Vào các dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, các địa điểm du lịch thường trở nên đông đúc và đắt đỏ. Với mong muốn tìm kiếm một nơi để tận hưởng không khí trong lành vào dịp nghỉ lễ, anh Nguyễn Thanh Tuấn (37 tuổi, sống tại TP. Hồ Chí Minh) đã chọn đảo Thiềng Liềng - vùng đất thanh bình, mộc mạc còn giữ trọn nét hoang sơ.
Ấp đảo Thiềng Liềng thuộc địa phận xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ và cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km. Hòn đảo nhỏ với bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt, được bao phủ bởi những rừng cây xanh mát. Với lợi thế “khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ”, 70% người dân sinh sống bằng nghề làm muối, còn lại là đánh bắt thủy sản. Tại đây, du khách không chỉ tận mắt thưởng thức vẻ đẹp ẩn mình của ấp đảo tự nhiên mà còn được tìm hiểu thêm nghề làm muối ở khu vực này.
Vùng đất giữ trọn vẻ đẹp hoang sơ
Khi đến đảo Thiềng Liềng, anh Thanh Tuấn đặc biệt ấn tượng với cảnh quan nơi đây: “Thiềng Liềng như một thế giới tách biệt hoàn toàn với sự phát triển của thành phố. Mình rất ngạc nhiên bởi một nơi thuộc TP. Hồ Chí Minh vẫn còn giữ nét hoang sơ, dân cư thưa thớt, rừng ngập mặn được bảo tồn, không gian yên tĩnh và trong lành”.
Do mới được đưa vào khai thác du lịch nên cơ sở vật chất và đường xá trên đảo còn nhiều đơn sơ, mộc mạc. Đối với nhiều người, họ tìm đến ấp đảo Thiềng Liềng đơn giản chỉ để thư giãn, thưởng thức vẻ đẹp nguyên sơ và khám phá các hoạt động gần gũi thiên nhiên của nơi đây. Những phút giây yên bình trải nghiệm cuộc sống mới tại một miền quê ngay Sài Gòn sẽ giúp du khách quên đi mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống thường nhật.
Theo anh Thanh Tuấn, điểm nhấn của Thiềng Liềng là những cánh đồng muối rộng mênh mông, bao quanh đảo là rừng đước và các rặng dừa nước xanh mát. Do diện tích không quá lớn nên du khách có thể đạp xe vòng quanh ấp đảo để ngắm nhìn khung cảnh và cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Tại Thiềng Liềng hiện có khoảng 220 hộ dân và 70% trong số đó sống bằng nghề làm muối. Vì vậy, việc ngắm nhìn những thửa ruộng muối mênh mông trắng buốt và tìm hiểu về nét đẹp của làng nghề là trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến đây. Tuy nhiên, thời gian làm muối chỉ kéo dài trong những tháng mùa nắng nên du khách cần lựa chọn thời điểm đi thích hợp để có thể thỏa sức chụp ảnh check-in cùng “đặc sản” này. Có thể nói, ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) là một trong những vùng hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm muối truyền thống tại Sài Gòn.
Du khách cũng có thể kết hợp đi tham quan điểm núi Giồng Chùa, một giồng đá cao nằm giữa rừng ngập mặn. Giồng Chùa hay núi Chùa, được coi như ngọn núi duy nhất và cao nhất TP. Hồ Chí Minh. Tương truyền trên núi có vết đá lõm sâu do “dấu chân” của vua chúa nào đấy đã từng qua đây. Vì vậy tên gọi “núi Chùa” có thể là từ biến âm của từ “núi Chúa”.
Bên cạnh đó, tại Thiềng Liềng còn rất nhiều trải nghiệm độc đáo và thú vị. Du khách có thể thử chèo SUP ngắm hoàng hôn và bình minh trên sông Lòng Tàu. Với các tín đồ yêu thích cắm trại, câu cá thì Thiềng Liềng là địa điểm lý tưởng bởi thiên nhiên phong phú đậm nét hoang sơ.
Một vài lưu ý khi đi du lịch đảo Thiềng Liềng
Di chuyển
Anh Thanh Tuấn chia sẻ, hiện tại vẫn chưa có tàu công cộng đến Thiềng Liềng mà chỉ có tàu đến Thạnh An. Do đó, đa phần khách du lịch muốn đến đảo sẽ phải thuê tàu hoặc cano. Khách du lịch đến bến phà Tắc Xuất, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, sau đó đón tàu công cộng đến đảo Thạnh An.
Mỗi ngày có 5 chuyến tàu đi và về lúc: 6 giờ 30 phút, 9 giờ 30 phút, 12 giờ, 14 giờ và 17 giờ. Từ đảo Thạnh An, du khách có thể thuê cano chở khách đến Thiềng Liềng, mỗi lượt chở 5 đến 6 người, giá khoảng 400.000 - 600.000 đồng/ lượt. Nếu đi đông ngại di chuyển nhiều đợt, bạn có thể thuê tàu đi trực tiếp từ Tắc Xuất đến Thiềng Liềng nhưng giá sẽ cao hơn.
Ẩm thực
Là cù lao ngập mặn ở cửa sông, bà con bản địa đa phần người miền Tây nên ẩm thực mang nét đặc trưng riêng. Các món ăn được tận dụng nguyên liệu sẵn có như cá khô, hàu, tôm tít... hay cây trái trên đảo như dừa nước, cây siro, bông điên điển… Trên đảo hầu như không có hàng quán và không có chợ nên khách du lịch phải đặt cơm từ nhà dân, chủ homestay.
Thời tiết
Tuy là một nơi rất gần trung tâm thành phố, có thể đến bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng do di chuyển bằng tàu, khách du lịch cần phải xem trước thời tiết. Anh Thanh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh các cánh đồng muối bà con chỉ thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, mùa mưa nơi này bị bỏ không, rong rêu lên xanh, do đó cần lựa chọn thời điểm thích hợp để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp của ấp đảo Thiềng Liềng.
Thiềng Liềng là một ấp đảo còn khó khăn, người dân chỉ có thu nhập ít ỏi từ nghề làm muối. Nhờ phát triển du lịch, bà con mới có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, du lịch nơi đây cũng hướng tới bảo vệ môi trường, bảo tồn rừng ngập mặn, thích hợp với những khách du lịch đam mê trải nghiệm và yêu thích thiên nhiên.
“Được gặp gỡ, trò chuyện cùng người dân đảo mến khách, thật thà, được thưởng thức các món ăn dân dã và biết thêm nhiều thông tin về nghề làm muối truyền thống đã làm mình đặc biệt ấn tượng với chuyến đi này”, anh Thanh Tuấn tâm sự.