Nếu ai đó đã từng đến miền Trung chắc chắn sẽ không bao giờ quên được những món ăn vặt làm động lay động lòng người. Ẩm thực miền Trung là một tổng thể cân đối, hài hòa và tinh tế. Với những món ăn vặt làm động lòng người ở miền Trung dưới đây bạn sẽ thấy một bức tranh ẩm thực với đầy đủ các gam màu hiện ra rõ nét và sinh động.
LẠ KỲ CHÈ BỘT LỌC HEO QUAY CỦA HUẾ
Người Huế luôn cầu kỳ và sành điệu trong ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên liệu mà còn từ việc nêm nấu chế biến cho đến cách bày biện trang trí. Thế nên việc kết hợp giữa bột lọc và heo quay gây tò mò cho nhiều người cả về nguồn gốc ra đời cũng như cảm giác muốn nếm thử xem vị như thế nào.
Chè bột lọc heo quay tương truyền từng có trong thực đơn của cung đình Huế xưa, sau này lan truyền rộng rãi ra dân gian, trở thành món ngon trứ danh của ẩm thực cố đô. Ngày nay, chè bột lọc heo quay xuất hiện ở hầu khắp các quán chè xứ Huế từ cao cấp đến bình dân.
Như tên gọi, chè bột lọc heo quay gồm hai thành phần chính là bột lọc và heo quay, đậu phộng, ăn kèm với nước đường nấu với gừng. Công đoạn phức tạp nhất để làm ra món chè này là phần nhân heo quay, bởi thịt heo vốn là món mặn, trong khi chè lại là thức ngọt, nếu không xử lý khéo léo sẽ khó tạo ra sự hòa hợp.
Phần nhân gồm thịt heo quay được xắt miếng lớn hơn hạt lựu một chút, ướp với muối, đường, nước gừng khoảng vài tiếng cho thấm đều. Sau bỏ lên bếp rim cho lửa nhỏ, khi nước trong nồi thịt vừa cạn, miếng thịt heo cũng đã thơm, múc ra đĩa để nguội, ráo. Nhiều người cầu kỳ hơn, lúc này lại thêm chút ngũ vị hương để tạo mùi đặc trưng hơn.
Phần vỏ là bột lọc, bỏ nước ấm vào nhào thật kỹ cho dẻo, mịn. Bỏ miếng nhân thịt vào trong từng miếng bột lọc, bọc thật kín, vỏ bột dày vừa phải để bảo đảm viên chè mềm, không dai, không quá nhiều bột và viên chè chín vừa có màu trắng trong tinh khiết của bột, màu hổ phách của miếng thịt bên trong…
Xưa, chè là 1 trong 3 món dùng để tiến vua, công thức được đầu bếp hoàng cung giữ kín sau truyền cho con cháu trong hệ Công Tằng Tôn Nữ. Một lí giải khách đơn giản hơn, rằng thường sau các dịp đám giỗ, kỵ, thịt heo quay trên mâm còn dư, những bà nội trợ bèn tận dụng, chế biến thành món chè, bỏ thêm gừng, mè để kích thích nâng hương vị của món ăn lên.
Do thói quen ăn chiều, bữa lỡ, nên nhiều quán ăn vặt như chè, bún, bánh... tại Huế chỉ bán buổi chiều. Đặc biệt, nhiều quán chè có món bột lọc bọc heo quay hay gánh hàng rong chỉ bắt đầu từ 3 giờ chiều trở đi.
CHÈ XOA XOA HẠT LỰU ĐÀ NẴNG
Chè xoa xoa hạt lựu Đà Nẵng là một món ăn vặt được người dân bản địa và khách du lịch đặc biệt yêu thích. Không chỉ mùa hè mà cả mùa đông, một cốc chè xoa xoa ngọt ngọt, mát mát sẽ giúp bạn xua đi mọi mệt mỏi và có thêm một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.
Trong các món ăn vặt, chè Đà Nẵng có phong cách chế biến và hương vị rất đặc trưng, khác biệt so với chè ở các vùng miền khác. Chè xoa xoa hạt lựu Đà Nẵng là món ăn vặt dân dã nhưng vô cùng độc đáo, thu hút thực khách bởi sự kết hợp hài hòa giữa hương vị và màu sắc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc về nguồn gốc tên gọi của món chè này.
Tên gọi "xoa xoa" xuất phát từ nguyên liệu chính của món chè - thạch xoa xoa. Loại thạch này được làm từ rong biển, có màu trắng đục, hình dạng xù xì như những viên đá cuội nhỏ. Khi ăn, xoa xoa có vị mát lạnh, dai dai, tạo cảm giác thanh mát và sảng khoái.
Sự kết hợp giữa xoa xoa và hạt lựu tạo nên món chè độc đáo với vị ngọt thanh, mát lạnh, thích hợp để giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức.
Chè xoa xoa hạt lựu Đà Nẵng là món ăn được nhiều người dân địa phương cũng như du khách yêu thích. Món ăn này đặc biệt thích hợp vào những ngày hè, một cốc chè xoa xoa Đà Nẵng mát lạnh sẽ mua tan mọi nóng bức, mệt mỏi của mùa hè. Một cốc chè xoa xoa hạt lựu Đà Nẵng gồm có xoa xoa, thạch đen, hạt lựu, đậu xanh, nước cốt dừa và nước đường.
CHÈ ĐẬU VÁN- THỨC QUÀ HAI MÙA
Mùa du lịch Hội An thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 đến tháng 10, đây là thời điểm có thời tiết đẹp của năm khi thành phố cổ này bước vào mùa nắng. Tuy nhiên, mùa nắng ở Hội An thường rất nóng, vì thế chẳng thực khách nào còn xa lạ với những món giải khát phố Hội như xoa xoa nước đường, tào phớ, nước mót… và đặc biệt là món chè đậu ván nước, đặc sản chẳng tìm đâu được ngoài Quảng Nam.
Đậu ván là loại thực phẩm quen thuộc với người dân miền Trung, đặc biệt là khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi quả đậu còn xanh non thì luộc chấm mắm ớt tỏi hoặc xào với tôm thịt. Hạt đậu già, khô đi được rang vàng, hãm với nước chè thành thành thứ nước mát thơm lừng. Tuy nhiên, để thưởng thức hết cái ngon miệng cúa đậu ván thì không thể bỏ qua món chè nóng hổi thơm phưng phức, nhất là trong những ngày đông lạnh.
Để có được nồi chè đậu ván thơm ngon với hạt đậu mềm vừa phải, vị ngọt của đường hòa cùng vị nếp hương dẻo mịn, người nấu phải bỏ ra kha khá công sức và tay nghề phải thật "chuẩn". Đậu lựa những hạt thật mẩy, căng đều và phải mới thu hoạch, bởi nếu dùng của vụ mùa cũ còn sót lại thì vị thơm đặc trưng của đậu sẽ bị phai đi nhiều. Đường dùng nấu chè phải là loại đường mía vàng được sản xuất từ những lò nấu đường thủ công ở quê, đóng thành từng bát. Nếp chọn lấy nếp hương hạt dài, căng đều và không lẫn gạo tẻ.
Với vị ngọt giúp giải cảm nắng và chống mất nước rất tốt nên chè đậu ván được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, hương thơm đặc trưng của món chè này còn khiến cho nhiều người chỉ chọn uống nước thay vì ăn kèm đậu. Thêm một ít đá lạnh vào cốc chè nước, nhấp một ngụm dài, một cảm giác tươi mới mát lành của hương thơm đậu ván sẽ khiến bạn sảng khoái.
Chẳng những thế, những ngày đông, múc chè ra chén, món ăn hấp dẫn bởi màu vàng nâu sóng sánh cùng hương thơm dịu nhẹ cứ thoang thoảng thật quyến rũ. Đưa một muỗng chè nóng vào miệng, vị giác của bạn như được đánh thức bởi vị bùi bùi, thơm thơm của đậu ván quyện với từng hạt nếm dẻo mềm thật ngon miệng. Bên cạnh đó, hương vị cay nồng của gừng trong món ăn đem đến cho bạn sự ấm áp, xua tan đi cái lạnh của những ngày cuối năm.
Để nói về từng món ăn vặt ở miền Trung có vô vàn thứ. Có dịp ghé thăm, đừng quên tự mình khám phá và thưởng thức những món ngon này nhé!