Bánh miền Trung mê hoặc thực khách Sài Gòn

24/02/2014

Bánh bèo, bánh nậm, bánh căn, bánh khoái… luôn có sức hút nhất định đối với thực khách Sài Gòn.

Bánh bèo

Có thể kể hàng loạt thương hiệu bánh bèo của miền Trung như bánh bèo Quảng Nam, bánh bèo Phú Yên, bánh bèo Huế… Tại mỗi tỉnh, món ăn này lại được gia giảm hương, vị khác nhau. Song tựu trung, bánh bèo hút thực khách với vị dẻo mềm của bánh, nhị tôm cháy thơm nồng, tóp mỡ giòn rụm và chén nước chấm chua ngọt đưa hương.

Bánh bột lọc

Cùng một nguyên liệu là bột lọc, tôm; cùng một phương pháp chế biến nhưng có đến hai loại bánh bột lọc: bánh bột lọc luộc trần và bánh bột lọc gói lá chuối. Sự khác nhau này phụ thuộc vào tay nghề hay sở thích của người gói bánh. Bánh bột lọc là sự tổng hòa của miếng bột bánh trong suốt, tôm tươi ngọt, thịt đậm đà cùng chén nước chấm pha lạt.

Bánh nậm

Bánh nậm được làm từ bột gạo. Sau khi nhào xong, bột được khéo léo dát mỏng lên miếng lá chuối. Giữa “thân bột”, người ta cho một ít tôm, thịt đã xào chín và nêm gia vị. Một cái bánh nậm ngon ngoài nét duyên của phần bánh mỏng trắng phau, ửng đỏ phần nhân, là hương thơm khó cưỡng đến từ là chuối, bột bánh.

Bánh xèo

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nếu bánh xèo miền Nam có kích thước khá lớn, nhân thịt đầy đặn, thì bánh xèo miền Trung nằm gọn trong lòng bàn tay với lát thịt xắt mỏng, con tôm bạc, vài cọng giá. Hình thức nhỏ xinh, mức giá cũng mềm, món bánh này là lựa chọn của những ai muốn thưởng thức trọn vẹn vị ngon của bánh xèo trong một cuốn hay những thực khách có túi tiền “không được dày”.

Bánh khoái

Có kích thước, bột bánh gần như “sinh đôi” với bánh xèo miền Trung, song bánh khoái chất hơn với hai lớp nhân phong phú về thành phần hơn. Và đó cũng là lý do, nếu bánh xèo thường được dọn từ 5 – 10 cái cho một lần ăn/khách, thì bánh khoái chỉ được phục vụ duy nhất một cái. Tất nhiên về giá tiền, bánh khoái cũng cao hơn rất nhiều so với bánh xèo.

Bánh đập

Bánh đập là món quà vặt giá rẻ của người miền Trung. Bánh được làm theo nguyên tắc một (bánh) chín, một (bánh) sống. Công thức khá đơn giản nên để hút thực khách, mỗi hàng, quán sẽ có cách nhấn nhá mỡ hành hay pha chế nước chấm (thường là mắm nêm) theo công thức riêng.

Bánh in

Cách làm bánh in khá đơn giản. Sau khi mua về, bột được phơi sương khoảng 2- 3 ngày, thời gian phơi sương thường từ 2 -5h sáng. Khi đạt đến độ mềm mịn nhất định, khéo léo trôn chung bột với nước dường thắng, rồi dùng khuôn, in bánh. Có hai loại bánh in là bánh in ướt (bánh in xong để dùng luôn) và bánh in khô (bánh in xong sẽ được sấy khô). Tuy cùng một công thức, một loại bột nhưng bánh in khô và bánh in ướt luôn mang đến cảm giác khác nhau cho người thưởng thức.

Bánh in đậu xanh

Bánh in đậu xanh có mặt rải rác ở các tỉnh miền Trung nhưng ngon nhất phải kể đến bánh in đậu xanh ở Hội An. Bánh in đậu xanh ngoài vị thơm ngọt của lớp bánh bên ngoài, là cái thơm béo của phần nhân thịt được ép giữa bánh. 

Bánh căn

Bánh căn không chỉ hấp dẫn với vị giòn, mềm của lớp bột bánh, tươi ngọt của phần nhân, thơm béo của mỡ hành mà còn là sự phong phú của ba loại nước chấm đi kèm (nước mắm chua ngọt, mắm nêm và nước cá kho) để thực khách túy ý lựa chọn theo sở thích.

Bánh hỏi

Món ăn này hút khách ở vị mềm, mỏng của miếng bánh hỏi, tươi ngọt của thịt/lòng heo, đậm đà của mắm nêm, tươi ngọt của rau, beo béo của mỡ hành.

RELATED ARTICLES