rước đèn "hồn nhiên"
Tòhe là doanh nghiệp xã hội luôn có những sản phẩm đầy tính sáng tạo cho cả người lớn và trẻ em. Mỗi khi cầm sản phẩm Tòhe trên tay, trẻ em được hồn nhiên và người lớn như được thấy "đứa trẻ" bên trong mình.
Mùa Trung thu năm nay, Tòhe sáng tạo “đèn lồng tùng rinh” với sắc ngộ nghĩnh ẩn trong khủng long, cá và rùa. Bộ sản phẩm cháy hàng trên mọi mặt trận.
Đặc trưng của chiếc đèn Tòhe là những nét vẽ ngộ nghĩnh, dễ thương do các bạn trẻ khuyết tật vẽ; cách lắp đèn cũng rất dễ, với sự cổ vũ của phụ huynh, chắc chắn em nhỏ nào cũng có thể tự "hô biến" bộ đồ nghề thành một chiếc đèn Tòhe cho riêng mình.
Với tình hình giãn cách, Tòhe cũng cố gắng trong việc tổ chức các cuộc thi online khích lệ sự sáng tạo ở trẻ. Cuộc thi vẽ tranh “Trung thu là...” năm nay Tòhe đặc biệt dành cho các họa sĩ hồn nhiên dưới 18 tuổi thể hiện tự do trên mọi chất liệu về mùa Trung thu.
Bên cạnh các chương trình dành cho khách hàng, Trung thu hằng năm, Tòhe đều đem cả niềm vui đến cho các bé “children in need” (trẻ em khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ em mồ côi và trẻ em sống ở các vùng nông thôn khác) bằng hoạt động tổ chức phá cỗ tại trung tâm các bé đang sinh hoạt. Ngoài ra, các bé còn được tham gia các trải nghiệm nghệ thuật liên quan đến Trung thu với giáo án riêng do Tòhe xây dựng. Mỗi sản phẩm nghệ thuật của các em trong các hoạt động ấy đều là một câu chuyện, cảm xúc và Tòhe hoàn toàn tôn trọng điều đấy, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân.
Năm nay, một mùa Trung thu khó khăn hơn đối với tất cả chúng ta, những hoạt động nối kết của Tòhe tạm thời gián đoạn, chỉ có thể dành cho nhau những sự động viên, lan tỏa hồn nhiên và yêu thương qua từng sản phẩm và hoạt động online.
TRUNG THU... len
Bạn đã bao giờ thấy bánh trung thu bằng len chưa?
Những sản phẩm thủ công đầy tỉ mỉ này đến từ bàn tay của chị Nguyễn Thu Thảo ở Hà Nội. Đam mê đan móc từ khi còn nhỏ, tự tìm kiếm và học hỏi, hiện chị Thảo đang theo đuổi Amigurumi - một nghệ thuật móc len tạo hình thú nhồi bông bắt nguồn từ Nhật Bản.
Mùa Trung thu năm nay là lần đầu tiên chị Thảo thử thách bản thân với bánh trung thu bằng len. Chia sẻ rằng vì trong thời điểm giãn cách, thèm vị bánh truyền thống, thèm được đoàn viên, dù cách nhà mẹ có 2 km nhưng không về được nên chị đã nảy ra ý tưởng “nướng” bánh bằng len này cho thỏa vị đoàn viên.
Khó khăn khi thử nghiệm sản phẩm này của chị Thảo là phải thử đi thử lại nhiều lần để tạo hình khuôn bánh gần giống với kích thước thật và thể hiện được hoa văn tinh tế trên mặt bánh. Quá trình tự lên mẫu thiết kế cho đến thực hành và ra một bánh trung thu len hoàn thiện với từng lớp len đều đặn, hoa văn tỉ mỉ sao cho có hồn có khi lên đến một tuần.
Ngoài ra, chị Thảo còn tô điểm thêm cho mùa Trung thu len của mình bằng đèn ông sao và đèn lồng đỏ.
Hiện chị Thảo có mở các lớp hướng dẫn làm bánh Trung thu bằng len hoặc bán các mẫu pattern hướng dẫn do chị tự thiết kế tại Fanpage YarnMe88.
GIỮ "HỒN" TÒ HE
Tò he, hay còn gọi là con giống bột, là một loại đồ chơi dân gian cho trẻ em được làm từ bột gạo, pha chút bột nếp cho dẻo rồi nhào nặn và thêm màu sắc sặc sỡ bắt mắt.
Lớn lên từ bé cùng tò he tại làng nghề truyền thống, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cùng Tò He Việt đang ngày một thành công trên con đường khôi phục văn hóa con giống bột.
Với sứ mệnh “giữ hồn Việt qua đồ chơi truyền thống”, Tò He Việt đưa vào trong các sản phẩm của mình nguồn cội và tích xưa một cách đầy gần gũi. Năm 2020, Tò He Việt ra mắt bộ sưu tập Tích Trung thu, là câu chuyện kể về tích cũ người xưa. Bộ sưu tập dựa trên 6 tích Trung thu cổ được cô đọng trong 6 bài thơ của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách gồm nhân vật đặc trưng cho mùa Trung thu: chị Hằng, chú Cuội, vợ chú Cuội, Thỏ Ngọc, Thiềm Thừ (cóc ba chân sống trên cung trăng, bạn thân của Thỏ Ngọc) và Trâu.
Mùa trăng nay, Tò He Việt tiếp tục hoàn thiện và sáng tạo hơn với các sản phẩm như mâm ngũ quả, mặt nạ, phỗng đất và đặc biệt là bộ sưu tập đầu lân.
Bộ sưu tập đầu lân 2021 là sự kết hợp của đầu lân giấy cổ và những kĩ thuật của con giống bột Đồng Xuân, Phố Khách, Phú Xuyên. So với BST đầu lân những năm trước, năm nay Tò He Việt đưa đến một bộ sản phẩm đầy màu sắc truyền thống mà không kém phần tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất. Từng ánh mắt, vân màu, cái râu đều đậm hồn Việt.
"Thuở bé, nghe tiếng trống rộn ràng ngoài phố, lũ trẻ ùa bảo nhau ra xem con lân nó to như nào nó múa ra sao, cứ thế in nhịp nhàng vào tuổi thơ từng thế hệ tiếng trống lân. Mình càng lớn lên, chiếc đầu lân cũng ngày một “xịn” lên, nhưng cái kí ức rộn ràng khi bắt gặp chiếc đầu lân nhảy múa vào mùa trăng thì vẫn vậy."
SUM VẦY BẰNG 4.0
Giữa thời đại 4.0, vài cái bấm nút là mọi tiện nghi vật chất đủ đầy. Cái thú chơi Trung thu xưa, vẽ từng chiếc mặt nạ giấy bồi, chuẩn bị từng hình nhân phỗng giấy mấy nhà còn?
“Trung thu sum vầy” là buổi phục dựng và trưng bày trực tuyến của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long về nét đẹp Trung thu xưa tại hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn, bắt đầu từ ngày 19/9/2021.
Nội dung chính của buổi trưng bày là phỏng dựng, giới thiệu mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng... Bên cạnh đó, trưng bày giới thiệu sự đa dạng của các món đồ chơi Trung thu truyền thống, được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở khu phố cổ và các làng nghề ven kinh thành Thăng Long.
Đặc biệt, khi truy cập trưng bày trực tuyến, người xem sẽ được gặp gỡ nhà sử học Lê Văn Lan qua các video clip nói chuyện về tết Trung thu truyền thống: tục bày cỗ, rước đèn, thưởng trăng của người Hà Nội; các tích truyện đặc sắc như ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, Người con hiếu thảo…; hoặc tìm hiểu về nghệ thuật làm thiên nga bằng bông - món đồ chơi Trung thu đặc sắc của người Hà Nội với nghệ nhân Quách Thị Bắc.
Trong bối cảnh nhiều gia đình không thể đoàn viên vào chính ngày Tết Đoàn viên, hình thức "sum vầy bằng 4.0" này lại là một giải pháp thú vị và ý nghĩa, để chúng ta hiểu rằng, khoảng cách địa lý có lẽ cũng không quá quan trọng, miễn rằng trong khoảnh khắc đó, ta cùng hướng đến ông trăng tròn, cùng hướng về tiếng "tùng tùng rinh rinh" khe khẽ vang lên từ trong thời thơ ấu.
Còn bạn, bạn đã sẵn sàng cho một đêm trông trăng?