24 giờ nếm trọn ẩm thực xứ Đài

13/11/2017

Có bao giờ bạn nghĩ, du lịch nước ngoài từ Bắc đến Nam, ‘ăn trọn’ hương vị ba miền đất nước chỉ trong một ngày? Ngoài Singapore, Đài Loan là đất nước cho bạn một trải nghiệm thú vị như vậy.

Đảo quốc Đài Loan không quá lớn, chỉ bằng khoảng 1/9 diện tích Việt Nam, hơn nữa, di chuyển ở Đài Loan cực kỳ tiện lợi với nhiều phương tiện khác nhau từ tàu siêu tốc (HSR), tàu điện (MRT), buýt đến xe lửa hay taxi. Tất cả đều sẵn sàng đưa bạn đến khám phá từng ngóc nghách!

10.00AM, Đài Bắc – Chào buổi sáng!

Người Đài Loan thường bắt đầu ngày mới khá trễ. Tầm 9, 10 giờ sáng, tại trung tâm Đài Bắc, bạn vẫn thấy người dân xếp hàng đứng mua đồ ăn sáng. Bắt chuyến xe buýt Kuo-Kang từ sân bay ra đến trung tâm, hãy bắt đầu ngày mới với bữa sáng truyền thống tại tiệm ăn sáng nổi tiếng của khu thương mại Da-An: Full Want với món bánh trứng cuộn cùng ngô và pho mát cheddar, bánh crepe hành cùng thịt bò sốt Teppanyaki, ăn kèm ly sữa đậu nành hoặc trà xanh.

Đây là những món bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại bất kỳ tiệm ăn sáng nào của Đài Loan. Bánh crepe hành nóng hổi, lớp vỏ mỏng giòn gối chồng lên nhau, thơm phức mùi bột nướng, cuộn với thịt heo cay, hay thịt bò sốt Teppenyaki chắc chắn khiến bất kỳ ai cũng phát thèm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đây là lựa chọn quen thuộc cho bữa sáng hoặc bữa phụ mỗi khi đói bụng.

Ngoài ra, bạn có thể thử món sandwich với bơ đậu phộng. Nghe có vẻ khá ‘xoàng’, nhưng bơ đậu phộng của Đài Loan cực kỳ ngon, là món mà bất kỳ người Đài Loan nào cũng từng ghiền khi là trẻ con.

Sau bữa sáng, bạn có thể đi MRT đến Dadaocheng, nghĩa là ‘cánh đồng rộng lớn,’ khu phố cổ Đài Bắc với hơn 150 năm lịch sử. Cảng Dadaocheng từng là một trong những cảng hàng hóa sầm uất nhất Đài Loan. Tại đây bạn có thể thấy các tiệm bán trà, thuốc bắc, long não…

Dadaocheng tập trung số lượng lớn các công trình kiến trúc cổ gồm nhà phố dạng ống, văn phòng và đền đài. Bạn có thể đọc được cả một câu chuyện lịch sử Đài Bắc khi quan sát cảnh quan phố xá qua phong cách kiến trúc đặc trưng qua mỗi thời kỳ lịch sử từ thời Thanh trị (Ching Dynasty), Nhật thuộc, đến thời giao thương với các nước phương Tây…

12.30PM, Đài Trung – Ra chợ truyền thống ăn cơm mẹ làm

Từ Đài Bắc, bắt chuyến tàu HSR từ Đài Bắc đến Đài Trung chỉ khoảng  54 phút, bạn có thể lập tức đi thăm khu chợ truyền thống của người Đài: Taichung Second Public Market để lấp đầy cái bụng rỗng. Là một phần lịch sử không thể thiếu của Đài Trung, khu chợ Taichung Second Public Market được xây dựng từ năm 1917 và vẫn tồn tại đến giờ, sau 100 năm. Nơi đây nổi tiếng bán những món truyền thống cực kỳ ngon như trà đen, bánh bao nặn tay, mì, miến,… và đặc biệt là cơm thịt heo Lu Rou Fan.

Người Đài Loan có câu nói, đến Đài Loan thì nhất định phải ăn “mì thịt bò, cơm thịt heo.” Lu Rou Fan là món cơm thịt ba chỉ kho truyền thống của xứ Đài. Tùy vào từng vùng, người ta chế biến món này theo hai cách khác nhau: hoặc là từng miếng ba chỉ thái, phân rõ lớp mỡ và lớp nạc, hoặc là thịt ba chỉ xay nhỏ, ninh nhừ. Thịt ba rọi lấy từ phần bụng của con heo, gồm các lớp thịt, mỡ, xen lẫn xếp lớp lên với nhau. Nếu không có lớp mỡ béo này thì Lu Rou Fan chẳng còn nét đặc trưng.

Với nhiều người, Lu Rou Fan không chỉ là món ăn ngon miệng, mà còn là điều đặc biệt gắn liền với tuổi thơ, với hình ảnh người bà, người mẹ đứng xắt thịt nấu cơm trong gian bếp nhỏ. Bước vào giữa chợ, chọn gian hàng cơm khiêm tốn Arashi của  ‘mẹ Lan’ (Lan mama) – như cách những người chung quanh hay gọi, bữa trưa đầu tiên của tôi tại Đài Trung là chén cơm trắng ngần, nóng hổi, phủ thịt heo bằm nhuyễn, om nâu với nước sốt, rắc thêm ít hành. Ngồi vắt vẻo bên chiếc ghế inox, thưởng thức ‘bữa trưa mẹ làm’ là cách người địa phương tận hưởng những phút giây nghỉ ngơi thoải mái giữa ngày.

4.30PM, Đài Nam – Ngày lười đi uống trà chiều

Từ Đài Trung, đi tàu HSR khoảng hai giờ đồng hồ là đến thành phố Đài Nam. Trước kia vào những năm 1683 đến 1887, đây chính là thủ đô của Đài Loan. Bởi thế đến đây bạn sẽ thấy rất nhiều công trình kiến trúc cổ như phố Anping Old Street, chùa Khổng Tử,… Dạo bộ dọc trung tâm Đài Nam, có thể bạn sẽ phải thốt lên rằng: “Dường như ở đây chẳng ai có hứng thú kinh doanh nhỉ! Nhà mặt tiền mà cứ để trống không.”

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đài Nam là một thành phố nhẹ nhàng, hoài cổ cho những ‘ngày lười’, nơi bạn có thể thư thả đạp xe len lỏi giữa những ngách phố, xếp hàng chờ mua một chiếc bánh bao xá xíu, hay nhâm nhi ly trà sữa trân châu cùng bạn bè giữa trưa nóng nực.

Một trong những nơi ‘check-in’ của các tín đồ ẩm thực là tiệm Hanlin Tearoom, Đài Nam – nơi đầu tiên làm ra ly trà sữa trân châu độc đáo của Đài Loan. Năm 1986, ông Tu Tsong – chủ một tiệm trà – nảy ra ý định thả những viên bột năng tròn trong veo vào tách trà đen nóng, pha thêm sữa. Ly trà sữa thơm mùi trà, thanh vị sữa cùng những viên trân châu dai dai nhai vui miệng sau đó tạo nên làn sóng ẩm thực nổi tiếng lan khắp thế giới. Đến nỗi chính phủ Đài Loan nói rằng, đây chính là món ăn đặc trưng của đất nước.

Tại Hanlin Tearoom, bạn có thể thưởng thức phiên bản gốc của trà sữa trân châu: bao gồm ấm trà sữa nóng, hai chiếc tách nhỏ, và chén trân châu trắng đen để kế bên. Nếu thích trà sữa lạnh quen thuộc, hãy chuẩn bị bao tử trước bởi ly trà sữa ở đây to như ly bia!

Người Đài Loan còn thích kêu một món ngọt nhỏ nhỏ để ăn kèm trà sữa. Một trong mười món ngọt được người dân ở đây ưa chuộng nhất là món mochi nướng đường nâu nhân đậu đỏ, hoặc mochi bơ đậu phộng. Bật mí, nếu không có thời gian đến Đài Nam, thì tại Đài Trung vẫn có cửa hàng của Hanlin Tearoom để bạn thưởng thức trà sữa trân châu kiểu cũ (trà nóng).

8.00PM – Một vòng chợ đêm Đài Loan

Hành trình ẩm thực tại Đài Loan dĩ nhiên sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu đi dạo chợ đêm. Chợ đêm Đài Loan là thiên đường ẩm thực Châu Á, từ đầu chợ đến cuối chợ, bạn có vô số lựa chọn ẩm thực đa dạng. Nếu mỗi ngày chỉ ăn một món, có lẽ bạn sẽ phải ở đây cả tháng. Chợ đêm Shilin (Đài Bắc), Feng Chia (Đài Trung) và Hua Yuan (Đài Nam) là những khu chợ đêm nổi tiếng với du khách. Không chỉ là nơi mua sắm, ăn uống, chợ đêm còn là nơi quen thuộc của giới trẻ để hẹn hò, tụ tập.

Ghé chợ đêm, nhớ mua bánh dứa và trứng sắt về làm quà. Bánh dứa là món quà truyền thống đem lại nhiều may mắn. Còn trứng sắt dai nhách, đen thui, trông có vẻ xấu lạ, ngộ ngộ là trứng cút hoặc trứng bồ câu được đem kho với nước tương và xì dầu đến khi đen và dai. Cô bạn địa phương đùa rằng “Lấy trứng này chơi bóng bàn cũng được nữa đấy!”

Sau khi đi bộ rã rời, đây là lúc bạn dừng chân để thưởng thức mì bò – một trong hai món ‘quốc hồn quốc túy’ của Đài Loan. Sợi mì tươi, nước dùng sắc nâu, đậm vị, thịt bò hầm mềm, thơm mùi thuốc bắc rất nhẹ, là một trong những món nhất định phải thử khi đến đây! Sau tô mì thịt bò, bạn có thể tiếp tục ăn nhẹ với món hàu đúc trứng. Người dân ở đây thường nướng hàu bằng cách khè lửa, nên hàu vẫn mập mạp, tươi và ngọt nước, không bị khô như nướng than. Hãy kết thúc bữa tối với món tráng miệng ngọt ngào kem xoài đá bào hoặc Dou Hua – tàu hũ đá với nước đường phèn, ăn kèm đậu đỏ, đậu xanh và mochi.

Kết thúc một ngày tràn đầy món ngon tại “thiên đường ẩm thực Châu Á”, đâu là món yêu thích nhất của bạn?


Các địa chỉ thưởng thức ẩm thực Đài Loan một cách trọn vẹn nhất

  • Nhà hàng Full Want

Số 133-2, khu 1, đường Fuxing, quận Da’an Dist, Đài Bắc

Tel: +886-2-2771-5736

Web: www.fullwant.com.tw

  • Dadaocheng

Nằm ở phía tây bắc của quận Da Tong, Đài Bắc

  • Arashi at Taichung Second Public Market

Số 36, khu 2, đường Sanmin, quận Central, Đài Trung

Tel: +886-4-2222-6010

Web: www.arashi.tw

  • Hanlin Tearoom

Tầng 1, số 919, khu 2, quận Xitun, Đài Trung

Tel: +886-4-2255-7269

Số 338, đường Chongming, quận East Dist, Đài Nam

Tel: +886 6 269 7367

Web: www.hanlin-tea.com.tw (For other tearooms’ and restaurants’ addresses along Taiwan)

  • Shilin Night Market (Taipei)

Số 101, đường Jihe, quận Shilin District, Đài Bắc

  • Feng Chia Night Market (Taichung)

Đường Wenhua, quận Xitun, Đài Trung

  • Hua Yuan Night Market (Tainan)

Số 533, khu 3, đường Hai'an, quận North, Đài Nam

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES