho từng du khách bao gồm nón bảo hiểm; bình đựng nước; túi 3 ngăn để những vật dụng cần thiết trong ngày mà mỗi người sẽ tự mang trên lưng ngựa của mình; túi nhựa 8 ký để đựng hành lý cá nhân cho toàn bộ chuyến đi. Các túi này sẽ được tập trung để vận chuyển riêng bằng ngựa thồ cùng với túi ngủ và lều.

+ Vật dụng cá nhân mang theo:

Quần dài và áo tay dài, có độ co giãn nhẹ để có thể dễ dàng lên xuống ngựa và cũng tránh bị trầy xước khi đi qua những bụi cây.

Quần áo trekking hoặc hiking đều thích hợpQuần áo ngủ loại heat-tech vì ban đêm thời tiết có khi xuống dưới 0°C

Giầy boot gót bằng (không cần phải là giày chuyên nghiệp để cưỡi ngựa, nhưng phải có gót, không quá cao để giữ bàn đạp)

Găng tay để tránh trầy xước khi phải cầm dây cương liên tục

Tất: loại dệt bằng sợi lanh, vừa ấm vừa nhẹÁo khoác nhẹ, bộ đồ đi mưa với quần và áo rời

Nón, khăn quấn cổ đa năng (vừa có thể che nắng khi cần thiết), kem chống nắng

Dép sandal để đi buổi tối lúc cắm trại

Đèn pin, loại đeo trên đầu sẽ tiện sử dụng hơn

+ Các vật dụng khác:

Máy ảnh và rất nhiều pin dự phòng (đủ dùng cho 8 ngày); vật dụng vệ sinh cá nhân; thuốc chống côn trùng cắn; trà, cà phê và các thức ăn khô.

+ Chi phí cho chuyến đi:

Tổng chi phí cho chuyến đi 10 ngày là 3.800 USD, trong đó chi phí tour cưỡi ngựa 8 ngày tại công viên Gorkhi Terelj là 2.950 USD; vé máy bay khứ hồi là 705 USD. Còn lại là chi phí cá nhân khác.

Hà Nguyễn
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES