Nguyễn Khải Trung (sinh năm 1997, Hà Nội) được biết đến là chàng trai có hành trình chinh phục 63 tỉnh thành với hơn 100 chuyến đi. Mới đây, anh đã giành ba ngày để đặt chân khám phá đến đất nước Triệu Voi.
3 ngày khám phá đất nước Triệu Voi
Chuyến đi lần này, Khải Trung đã giành trọn thời gian để khám phá hai tỉnh Đông Bắc của Lào là Hủa Phăn (Houaphanh) và Xiêng Khoảng (Xiengkhuang). Hai địa điểm này được xem là gần biên giới Việt Nam nhất, có những địa danh lịch sử nổi tiếng và đặc biệt những khu vực này không quá nhiều khách du lịch, thích hợp cho chuyến đi trải nghiệm cuộc sống bình yên ở Lào.
Khu vực Hủa Phăn và Xiêng Khoảng trước đây từng thuộc địa phận tiểu quốc Bồn Mang. Vùng đất này từng bị chi phối, tranh giành bởi nhiều quốc gia lân cận như Đại Việt, Lan Xang, Xiêm La và sau cùng là Pháp. Trải qua bao thăng trầm, đến nay các địa danh in đậm dấu tích lịch sử tại đây vẫn là điểm thu hút du khách cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến để trải nghiệm và khám phá.
Không những vậy, hai tỉnh này từng phải hứng chịu nhiều đợt không kích của Mỹ hòng tiêu diệt Pathet Lào và ngăn chặn hậu cần của miền Bắc Việt Nam tiếp tế vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Vì vậy, nơi đây có rất nhiều khu căn cứ, đường hầm, hố bom... Không chỉ người dân Lào mà cả người dân Việt Nam cũng nên ghé thăm để nhìn lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy.
Khi được Travellive hỏi về những địa điểm du khách Việt nhất định phải đến khi đặt chân tới 2 tỉnh thành này của Lào, Khải Trung đã đưa ra 4 địa điểm không nên bỏ qua là: cánh đồng Chum, Mường Khun, hang Viêng Xay, Sầm Nưa.
Địa điểm đầu tiên, nổi tiếng nhất và lâu đời nhất là cánh đồng Chum. Với niên đại hơn 2.000 năm, cánh đồng chum khiến anh không khỏi choáng ngợp bởi quy mô cũng như kích cỡ nơi này. Đây là di sản văn hóa thế giới thứ 3 của Lào được UNESCO công nhận, bao gồm hàng ngàn chum đá nằm rải rác dọc các thung lũng thuộc Cao nguyên Xiêng Khoảng. Không ai rõ chúng được làm ra như thế nào, nằm ở đó từ bao giờ và được dùng vào việc gì. Thời điểm thích hợp để tham quan nơi này là lúc chiều tà, khi ánh hoàng hôn khiến những chiếc chum thêm nổi bật giữa đồng cỏ trập trùng.
Địa điểm thứ hai mà Khải Trung gợi ý nên ghé thăm là Mường Khun - cái nôi văn hóa của tỉnh Xiêng Khoảng. Là một trong những địa phương có tuổi đời lâu nhất nằm ở phía Bắc nước Lào. Mường Khun nổi tiếng là mảnh đất chứa đựng các dấu tích văn minh có giá trị văn hóa lịch sử cao, từng là nơi đặt kinh đô của 23 tộc trưởng các bộ tộc Lào cổ. Đến nay, các địa danh in đậm dấu tích lịch sử tại đây vẫn là điểm thu hút du khách cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến trải nghiệm và khám phá. Nổi bật là chùa Phiavat, tháp Phoun, tháp Chomphet...
Địa điểm thứ ba là hang Viêng Xay, hệ thống với gần 500 hang động. Trong thời chiến, đây là trung tâm chỉ huy của phong trào cách mạng Pathet Lào từ năm 1964 - 1975, diễn ra rất nhiều cuộc họp quan trọng của quân đội và cũng là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng trước các đợt không kích của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Với sức chứa khoảng 23.000 người cùng hệ thống cửa hàng, nhà in, trường học và bệnh viện trong thời chiến, hệ thống hang động này luôn là niềm tự hào của người dân Lào.
Cuối cùng là Sầm Nưa, địa danh được nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến:
“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Đây là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Hủa Phăn. Sầm Nưa cùng với Viêng Xay là hai địa danh đặc biệt của cách mạng Lào. Thị xã bé nhỏ bình dị với thời tiết mát mẻ, không khí trong lành, nhà cửa tầng tầng lớp lớp khiến Khải Trung liên tưởng ngay đến Đà Lạt của Việt Nam. Nếu ghé thăm nơi này du khách hãy thử chạy xe một vòng quanh Sầm Nưa để ngắm nhìn cuộc sống như được “tua chậm lại” với không khí yên bình của cuộc sống người dân nơi đây.
Ngoài ra, Khải Trung đưa ra 4 trải nghiệm tuyệt vời đáng để thử khi ghé thăm Lào. Ở một đất nước có nền văn hóa phong phú và đa dạng như Lào, việc đầu tiên ngay sau khi đặt chân đến vùng đất này là thưởng thức ngay ẩm thực địa phương.
Không chỉ có không khí trong lành, cảnh sắc hoang sơ tuyệt đẹp, Sầm Nưa là nơi có nền ẩm thực độc đáo mang đậm nét văn hóa người bản địa. Bạn nên thử những đặc sản nổi tiếng của Lào như: xôi Lào, phở Lào, bia Lào - được xem là một trong những loại bia ngon nhất châu Á.
Đã đến Lào là phải đi chợ truyền thống để có thể hiểu được tường tận văn hóa truyền thống nơi đây. Chợ Viêng Xay, chợ Sầm Nưa, chợ Phonsavan là những khu chợ truyền thống hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng Đông Bắc Lào. Đến thăm chợ, du khách sẽ được tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa của người Lào, đồng thời có thể mua các sản phẩm đặc sản của Lào.
Đất nước Phật giáo như Lào chắc chắn không thể thiếu những ngôi chùa ấn tượng và linh thiêng. Khải Trung cho rằng, Phật giáo được xem là quốc đạo tại nước Lào. Vì thế đến với Lào cũng là dịp để bạn chiêm ngưỡng, khám phá những ngôi chùa đẹp và linh thiêng. Wat Si Bun Hueang và Wat Phoxai Sanaram là hai ngôi chùa bạn nên ghé thăm và lễ Phật tại Sầm Nưa.
Và trải nghiệm những cung đèo hiểm trở là lựa chọn mạo hiểm nhưng cũng đáng để thử khi chinh phục tại đất nước Lào. Với địa hình núi cao bị chia cắt mạnh, chạy xe qua những cung đường có nhiều khúc cua gấp, dốc lên dốc xuống sẽ là một trải nghiệm mạo hiểm đáng nhớ khi đến Lào.
Trên đường từ Hủa Phăn đến Xiêng Khoảng, Khải Trung đã có cơ hội chiêm ngưỡng những khung cảnh núi non hùng vĩ, cao nguyên trập trùng và thung lũng rộng lớn. Hay lúc đi qua những bản làng nằm giữa cảnh đồng lúa khiến anh phải thốt lên vì cảnh đẹp như tranh vẽ.
“Tuy vậy cũng có nhiều đoạn đường mấp mô ổ gà khiến người và xe đi bị xóc nảy lên. Trước những khó khăn ấy, bản thân cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng niềm đam mê và cảm giác chinh phục trước cung đường tuyệt đẹp này khiến mình vượt qua chặng đường xa để tiếp tục hành trình”, Nguyễn Khải Trung nói.
Khó khăn mà Khải Trung gặp phải trong chuyến đi là rào cản về ngôn ngữ. Tiếng Anh tại khu vực này không phổ biến, tiếng Việt thì thỉnh thoảng mới thấy một vài người Lào biết nói “bập bẹ”.
Đầu tiên khi vào hàng quán hay khách sạn Khải Trung luôn hỏi họ xem có biết nói tiếng Việt hoặc tiếng Anh không, nếu họ không nói được anh sẽ dùng ngôn ngữ cơ thể hay cử chỉ, ánh mắt để biểu đạt ý muốn, nếu họ vẫn không hiểu anh sẽ dùng Google dịch. Người Lào rất hiền lành và dễ tính, họ luôn kiên nhẫn để lắng nghe vì vậy sau một lúc hai bên cũng hiểu nhau.
“Buồn cười nhất là khi đến mỗi quán nước mình gọi chai nước nhưng muốn họ lấy cho cốc đá, mình đã tìm hình ảnh cái cốc và hình ảnh bát nước đá để cho họ hiểu”, Khải Trung kể về kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến đi.
Bí kíp bỏ túi cho khách Việt khi lần đầu đến Lào
Để có một chuyến đi trọn vẹn, Nguyễn Khải Trung đã chia sẻ một số bí kíp bỏ túi cho khách Việt khi đến thăm đất nước Triệu Voi này.
Khải Trung cho biết: “Bạn nên chủ động mua sim Lào để có 3G tiện cho việc tra đường và phiên dịch. Mình chỉ chuyển vùng quốc tế và đăng ký Internet nhưng bị lỗi không truy cập được khiến việc giao tiếp khó khăn. Tuy nhiên rắc rối nho nhỏ này khiến cho mình có nhiều trải nghiệm khó quên, nhờ việc chịu khó lắng nghe và giao tiếp với người Lào nên mình đã học được một số câu phổ biến và cách nói giá tiền đấy!”.
Đây cũng là lần đầu Khải Trung chạy xe máy sang Lào nên trước khi đi anh cũng lo lắng về thủ tục mang xe qua biên giới, vấn đề cảnh sát giao thông, đường vắng vẻ nên phải bảo dưỡng xe... Lời khuyên nữa là trên đường đi bạn hãy luôn bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề tại nơi đất khách quê người.
Về thủ tục xuất nhập cảnh thì khá đơn giản. Chỉ cần bạn có đầy đủ giấy tờ (hộ chiếu, giấy tờ xe chính chủ) và mất một khoản phí các cửa khẩu sẽ tạo điều kiện cho qua. Những cửa khẩu dễ dàng cho xe máy qua nhất là Na Mèo (Thanh Hoá) và Lóng Sập (Sơn La). Ngoài đóng dấu hộ chiếu hải quan của hai bên sẽ cấp cho bạn một giấy đi đường có thể đi được khắp Lào và về cửa khẩu nào cũng được (Khải Trung chọn cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An). Không phải như ngày trước xe máy chỉ được phép đi xung quanh huyện của cửa khẩu đó.
Khi có giấy đi đường này bạn cứ đi đúng luật bên đó sẽ không gặp rắc rối, cảnh sát giao thông ở Lào ít khi đứng ở đường, chỉ cần chú ý đoạn ra vào trung tâm thị xã. Hơn nữa, đường đèo dốc bên Lào vắng vẻ vì vậy bạn hãy bảo dưỡng xe thật tốt và hạn chế đi vào buổi tối tránh những trường hợp nguy hiểm.
Thời điểm này bên Lào đang cạn kiệt xăng dầu, các trạm xăng đóng cửa hết nên Khải Trung đã phải mua một chai xăng lớn để dự phòng và chuẩn bị tâm lý phải quay về sớm vì không có xăng. Thật may là lúc anh đi các trạm xăng ở trung tâm đã mở cửa trở lại, giá xăng đắt hơn Việt Nam một chút. Cho đến ngày cuối trước khi rời khỏi Lào anh mới dùng đến chai xăng dự phòng ấy.
Điều mà Khải Trung yêu thích và ấn tượng nhất ở Lào là văn hoá tham gia giao thông của người dân. Họ chạy xe chậm rãi, nhìn trước ngó sau, không phóng nhanh vượt ẩu, không chèn ép xe khác. Chỉ cần mình xin đường dù xe máy hay ô tô họ cũng lịch sự dừng xe hoặc đi sát vào lề để nhường đường cho mình. Một điều ấn tượng nữa là người Lào nấu ăn ngon, hợp với khẩu vị người Việt, giá cả lại hợp lý, thậm chí là khá rẻ so với mức sống bên Việt Nam mình.
Khí hậu hai khu vực này khác so với mọi vùng ở Lào, tiết trời mát mẻ trong lành quanh năm, hơn nữa hai tỉnh này ít được du khách quốc tế ghé thăm nhất nên không có hiện tượng chen chúc xô bồ.
“Nếu có thêm thời gian mình sẽ ở thêm Lào một vài ngày nữa để trải nghiệm thêm về cuộc sống nơi này. Sắp tới mình dự định chạy xe khám phá những mảnh ghép khác của xứ sở Triệu Voi như: Luang Prabang, Viêng Chăn, Vang Viêng, Savannakhet... Chắc chắn đây sẽ là một hành trình thú vị!”, Khải Trung chia sẻ thêm.