Sau thành công của triển lãm "Hồn xưa bến lạ" với bộ tứ danh hoạ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm năm ngoái, năm nay Sotheby’s đã quay trở lại với triển lãm "Mộng Viễn Đông, The Faraway East of Dreams and Pursuits - để kể câu chuyện và lăng kính nghệ thuật của những nghệ sỹ người Pháp từng đi qua hoặc ở lại với vùng đất và con người nơi đây.
Ace Lê - Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s chia sẻ: “Đã gần tới mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, và đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sỹ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một kinh viện, mà kéo theo đó còn là cả một trường phái nghệ thuật với một di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, và cả chiều ngược lại”.
Cùng chiêm ngưỡng và điểm qua những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của các họa sỹ tại triển lãm "Mộng Viễn Đông, The Faraway East of Dreams and Pursuits".
Victor Tardieu nhận Giải thưởng Đông Dương năm 1920. Ông chuyển tới sống ở Hà Nội từ năm 1921, cùng với Nguyễn Nam Sơn, đồng sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925 dưới sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Ông mất tại Hà Nội năm 1937, khi còn đương nhiệm. Một số tác phẩm của ông:
Joseph Inguimberty (1896-1971), gia nhập đội ngũ giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1926 với tư cách là giáo sư Hội họa Trang trí. Inguimberty được đào tạo theo cả hai phong cách cổ điển và hiện đại. Ông nhanh chóng đắm mình vào văn hóa địa phương và có danh tiếng là một giáo viên đa năng khi giảng dạy mảng tranh sơn dầu, vẫn say mê tiếp nhận kỹ thuật sơn mài và tranh lụa.
Alix Aymé (1894 -1989) được Inguimberty đề nghị hiệu trưởng Victor Tardieu mời về cộng tác nghiên cứu sơn mài tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Aymé là nữ họa sỹ có công góp phần chấn hưng nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Với sự tâm huyết quan sát và tìm hiểu, Aymé tỉ mỉ soạn ra ghi chép về sự phát triển của sơn mài ở Đông Dương để đăng trên tạp chí nghiên cứu Hải ngoại số 12 năm 1952.
Esvariste Jonchère (1982 - 1956) là điêu khắc gia nhận giải Khôi Nguyên La Mã năm 1925. Ông tới Hà Nội theo chương trình của Giải thưởng Đông Dương năm 1932. Sau khi Victor Tardieu mất năm 1937, Jonchère kế nhiệm vi trí hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến khi trường đóng cửa năm 1945.
Điêu khắc gia Paul Ducuing (1867 - 1949) là một người bạn của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, được cử đến Việt Nam năm 1921 - 1924 để làm một số mẫu tượng bán thân của Hoàng đế Khải Định. Phiên bản dưới đây được thực hiện năm 1922 nhân chuyến thăm lịch sử của Hoàng đế tới Pháp.
Charles Dominique Fouqueray được phong làm Họa sỹ Hải quân năm 1908, sau hai lần ứng tuyển không thành. Ông nhận giải thưởng Doogn Dương năm 1914, nhưng vì chiến tranh nên chỉ có thể tới đây vào năm 1921. Fouqueray nổi tiếng vì tài năng vẽ và in thạch bản, và tác phẩm "Xưởng sơn mài ở Hà Nội" được in trên giấy chuyên biệt của Hải quân với con dấu chìm. Sau này, ông trở thành Chủ tịch Hiệp hội Họa sỹ Thuộc địa Pháp.
Roger Nedelec (1927 - 2015) là họa sỹ quân đội Pháp tới Đông Dương năm 1949 - 1951, được nhận huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh năm 1951 sau chuyến công du ở Bắc Kỳ. Khi vẽ về Đông Dương, chủ đề duy nhất của ông là vịnh Hạ Long.
Gaston Roullet (1847 - 1925) được phong làm Họa sỹ Hải quân năm 1885, và là Họa sỹ Hải quân đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Khi ở đây, ông đã gặp gỡ và trở thành bạn thân của bác sỹ Charles-Édouard Hocquard, tác giả cuốn "Một chiến dịch Bắc Kỳ" lừng danh. Khi đi Huế cùng nhau, Hocquard chụp ảnh thì Roullet phác thảo, nên dân chúng bèn đặt biệt danh cho họ là "Ông Quan Cái Đèn" và "Ông Quan Cây Bút".
André Maire tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, là học trò và con rể của Émile Bernard. Ông gia nhập bộ binh thuộc địa Pháp, tới Việt Nam thập niên 1920 và quay lại vào thập niên 1950. Ông là một trong những họa sỹ đã đặt chân đến nhiều miên đất Đông Dương nhất. Ông đã dạy vẽ ở cả Đà Lạt và Sài Gòn. Các tác phẩm của Maire vẽ Đông Dương đã có mặt ở nhiều Bảo tàng danh tiếng ở Pháp và trên thế giới.