Áo dài giữ hồn dân tộc

26/02/2014

Nép mình trong khuôn viên khu nhà vườn Long Thuận rộng hơn 20.000m² (ở số 206/19/30 Long Thuận, phường Long Phước, quận 9, TPHCM), Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng thu hút người xem ở tính nghệ thuật độc đáo trong không gian kiến trúc nhà gỗ xưa cùng hệ sinh thái xanh sạch của miệt sông nước Nam bộ.

Không chỉ thế, nơi đây còn lưu giữ hàng trăm bộ áo dài quý được trưng bày trang trọng, lộng lẫy trong các gian nhà cổ. Chủ nhân của nó đã mất ròng rã hàng chục năm để bảo tàng được thành hình, trang trọng như ngày hôm nay.

Bảo tàng hiện trưng bày hơn 60 chiếc áo dài đặc sắc, nổi tiếng cùng những câu chuyện liên quan đến những chiếc áo dài đời thường qua các thời kỳ, thể hiện lịch sử của chiếc áo dài như: áo dài tứ thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ 19…

Ngoài bộ áo dài của vua và hoàng tộc họ Nguyễn, các bộ áo dài còn lại gắn với những người phụ nữ Việt tên tuổi lẫy lừng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. Bên cạnh bộ sưu tập áo dài, bảo tàng còn trưng bày nhiều hình ảnh áo dài xưa và nay cùng nhiều tư liệu quý về chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Là bảo tàng trang phục truyền thống đầu tiên của Việt Nam, ít ai biết để có được một bảo tàng trang trọng dành cho áo dài hôm nay, họa sĩ - nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã mất trên 12 năm kiên trì đeo đuổi ý tưởng và thực hiện. Cơ duyên đến với áo dài của anh cũng thật tình cờ. “Đó là năm 1989, lúc đó tôi đang là giảng viên tập sự bộ môn mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và được mời vẽ những chiếc áo dài đầu tiên cho cuộc thi hoa hậu áo dài do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức”, Sĩ Hoàng cho biết. Tham quan nhiều viện bảo tàng nổi tiếng thế giới, nhưng có lẽ lần đi dự cuộc triển lãm 1.500 năm lịch sử trang phục Trung Quốc ở Bảo tàng Tokyo là làm anh day dứt nhất.

Trong phần trang phục cận hiện đại, họ trưng bày nguyên mẫu bộ áo dài Việt Nam với cả nón lá và guốc mộc! “Nếu không sớm làm bảo tàng áo dài để xác nhận đó là quốc phục của người Việt để người khác lấy mất sẽ là một nỗi đau đớn vô cùng. Mất văn hóa thì phải mất đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm mới có thể lấy lại”, Sĩ Hoàng chia sẻ. Cũng từ đó, anh càng nung nấu quyết tâm hoàn thành bảo tàng này.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, nhận định, việc ra đời bảo tàng áo dài đầu tiên tại Việt Nam là niềm vui chung của ngành văn hóa. Đây cũng là dịp để mỗi người Việt chúng ta nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn giá trị tinh hoa của chiếc áo dài truyền thống. Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần cũng cùng niềm vui: “Quả thật tôi rất vui vì sau bao ấp ủ, Bảo tàng Áo dài - nơi lưu giữ hồn văn hóa dân tộc đã chính thức ra đời. Tôi cũng muốn góp một chút vào công trình này với Sĩ Hoàng, vì vậy tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn để bảo tàng áo dài của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn”.

Khách tham quan có thể đến bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng, theo tuyến xe buýt 88 từ chợ Bến Thành. Bảo tàng mở cửa từ 8 giờ - 17 giờ mỗi ngày, giá vé tham quan 100.000 đồng, học sinh - sinh viên 30.000 đồng, miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và người trên 70 tuổi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES