Ẩm thực với các loài hoa

12/08/2013

Mỗi loài hoa lại có những hương vị khác biệt. Có lẽ vì vậy mà ẩm thực “cây nhà lá vườn” từ hoa càng phong phú hơn bao giờ hết. Ẩm thực từ hoa còn được ví như một liều thuốc “tiên” giúp con người trở nên thanh tịnh hơn khi thưởng thức các món ăn.

Hoa bí

Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Bông bí lớn, màu vàng tươi rất vui mắt. Bông bí được cắt chừa cuống dài, bó thành bó nhỏ đem ra chợ bán. Tuy nhiên, mùa hè, bông bí mới có nhiều.

Người miền Bắc thường luộc hoa bí vì có vị ngọt thanh, phần cuối bí có vị giòn dai, ăn rất thú vị. Món canh mùa hè cũng thường được nấu cùng với hoa bí, nêm thêm ít vị chua, cùng với thịt băm.

Lẩu hoa

Riêng ở miền Nam, bông bí cũng như các loại bông khác như điên điển, bông so đũa làm thành món “lẩu hoa” đầy màu sắc và ngon miệng. Người miền Nam luộc bông bí chấm nước kho cá, kho thịt hay tương dầm ớt. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu…xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn giòn.

Món đặc sắc nhất của bông bí là “bông bí dồn thịt chiên” hay còn gọi là chả bông bí. Muốn bông bí ngon, phải hái ngay từ khi bông mới chớm nở, tước sơ qua ở cuống, rửa qua nước để ráo. Sau đó, các thứ như tôm, mực, thịt lợn nạc vai quết nhuyễn, trộn tiêu hành, mắm muối, bột năng làm nhân. Để những bông hoa không bị nát khi chiên, bẻ gập các cánh hoa úp đè lên nhau, nhẹ tay bỏ vào chiên với lửa nhỏ để bông bí còn màu vàng tươi, không bị cháy xém.

Ngoài ra, ở Huế còn có món chả bông bí thơm ngon, chấm nước tương dầm ớt. Món ăn này thường được làm trong những ngày tụ họp hay giỗ, tết của gia đình.

Bông điên điển

Hoa điên điển còn được người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ gọi bằng cái tên rất dân dã: “hoa mùa lũ”, “hoa cứu đói”. Loại hoa này nở theo mùa nước lũ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa lũ cũng là mùa đói của nhiều người dân ở đây, lúc này ngoài cá thì các loại rau củ quả khá hiếm hoi. Giữa mênh mông nước, chỉ có bông điên điển nở rực. Với nhiều người, bông điên điển có thể làm món dưa chua, món canh, món nộm, kho cùng với cá linh...

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bánh khọt hoa điên điển

Ngoài ra, để có thêm thu nhập, nhiều người dân đã đi hái điên điển để bán cho nhà hàng làm món ăn, đổi gạo với những người khác...

Hoa điên điển được coi là một đặc sản “cây nhà lá vườn” mà bất cứ ai cũng muốn nếm thử khi đi đến vùng miền Tây sông nước vào mùa nước nổi. Quen thuộc nhất đối với người dân miền Tây là món canh chua hoa điên điển nấu với cá linh. Vị bùi bùi của hoa điên điển vàng kết hợp với vị chua chua, ngọt ngọt của nồi canh cá đang sôi sùng sục, đem lại cho thực khách cảm giác rất ngon và lạ miệng.

Bên cạnh canh chua, hoa điên điển làm dưa chua. Hoa điên điển, rau giá được rửa sạch, sau đó ngâm với nước vo gạo có pha một chút muối, cho vào vại, đậy kín bằng lá chuối trong khoảng 3 ngày, thế là đã có một món dưa rất ngon.

Ngoài ra, còn những món ăn như bánh xèo hoa điên điển, hoa điên điển xào tép, gỏi hoa điên điển… Mỗi món có một hương vị đặc trưng.

Bông so đũa

Cũng như hoa điên điển, vào những mùa nước nổi, từ tháng 10 âm lịch trở đi, cây so đũa đồng loạt ra hoa, dân miệt vườn thường hái hoa so đũa để có món ăn nức tiếng là cá linh nấu canh chua bông so đũa.

So đũa xào tôm

Bông so đũa lặt cuống, rửa sạch. Nấu nước sôi, dầm me, thả cá linh, nêm vừa miệng, hớt bọt, cho bông so đũa vào là nhấc xuống liền, để bông còn giòn mới ngon. Trên mặt bỏ ngò gai, rau om xắt nhỏ, thêm một chút tỏi phi, vài lát ớt tươi. Không có cá linh, người ta nấu canh chua so đũa với tôm, tép.

Từ hoa so đũa, người miền Tây cũng tạo ra sự đa dạng trong các món ăn như: món cá lóc bọc bằng bông so đũa hấp, chấm nước mắm đồng dầm ớt, bông so đũa hấp cá, bông so đũa xào, luộc…

Hoa thiên lý

Hoa thiên lý giống như cái chuông gió nhỏ, lấp ló trong những tán lá xanh mướt. Ngoài chức năng làm đẹp, hoa thiên lý còn có công dụng tạo ra những món ăn ngon.

Nghêu xào hoa thiên lý

Bên cạnh mùi hương thoang thoảng, hoa thiên lý còn có vị ngọt mát, được người nông dân miền Bắc coi như một loại rau có sẵn trong nhà. Canh thiên lý mang hương vị đặc trưng của mùa hè. Nấu canh thiên lý không phức tạp. Chọn những chùm hoa mới nở, ngâm nước cho hết kiến, chùm hoa to thì tách làm 2, 3 nhánh nhỏ.

Ở thành phố thì nấu hoa thiên lý với thịt lợn bằm, giò sống. Nhưng kết hợp độc đáo của hoa thiên lý là nấu cùng cua đồng giã nhỏ làm canh có hương vị đậm đà. Hoa thiên lý xào với thịt bò, có ướp chút gừng và nước tương cho thấm. Ngày nay, người ta dùng hoa thiên lý như một loại rau sống, nhúng với lẩu các loại.

RELATED ARTICLES