Bánh bột gạo, hơn cả một nghệ thuật ẩm thực

27/09/2013

Làm nên nét độc đáo trong “hồn” ẩm thực của mỗi quốc gia không thể thiếu sự xuất hiện của các loại bánh. Với thành phần được làm hoàn toàn từ bột nếp, bột gạo song bằng kỹ thuật chế biến cầu kỳ, tinh xảo, chiếc bánh nhỏ xinh đầy màu sắc ẩn chứa bên trong những điều bí mật sẽ chinh phục các tín đồ ẩm thực ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bài: Quế Lan - Dương Thủy

Bánh Mochi

Thưởng thức món bánh Mochi của Nhật không chỉ dừng lại ở sự ngon mà đó còn là nghệ thuật chắt lọc tinh túy. Bánh được chế biến với phần vỏ ngoài là lớp bột gạo của Nhật, lớp thứ hai là nhân đậu trắng được trộn đều cùng các loại hương vị khác nhau và bên trong cùng là kem lạnh. Bên cạnh hương vị đậu đỏ truyền thống, Mochi được biến tấu đa dạng với 15 hương vị: socola, trà xanh, quả việt quất, caramel Macchiato, khoai môn… Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được sự dai, dẻo của bột gạo, beo béo từ đậu trắng, hòa quyện cùng lớp kem mịn màng mát lạnh tan đều trong miệng. Thưởng thức chiếc bánh nhỏ xinh cùng chén trà nóng, cảm nhận hương vị ngọt ngào đi sâu vào cả năm giác quan, sẽ cho bạn một cảm giác ngất ngây khi thưởng thức.

Mochi Sweets Boutique

24 Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM

Tel: 08. 6272 0524

Website: www.mochisweets.com.vn

Bánh Ram Ít

Là món ăn dân gian được truyền vào cung đình Huế từ lâu, bánh ram ít trở thành đặc sản của xứ cố đô. Thoạt nhìn hình dáng bên ngoài gần giống bánh trôi của miền Bắc, song bánh ram ít có hai phần bánh với nguyên liệu chế biến giản dị, mộc mạc mang đậm nét Huế. Phần bánh ít bên trên là bột nếp với nhân tôm, thịt ba chỉ xắt hạt lựu nêm đường, nước mắm ngon, tiêu, hành tím băm. Bánh ram phía dưới cũng làm từ bột nếp, được chiên cho đến khi bánh giòn và có màu vàng sậm. Sau khi chế biến, đầu bếp sẽ đặt bánh ít lên trên bánh ram rồi rắc thêm một lớp bột tôm cháy vàng để tăng thêm sức hấp dẫn cho bánh. Điểm độc đáo của bánh ram ít là nước chấm được pha chế đặc biệt từ nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm để tạo đủ độ chua, cay, mặn, ngọt. Vị giòn tan của bánh ram, vị thơm, dẻo của bánh ít cùng hòa quyện trong vị mặn ngọt của nước chấm chắc chắn sẽ là một hấp lực khó cưỡng.

Nhà hàng Nét Huế

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

204B Hàng Bông (ngõ Cấm Chỉ), Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tel: 04. 3938 1795

Website: www.nethuerestaurant.com.vn

Bánh Tteok

Bánh Tteok truyền thống của Hàn Quốc là món ăn được chế biến từ bánh gạo lúa mì trắng chiên với thịt bò, bầu lát khô, đậu xanh, hạt mầm, nấm Shiitake, cà rốt, hành lá và nước tương. Ngày nay bánh gạo đã có nhiều thay đổi với nhiều nguyên liệu chế biến đa dạng, phù hợp với khẩu vị của thực khách trên toàn thế giới. Tại nhà hàng Hàn Quốc ở Việt Nam, các đầu bếp đã khéo léo chế biến bánh Tteok cùng với các nguyên liệu đi kèm như hành Paro, tương ớt Hàn Quốc, sa tế, ớt bột, tỏi băm, mè trắng và các gia vị nêm nếm vừa đủ. Để tạo hương vị riêng phong phú cho từng loại Tteok, họ sẽ thêm vào các nguyên liệu như chả cá, thịt bò, bạch tuộc hay các loại hải sản cao cấp khác.

Bánh Tteok có thể được chiên và ăn kèm với kim chi hay được nấu cùng tương đen của Hàn Quốc. Song hấp dẫn và nổi tiếng hơn cả là Tteok được nấu cùng với thật nhiều bột ớt, tương ớt và hành lá. Đây là món ăn rất thích hợp khi thời tiết giao mùa. Mùi hương cay nồng của nước sốt hòa quyện cùng vị béo ngậy, giòn dai của bánh gạo đầy màu sắc sẽ khiến mỗi người phải xuýt xoa bởi vị cay, ngon, ngọt đầy hấp dẫn.

Nhà hàng Topokki

125 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp.HCM

Tel: 08. 3820 5860

Bánh Ondeh – Ondeh

Mang dấu ấn Malaysia trong hương vị, Ondeh – Ondeh là món bánh chỉ dùng để ăn chơi song lại được các thực khách Sài thành đặc biệt ưa chuộng. Thoạt nhìn, Ondeh – Ondeh khá giống bánh rán của Việt Nam vì nguyên liệu chính của bánh vẫn là bột nếp và đậu xanh. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất là phần vỏ bánh Ondeh – Ondeh, được bao phù thêm khoai lang tán thành bột tạo nên màu sắc đa dạng cho bánh như: xanh, vàng, tím. Tại nhà hàng Bốn Mùa, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nghệ sĩ ẩm thực người Malaysia chế biến món ăn thật điêu luyện. Từng chiếc bánh nhỏ xinh được nặn từ hỗn hợp khoai lang, bột gạo nếp, nước lá dứa hoặc đường cọ viên tròn bao quanh nhân đậu (có thể nhân đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen), vừng dừa, sau đó đem luộc rồi lăn qua dừa nạo tươi. Nếu bánh chiên thường được phủ vừng để có mùi thơm hấp dẫn. Vị béo bùi của khoại lang, dừa tươi, vị ngọt thanh của đường hòa quyện với hương thơm dẻo của bột nếp và nhân bánh, chắc chắn sẽ khiến Ondeh – Ondeh trở thành món bánh tráng miệng đứng đầu trong danh sách lựa chọn của bạn.

Nhà hàng Bốn Mùa

2F Thi Sách, Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM

Tel: 08. 3825 7186.

Dim sum

Mỗi một chiếc Dim sum đều mang đến cho thực khách cảm giác được khám phá và tận hưởng ẩm thực Trung Hoa đặc sắc. Dim sum là tên gọi chung của tất cả các món ăn với nguyên liệu chủ yếu là bột gạo, bột mì được chế biến theo kiểu bọc một lớp bột mỏng ở bên ngoài, bên trong là nhân, bao gồm cả đồ mặn, đồ ngọt, đồ chiên hay đổ hấp. Nghệ thuật làm bánh cầu kỳ tinh tế nhất phải kể tới công đoạn làm vỏ bánh với yêu cầu vỏ phải thật mỏng, mềm, mịn để có thể nhìn thấy được màu cam hồng của nhân tôm hay màu xanh của nhân rau bên trong. Ngoài các bánh Dim sum truyền thống, các đầu bếp khéo léo sáng tạo ra nhiều loại khác nhau dưới dạng súp, xôi, bánh cuốn, nướng cùng các loại nhân hảo hạng như thịt cừu, tu hài, ốc hương. Các món Dim sum được đựng trong những chiếc giỏ tre nhỏ nhắn và khi ăn thường dùng với một loại sốt chua ngọt, gọi là “seafood sauce”, tương ớt để thực khách cảm nhận trọn vẹn vị thơm ngon của bánh.

Nhà hàng May Mắn

Khách sạn Fortuna

6B Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Tel: 04. 3831 3333. 

RELATED ARTICLES