Bài: Quế Lan. Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cung cấp
Galbitang (Canh sườn bò)
Với nguyên liệu chính là sườn bò được hầm nhừ, món canh có mùi thơm ngon và vị béo ngậy đặc trưng từ thịt lẫn mỡ của sườn và nước dùng. Để chế biến món ăn, đầu bếp sẽ cắt sườn thành từng miếng dài khoảng 5cm, ngâm nước lạnh trong một vài tiếng, đun sôi, sau đó cho gừng, tỏi vào ninh tiếp trong 2,5giờ rồi vớt ra. Nước dùng sẽ được giữ lại và ninh trong 30 phút cùng củ quả, hành tây, tỏi, để giữ lấy nước trước khi chế gia vị, xì dầu, bột bò cho thêm vị đậm đà. Cuối cùng, cho táo tàu, sâm vào đun rồi cho một chút miến, đun cùng với sườn, hành baro cắt khúc.
Điểm nhấn của món ăn chính là nước dùng đậm đà, béo ngậy của sườn, giòn tươi của rau củ quả như hòa quyện cùng vị đắng nhẹ của sâm và vị ngọt thanh của táo tàu. Kết hợp với vị cay của các gia vị hành, ớt làm nhấn nhá, canh sườn bò sẽ có hương vị tuyệt vời nhất khi đựng trong bát đá giữ nhiệt. Cùng bạn bè, người thân thưởng thức bát canh Galbitang thơm ngon bổ dưỡng trong cái lạnh đầu xuân sẽ là một trải nghiệm đặc biệt thú vị.
Samgyetang (Gà tần sâm)
Gà tần sâm là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Hàn Quốc được người dân ưa chuộng trong mùa hè. Song hãy thử phá cách một chút khi thưởng thức bát canh gà nóng hổi trong thời tiết se lạnh của mùa xuân và chiêm nghiệm tác dụng bổ sung năng lượng thần kỳ cho cơ thể. Thịt gà mềm, đượm vị ngọt của nước dùng từ gạo nếp, sâm, táo tàu, hạt dẻ sẽ làm dậy mùi thơm, truyền hơi ấm tới bao tử của bạn ngay tức thì. Để tăng hương vị, đầu bếp còn cho thêm chút hành hoa, muối, và bột tiêu đen vào nước dùng. Bát canh gà tần sâm bưng lên nóng hổi, cơm nếp vừa chín tới quyện với vị ngọt từ sâm, thơm mùi táo tàu sẽ thôi thúc bạn nếm ngay để cảm nhận sức khỏe thêm dồi dào trong năm mới.
Sagol Tteokguk (Canh bánh gạo)
Nếu bánh Tteok được coi như “linh hồn” trong mâm cỗ dịp lễ, tết truyền thống của người Hàn thì canh bánh gạo được cho là sẽ giúp họ được khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Canh bánh gạo được làm từ bánh gạo cắt lát theo đường chéo nấu với nước thịt bò. Công đoạn chế biến nước dùng cũng thật công phu. Đầu bếp sẽ cắt xương ống bò từ 5-7cm rồi ngâm nước trong vòng 1 ngày và sơ chế kỹ, sau đó đun sôi, rửa sạch lại rồi mới đem ninh khoảng 2 ngày. Kế tiếp đó, bánh gạo sẽ được cho vào cùng gia vị bột bò, muối, tỏi, một chút xì dầu, hạt tiêu, nêm nếm vừa đủ và đun trong 5 phút cho đến khi bánh mềm. Mùi thơm nhẹ và vị ngọt tự nhiên của nước thịt bò hòa cùng vị hơi nồng của tỏi, ớt, tạo nên một hương vị vừa quen mà vừa lạ.
Màu trắng tinh khiết của bánh gạo điểm tô một chút thịt bò băm, vài lát trứng vàng ươm, nổi bật cùng hành hoa, lá kim trên nền trắng sữa của nước dùng sẽ tạo nên một bản giao hưởng của hương vị nhẹ nhàng mà thanh khiết.
Kimchi Jeongol (Canh kim chi)
Cái tên xứ sở Kim chi chính là minh chứng hoàn hảo cho món “rau củ lên men” độc đáo, vốn được xem là món ăn điển hình của ẩm thực Hàn Quốc. Với mùi thơm nồng và cay đặc trưng, Kimchi Jeongol xứng đáng là một trong những món ăn cân bằng dinh dưỡng và giữ ấm cho cơ thể hiệu quả nhất.
Khi làm món canh này, kim chi muối để chua, sau đó xào với thịt heo, cho gia vị, bột bò, tỏi vào xào mềm. Để làm nước dùng, đầu bếp sẽ ninh củ quả, hành tây và tỏi trong vòng 30 phút, vớt bỏ bã, sau đó chế gia vị, bột bò thêm đậm đà. Cho sâm, táo tàu vào đun cùng sườn và kế tiếp là miến cùng hành baro cắt khúc. Cuối cùng, khi các nguyên liệu được hầm nhừ, đậu phụ sẽ được cắt thành từng lát chéo rồi đun sôi trong nước dùng và ăn nóng.
Kimchi Jeongol chi có vị cay ngọt, chua chua và thơm nồng mùi kim chi. Món canh có độ nóng và cay của ớt, vị chua của dưa muối, vị thơm của hành hứa hẹn là một món ăn dễ đưa cơm trong những ngày vẫn còn se lạnh.
Doenjang Jeongol (Canh tương Hàn Quốc)
Là món ăn đậm đà, với nhiều thành phần nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng, canh tương sẽ là lựa chọn sáng suốt khi bạn muốn thưởng thức hương vị thơm ngon của tương hầm nhừ cùng các loại rau củ.
Để làm nước dùng, các nguyên liệu củ cải, hành tây, tỏi, hành baro, cá cơm sẽ được cho vào nước đun trong vòng 1 tiếng, sau đó vớt bã ra ngoài, cho thêm tương cùng gia vị, bột bò, bột ớt, bột cá, tỏi đun lên cùng nước dùng. Kế tiếp, ngô, hành tây, hành baro, ớt xanh, nấm, ngao, đậu phụ sẽ được đun sôi cùng nước tương. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, đầu bếp thường dùng tương jjang, loại tương làm từ đậu lên men với muối. Sau khi thưởng thức tiệc nướng cùng rượu sochu, sẽ là lúc thích hợp nhất để cùng bạn bè, người thân xì xụp bát canh tương nóng hổi, vừa xuýt xoa, vừa cảm nhận hơi ấm lan toả giữa tiết trời xuân.
Một bí quyết nho nhỏ khi kết thúc bữa tiệc, bạn có thể tráng miệng bằng một chén trà quế thơm ngọt, thanh đạm để cân bằng hương vị và dưỡng chất cho cơ thể.
Địa chỉ tham khảo:
Biwon Korean Restaurant
- Tầng 9, Tòa nhà Keangnam Landmark Tower 72, Hà Nội
- Tel: 04. 6282 3300.
Nhà hàng Arirang
- Tầng 3, Khách sạn Grand Plaza Hà Nội - 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội
- Tel: 04. 3555 1000 – ext.2030.