Trong một thế giới tràn đầy cảm hứng như con người, những thành phố, thiên nhiên, lịch sử nhân văn; những nghệ sĩ đôi lúc thấy bản thân mình ở một điểm giao, nơi họ tự hỏi bản thân rằng: "Đâu sẽ là cách riêng, con đường của tôi để thể hiện sự sáng tạo"?
Có những người chọn “ý thơ” từ những điều vô cùng căn bản trong ngày thường của họ, một số lại đi xa hơn, đến với một hiện tại không có thật để xây dựng một thế giới hoàn toàn mới. Cho dù lựa chọn đó là gì, chúng đều cùng giao thoa tại một điểm: mở ra trí tưởng tượng, thúc đẩy bản thân vượt qua ranh giới, để tự do vùng vẫy trong sáng tạo.
NGUYỄN KIM TUYỀN (1997)
Kim Tuyền thực hành tranh sơn dầu trên canvas. Đối với cô, canvas giống như một sân khấu để biểu diễn cảm xúc, và nghệ thuật là cách cô kết nối giữa văn học, âm nhạc, chính trị và quan điểm của bản thân.
Nữ họa sỹ trẻ phát triển nghệ thuật của mình thông qua sự kết hợp giữa cảm xúc và màu sắc. Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa hiện thực, Tuyền thực hành bằng cách tập trung ghi lại những khoảnh khắc trong thời gian ngắn, sau đó sử dụng nhiều lớp sơn dầu để hoàn thành bức tranh của mình một cách trọn vẹn nhất.
Mọi suy nghĩ, chuyển động theo những ảo tưởng nội tâm cũng là một thử thách lớn đối với công việc của cô, khi phải lựa chọn giữa việc thuận theo bản năng, hay nên logic để không chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. “Khi tôi bắt đầu, tất cả các bức tranh đều phản ánh hiện thực của cuộc sống tự nhiên nhưng sau đó lại đòi hỏi sự tự nhận thức. Một tác phẩm nghệ thuật giống như cánh cửa tâm hồn, thể hiện những luồng cảm xúc của người nghệ sỹ", họa sỹ Kim Tuyền chia sẻ.
TÔN THỊ LAM GIANG (2001)
Tác phẩm nghệ thuật của Lam Giang khởi đầu với những sự quan sát của chính cô về trải nghiệm cuộc sống hằng ngày và sự tương tác với những người thân yêu của mình. Chủ đề chính của cô xoay quanh con người và nhân sinh quan.
Các tác phẩm nghệ thuật của cô là sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và siêu thực, vừa là cách để thỏa mãn trí tưởng tượng, đồng thời cũng giúp Giang phát triển kỹ thuật của mình. Nữ họa sỹ gen Z chọn đào sâu vào các vấn đề cá nhân và xã hội thông qua chân dung, cử chỉ của con người. Bởi cô tin rằng ngay cả bông hoa nhỏ bé nhất, chiếc thuyền giấy hay một con vật – tất cả những sự vật đều có thể kể cho khán giả những câu chuyện dưới góc nhìn rất cá nhân của người nghệ sỹ.
"Mình muốn xây dựng thế giới riêng với những ước mơ không bao giờ kết thúc, nơi tồn tại những con người bí ẩn nhưng vô cùng quen thuộc", Lam Giang chia sẻ. Loạt tác phẩm này của Giang giống như cuốn nhật ký nghệ thuật khắc họa thế giới tưởng tượng, đánh dấu quá trình phát triển bản thân qua thời gian.
TRẦN VĂN HIẾU (2001)
Giống như nhiều nghệ sĩ khác, Hiếu Trần có cách tìm cảm hứng độc đáo của riêng mình. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nghệ sĩ người Đức, Gabriele Munter, Hiếu Trần thể hiện tác phẩm nghệ thuật của mình tập trung vào màu sắc của cảm xúc. Đắm mình trong giai điệu nhạc Fleetwood Mac, lang thang từ thiên nhiên đến quán cà phê quen thuộc; Hiếu vẽ phong cảnh, con người, sự vật một cách tự nhiên nhất, sử dụng màu sắc như cách diễn đạt cảm xúc, tâm hồn của mình.
Hiếu Trần phóng đại cảm xúc trong tác phẩm bằng màu sắc, trong đó màu sắc chủ đạo trong những bức tranh của anh là xanh lá cây và tím. "Sự hòa quyện của những màu sắc này đưa mình vào một cuộc phiêu lưu yên bình, nơi nắng, mưa, tiếng sóng biển, hình bóng những con người không xác định", nam họa sỹ gen Z cho biết.
Thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình, Hiếu Trần mong muốn những sự vật, hiện tượng, con người... được một lần nữa "sống lại". Sự tinh tế trong diễn đạt đó xoa dịu tâm hồn khán giả xem tranh.
Christian Gazia (1986)
Christian Gazia là nhà thiết kế sản phẩm và giám đốc nghệ thuật đến từ Pháp-Hungary. Hành trình giáo dục đa dạng của anh đã khơi dậy sự tò mò sâu sắc về khám phá văn hóa và theo đuổi nghệ thuật. Christian Gazia không ngừng tìm kiếm kênh nghệ thuật lý tưởng để ghi lại những câu chuyện trong bộ sưu tập của mình. Tính linh hoạt và động lực kể chuyện nhiệt thành của anh ấy đã giúp anh ấy có thể giải quyết một loạt chủ đề bằng nhiều cách tiếp cận sáng tạo khác nhau.
Trong bối cảnh hiện đại, Gen Z định hình bản sắc cá nhân của họ thông qua sự năng động, sáng tạo vượt xa ngoài những đường viền sẵn có. Christian Gazia đã gói gọn bản sắc lai hiện đại này bằng cách lựa chọn lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. Anh đã khéo léo đan xen các chủ đề về di sản văn hóa và các tiểu văn hóa sôi động để tạo nên những sắc màu đặc sắc của gen Z.
Thông tin về triển lãm
Thời gian triển lãm: 15/09 - 15/10
Địa điểm: 11:11 Espace , tầng 7, Amanaki Building, 10 Nguyễn Đăng Giai, Thảo Điền, TPHCM.
Thời gian mở cửa: 09:00 - 18:00, Thứ 2 - Chủ nhật