Truyền thuyết ngày Thất tịch

25/08/2020

Lễ Thất tịch diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Đây là biểu tượng của tình yêu son sắt, bền vững nên thường được nhiều đôi lứa gọi là lễ tình nhân phương Đông.

Truyền thuyết ngày Thất tịch ở Trung Quốc

Lễ Thất tịch hay còn gọi lễ tình nhân phương Đông diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ.

Google’s Doodle ngày Thất tịch

Google’s Doodle ngày Thất tịch

Sự tích có nhiều dị bản, nhưng đều cho rằng Ngưu Lang là một chàng chăn trâu thiện lành, đã dành được tình cảm của nàng tiên Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời. Tuy nhiên tình cảm của cả hai bị ngăn cấm và chia cắt không thể gặp nhau bởi dòng sông Ngân Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Hai người khóc than bên dòng sông. Cuối cùng, vì cảm động tình cảm đôi lứa ấy, Vương Mẫu liền sai đám quạ kết cánh tạo thành cây cầu Ô Thước bắc qua sông, để cặp đôi gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất tịch.

Một thanh niên trưng biển tìm bạn gái dịp lễ Thất tịch ở Ürümqi, Tân Cương, Trung Quốc

Một thanh niên trưng biển tìm bạn gái dịp lễ Thất tịch ở Ürümqi, Tân Cương, Trung Quốc

Đám cưới tập thể ở miếu Khổng Tử, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào ngày lễ Thất tịch năm 2016

Đám cưới tập thể ở miếu Khổng Tử, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào ngày lễ Thất tịch năm 2016

Thất tịch là một lễ hội quan trọng của người Trung Quốc, còn được gọi là Khất xảo tiết, ngày Xảo tịch, ngày Thất thư đản hay ngày Trùng thất. Có nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp Thất tịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tục phổ biến nhất vào dịp này là các cô gái trẻ sẽ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo và cầu mong lấy được người chồng tốt, nên đây còn được coi là tết nữ công gia chánh của phụ nữ.

Tanabata, lễ Thất tịch ở Nhật Bản

Tanabata, còn được gọi là lễ hội Sao, cũng bắt nguồn từ lễ Thất tịch phương Đông. Ngày lễ Tanabata thay đổi theo vùng của Nhật Bản, nhưng đều được tổ chức theo dương lịch, thường là ngày 7/7.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người Nhật ngày nay thường tổ chức ngày lễ Tanabata bằng cách viết những điều ước, đôi khi dưới dạng thơ, trên tanzaku (đoản sách), những mảnh giấy nhỏ và treo chúng trên cành tre, đôi khi bằng những vật trang trí khác. Tre và đồ trang trí thường được đặt nổi trên sông hoặc bị đốt sau lễ hội, khoảng nửa đêm hoặc vào ngày hôm sau, tương tự như phong tục thả thuyền giấy và đốt nến trên sông trong lễ hội Obon.

Người Nhật thường tổ chức ngày lễ Tanabata bằng cách treo những điều ước lên cành tre

Người Nhật thường tổ chức ngày lễ Tanabata bằng cách treo những điều ước lên cành tre

Các lễ hội Tanabata quy mô lớn được tổ chức ở nhiều nơi tại Nhật Bản, chủ yếu dọc theo các trung tâm mua sắm và đường phố, được trang trí với các bộ hình phẩm lớn, đầy màu sắc. Các sự kiện bao gồm những cuộc diễu hành, các cuộc thi Hoa hậu Tanabata. Giống như các lễ hội Nhật Bản khác, nhiều quầy hàng ngoài trời bán thức ăn, cung cấp các trò chơi lễ hội và thêm vào không khí lễ hội. Tokyo Disneyland và Tokyo Disney Sea thường tổ chức lễ hội Tanabata với cuộc diễu hành chào mừng với Minnie là Orihime và Mickey là Hikoboshi. Lễ hội Tanabata còn được đưa vào các trường học Nhật Bản, bên cạnh việc viết những điều ước, học sinh còn có thể tự trang trí lớp học và sáng tác thơ.

“ông Ngâu bà Ngâu” ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trời thường mưa vào ngày Thất tịch, người ta gọi là mưa ngâu. Dân gian có câu: "Đồn rằng tháng Bảy mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền". Tương truyền rằng mưa là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau, và ngày Thất tịch còn được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu” cũng vì lẽ đó.

Ở Việt Nam, trời thường mưa ngâu vào ngày Thất tịch

Ở Việt Nam, trời thường mưa ngâu vào ngày Thất tịch

Nếu trời không mưa, đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt, cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm 7/7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.

Chuyện tình chàng chăn trâu và nàng tiên dệt vải cũng trở thành cảm hứng trong nhiều nhạc phẩm Việt Nam đương đại, như ca khúc "Mưa ngâu" của nhạc sĩ Thanh Tùng, hay "Chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ" của Mạc Phong Lĩnh với "Tủi thân chữ yêu không thành, cả đôi khóc than duyên tình, mà tại sao nhịp khổ đau không thấu trời xanh". Khi phải xa người yêu, nhạc sĩ Lam Phương cũng mượn câu chuyện này để viết ca khúc "Thu sầu" với "Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu, nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau..."

Tục ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch

Cũng vào ngày này, người ta còn truyền tai nhau, ăn đậu đỏ là một cách để cầu nhân duyên may mắn thuận lợi, sớm gặp được ý trung nhân hoặc đến được với người mình đang yêu. Còn nếu đã có đôi có cặp thì ăn đậu đỏ bạn sẽ bên nhau lâu dài, tình cảm bền vững.

Chè đậu đỏ được cho là một món ăn may mắn trong ngày Thất tịch

Chè đậu đỏ được cho là một món ăn may mắn trong ngày Thất tịch

Có rất nhiều món ăn được làm từ đậu đỏ như chè đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ, bánh dorayaki nhân đậu đỏ, xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ... Nếu không tự làm được, bạn có thể ghé các địa điểm bán chè tha hồ lựa chọn các vị đậu đỏ cho mình. Chẳng hạn như chè đậu đỏ thập cẩm, chè sữa chua đậu đỏ, trà sữa đậu đỏ, bingsu đậu đỏ... Vào ngày này, đảm bảo món chè hay đồ giải khát kèm đậu đỏ vô cùng đắt hàng. Mặc dù không rõ ăn đậu đỏ có đem lại sự may mắn thực sự cho những ai thoát kiếp độc thân hay không nhưng hương vị thơm ngon hấp dẫn do đậu đỏ đem lại cũng đáng để bạn thử vô cùng.

Hương Thảo - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES