Đó là những món ăn đã nuôi ta khôn lớn, thấm vào từng tế bào da, mỗi sợi tóc, không gì có thể thay thế được và sẽ luôn chiếm vị trí số một trong mọi bảng xếp hạng ẩm thực của ta. Dù có sinh sống ở những vùng đất mới, dù nền ẩm thực xa lạ có hấp dẫn tới đâu, tôi tin rằng con người vẫn sẽ trung thành, tôn thờ những món ăn chỉ-có-riêng ở quê nhà.
Là người Việt Nam, mỗi vùng miền ta đều có niềm tự hào ẩm thực khác nhau, ví dụ: Hà Nội có phở, Huế có bún bò, Quảng Nam với mì Quảng. Nhưng tựu chung lại những món ngon này sẽ thiếu sót lắm nếu không nêm mắm. Thứ nước vàng sóng sánh như mật ong mà nặng mùi đó khi nêm vào nấu nướng, chế nước chấm sẽ làm món ăn thêm dậy mùi thơm. Mắm có một “lời nguyền” là: Cho dù bạn có là tỷ phú hay đã từng ăn đủ mọi loại sơn hào hải vị, tâm hồn bạn vẫn khó lòng bơi ra khỏi chén nước mắm. Với dọc dài đất nước là bờ biển trù phú, quà tặng của thiên nhiên tới người Việt là nguồn hải sản dồi dào, đa dạng. Mỗi khu vực biển cho một hương vị hải sản khác nhau, vì vậy các làng chài lại có công thức chế biến mắm riêng biệt để mắm Việt Nam có cả một thế giới chuyện để kể dần.
Để hiểu về văn hoá của người Hàn Quốc, bạn hãy bước qua cầy cầu Kim Chi, tráng nhẹ bao tử bằng món quốc bảo của họ. Với một nền điện ảnh phát triển nhanh chóng trên thế giới, người Hàn Quốc đã vô cùng thành công trong việc quảng bá văn hoá ẩm thực và món kim chi thông qua các bộ phim đủ thể loại - tôi chưa thấy bộ phim Hàn Quốc nào mà không quay kỹ ít nhất một cảnh ăn uống. Trong phim, các bà nội trợ thường thi nhau muối các loại kim chi củ cải, kim chi cải thảo, kim chi dưa chuột… rồi chia nhau nếm thử. Có lẽ diễn viên Hàn Quốc đều phải luyện chuyên sâu kỹ thuật diễn cảm khi ăn, trai xinh gái đẹp gắp kim chi lia lịa, những cái miệng với khẩu hình đẹp đẽ nhai kim chi khiến người xem phát thèm. Các bàn ăn thường đầy ngập các món ăn xen kẽ với các loại kim chi khác nhau - hoặc dù chỉ có mì gói thì cũng phải có đĩa kim chi ăn kèm.
Ngày nay, người Hàn đi khắp nơi làm việc, nơi nào họ tới thì ở đó rồi sẽ có những siêu thị, nhà hàng phong cách Hàn Quốc để làm hài lòng khẩu vị cay chua truyền thống của họ.
Sushi - món ăn thể hiện tinh tuý ẩm thực của người Nhật Bản và được cả thế giới yêu mến. Tại những nhà hàng sushi, các vị đầu bếp với đôi bàn tay tài hoa sẽ “múa” từng nhát dao điêu luyện giữ trọn sự tươi ngon của cá, kết dính các thành phần món ăn bằng sự khéo léo và nhiệt độ của bàn tay, sau đó trang trí, sắp đặt món ăn thật rực rỡ, thanh nhã, khiến ta nhìn qua thôi cũng đủ phát thèm. Tất cả tinh tuý nằm trọn trong miếng ngon vừa đủ cho một chấm, hai miếng cắn gặp nhau đúng chỗ kết hợp nhiều thành phần nhất, miếng nào cũng trọn vị ngon! Thật tài tình! Người Nhật tự hào gói ghém những miếng sushi vào hộp cơm, mang đi khắp thế giới; trước là ăn cho ngon miệng mình, sau là thay đổi nhận thức của bạn bè quốc tế trong việc ăn hải sản sống, làm cho cả thế giới phát cuồng vì sushi.
Nhắc tới Ấn Độ ai cũng sẽ nghĩ ngay tới món cà ri cay nồng nàn, mà người Ấn thì “trung thành” với nền ẩm thực quê nhà tới mức dù có đi khắp thế giới, họ cũng sẽ tự tay nấu cà ri cho đúng vị yêu thích. Khi một gia đình người Ấn Độ mời bạn bè đến nhà dùng bữa, gia chủ hẳn sẽ mất cả ngày - đôi khi là hai, ba ngày, để tẩm ướp món ăn, và khi cánh cửa mở ra chào đón vị khách quý, thứ đầu tiên họ cảm nhận được sẽ là hương vị nồng nàn đầy mời gọi từ bàn ăn. Đưa vào miệng một miếng cà ri, cái thơm cay quấn quít từ đầu lưỡi xuống tới bao tử, rồi chuyển hóa thành ký ức đậm đà, theo bước chân họ đi muôn nơi. Sống giữa thiên đường mùi hương cà ri - nào ớt, mù tạt, thì là, bạch đậu khấu, lá quế, đinh hương, nhuỵ hoa nghệ tây…, chẳng lạ khi người Ấn luôn là bậc thầy tài tình trong việc kết hợp các loại gia vị, tạo cho món ăn những hương vị ấn tượng khác nhau.
Ngon - nhanh - cung cấp đủ năng lượng, hamburger là lựa chọn số một cho những xã hội phương Tây năng động - nay cũng đã lan sang cả châu Á. Trong khi thế giới vẫn bận tranh cãi Đức hay Mỹ phát minh ra hamburger thì để làm vừa lòng toàn thể nhân loại, hamburger đã biến tấu ra 1.001 công thức mới, ví dụ như: bò Kobe, gan ngỗng, đậm cheese, chay hay những loại sốt mới lạ… Cắn một miếng hamburger có đầy đủ bánh mì, nhân, sốt rau nhưng đúng kỹ thuật thì không được tung toé ra một miếng nhỏ nào, không hiểu tuyệt chiêu này của anh cao bồi Mỹ hay chú kỹ sư Đức?
Trong cuộc sống dịch chuyển năng động thời nay, món ăn theo chân con người đi khắp muôn nơi, đôi khi kinh doanh một món ngon quê hương còn giúp cả dòng họ có cuộc sống thịnh vượng nơi đất khách. Ẩm thực đi tới đâu, văn hoá, trái tim và tâm hồn con người ở đó.