Ánh Sáng Phật Đản - Kỷ niệm Ngày lễ tôn vinh Đức Phật

22/05/2023

Lễ Phật Đản là một trong những đại lễ vô cùng to lớn với người con Phật không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đây là ngày kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết về nguồn gốc và ý nghĩa quan trọng của ngày Phật đản sinh.

Được tổ chức hàng năm để tôn vinh Đức Phật và giá trị từ bi mà Ngài đã đem lại cho thế giới, Đại lễ Phật đản là một sự kiện đáng chú ý trong lịch sử Phật giáo. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử và du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, nhiều hoạt động tôn giáo và văn hóa khác cũng được tổ chức song song với đại lễ, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị tinh thần và tri thức cho cộng đồng Phật tử. Chắc chắn rằng, Đại Lễ Phật Đản năm nay sẽ là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ cho những ai yêu mến và quan tâm đến Phật giáo.

Đại Lễ Phật đản: Ngày diễn ra sự kiện tôn Vinh Sự Từ Bi Của Đức Phật

Đại lễ Phật đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của người Phật tử. Đây là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước công nguyên trong hình hài của một nhân vật lịch sử.

Là một bậc Thầy của trời người, từ khi mới sinh ra, Đức Phật đã có những điểm khác biệt với bao đứa trẻ khác. Đó chính là hình ảnh hài nhi khi vừa sinh ra đã đi bảy bước trên bảy đóa sen

Là một bậc Thầy của trời người, từ khi mới sinh ra, Đức Phật đã có những điểm khác biệt với bao đứa trẻ khác. Đó chính là hình ảnh hài nhi khi vừa sinh ra đã đi bảy bước trên bảy đóa sen

Trước kia, các quốc gia theo truyền thống Bắc Tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) sẽ tổ chức lễ Phật Đản vào ngày 08/04 âm lịch. Các quốc gia theo truyền thống Nam Tông sẽ tổ chức vào ngày 15/04 (rằm tháng tư âm lịch). Tuy nhiên tại Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Tích Lan vào năm 1950, 26 phái đoàn Phật giáo các nước thành viên đã thống nhất chọn ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm làm ngày Phật Đản quốc tế.

Phật Đản là ngày lễ thiêng liêng với cộng đồng Phật tử

Phật Đản là ngày lễ thiêng liêng với cộng đồng Phật tử

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/04 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Ngày 28/11/2022 vừa qua, thành viên Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc thống nhất chủ đề chính của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2023 là “Trí tuệ Phật giáo đối phó các vấn nạn toàn cầu” (Buddhist Wisdom Coping with Global Crises). Chương trình Đại lễ sẽ diễn ra từ ngày 31/05 – 01/06/2023, tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ý nghĩa của Lễ Phật Đản

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người lịch sử, được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, cha là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), mẹ là hoàng hậu Maya, được nuôi dưỡng, giáo dục để trở thành người kế vị ngai vàng, lãnh đạo Kapilavastu.

Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả để dấn thân chứng nghiệm, khám phá bốn sự thật của cuộc đời, đó là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và phương pháp để chấm dứt sự khổ (Tứ diệu đế). Ngài còn giảng dạy về phương pháp cho con người có được hạnh phúc tương đối và đạt được hạnh phúc thực sự - nếu có ý chí, ngay trong cuộc đời này, được soi sáng bởi trí tuệ nhờ có chánh niệm, thực hành thiền định.

Những lời dạy của Ngài vượt lên trên tất cả các giáo điều thông thường, trường tồn qua hàng ngàn năm và vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho những ai muốn có được hạnh phúc thực sự cho bản thân, cộng đồng.

Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính

Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, ngày này có mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn đó là nhắc nhớ tứ chúng đệ tử Phật phải không ngừng nỗ lực tu tập, buông bỏ để trở về chính mình, tìm thấy chân tâm tự tánh, bản lai diện mục.

Các hoạt động ý nghĩa trong đại lễ Phật Đản

Tất cả những hoạt động trong ngày Lễ Phật Đản đều mang ý nghĩa rất sâu sắc và tương tác rất chặt chẽ với văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc trang trí nhà cửa, đền đài, chùa chiền với hình ảnh sen và hoa trắng tinh khôi thể hiện sự kính trọng và tôn sùng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Đấng Bồ Tát Từ Bi.

Hoạt động tại các chùa vào ngày này cũng rất phong phú và đa dạng. Người dân thường đến chùa để cầu nguyện và thắp nến, đặt vòng hoa trước tượng Phật và thực hiện các nghi lễ truyền thống. Ngoài ra, còn có các hoạt động như thiền định, lễ rước Phật, lễ cầu an, thuyết giảng và trao đổi lời chúc tụng với nhau.

Dâng hoa lên Đức Phật trong đại lễ Phật Đản tại Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu)

Dâng hoa lên Đức Phật trong đại lễ Phật Đản tại Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu)

Bên cạnh đó, còn có những bạn trẻ dành thời gian, công sức tham gia những ngày công quả ý nghĩa, như một món quà dâng lên Đức Phật trong đại lễ này. Ngọc Linh (21 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi mùa lễ Phật Đản bạn đều cố gắng sắp xếp thời gian tham gia công quả tại các chùa. Được biết đại lễ năm nay, bạn sẽ cùng bạn bè về tham dự lễ và công quả tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu). "Những ngày công quả thật mệt nhưng sẽ thật vui, vì mình được sống trong tình yêu thương của quý Thầy, Cô và các huynh đệ tại chùa", Ngọc Linh chia sẻ.

Rất nhiều bạn trẻ tham gia công quả trong mùa lễ ý nghĩa này

Rất nhiều bạn trẻ tham gia công quả trong mùa lễ ý nghĩa này

Đặc biệt, trong ngày Lễ Phật Đản, nhiều chùa còn tổ chức các hoạt động từ thiện, như tặng quà cho những người khó khăn, mở miễn phí bếp ăn và cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí. Điều này cho thấy, Lễ Phật Đản không chỉ là ngày để tôn vinh Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là dịp để mọi người chia sẻ tình yêu và lòng nhân ái với cộng đồng.

Thông tin hoạt động Phật Đản các chùa tại Miền Nam:

- Lễ hoa đăng "Quay về nương tựa Phật" nhân đại lễ Phật đản năm 2023 tại chùa Diệu Pháp (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) diễn ra chương trình từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút ngày 31/5/2023 (nhằm ngày 13/04 âm lịch).

- Lễ tắm Phật tại Quan Âm Tu Viện (Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) diễn ra từ 4 – 5 giờ và từ 9 giờ 30 phút – 12 giờ ngày 02/06 (tức 15/04 âm lịch).

- Khai mạc triển lãm không gian văn hóa mừng đại lễ Phật đản và tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, cử hành nghi lễ tắm Phật vào ngày 26/05 (tức mùng 08/04 âm lịch) tại chùa Minh Đạo ( Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

- Chương trình Đại lễ Phật Đản diễn ra từ ngày 31/05 (tức 14/04 âm lịch) đến ngày 02/06 (15/04 âm lịch) tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hà Mai Trinh - Nguồn: Ảnh: Tổng hợp
RELATED ARTICLES