Bên trong Tháp nước Hàng Đậu có gì?

19/11/2023

Sau nhiều năm "ngủ quên", không gian nghệ thuật độc đáo bởi những tác phẩm làm từ nhựa tái chế đã mang đến làn gió mới “tái sinh” Tháp nước Hàng Đậu.

Mới đây, Tháp nước Hàng Đậu với tuổi đời 129 năm chính thức được “đánh thức” bởi không gian văn hóa Triển lãm Pavilion: "Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu". Đây là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước.

Tháp nước Hàng Đậu ở Hà Nội với tuổi đời 129 năm (Ảnh: Trương Văn Vị)

Tháp nước Hàng Đậu ở Hà Nội với tuổi đời 129 năm (Ảnh: Trương Văn Vị)

Tháp nước Hàng Đậu (tên thường gọi là bốt Hàng Đậu) nằm tại ngã 6 giao giữa các phố: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng. Công trình được xây dựng vào năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng.

Bốt Hàng Đậu có hình trụ tròn, đường kính 19 m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước lớn bằng thép dung tích 1.250 m3, nằm trên đỉnh 8 bức tường đá. Hiện tại, bốt Hàng Đậu cơ bản vẫn giữ được hiện trạng như ban đầu.

Lần đầu tiên Tháp nước Hàng Đậu mở cửa để du khách tham quan. (Ảnh: Trương Văn Vị)

Lần đầu tiên Tháp nước Hàng Đậu mở cửa để du khách tham quan. (Ảnh: Trương Văn Vị)

Giải mã cơn sốt "đánh thức" Tháp nước Hàng Đậu

Ngay từ khi được công bố, sự kiện đã thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân và du khách. Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, do đó, triển lãm hoàn toàn miễn phí không mất vé vào cửa. Không gian nghệ thuật ở bốt Hàng Đậu mở cửa hàng ngày theo ba khung giờ: sáng từ 9:00 -12:30; chiều từ 13:30 - 17:30 và tối từ 18:00 - 21:00.

Sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách (Ảnh: Trương Văn Vị)

Sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách (Ảnh: Trương Văn Vị)

Do chưa từng mở cửa nên đã có rất nhiều người dân xếp hàng từ 5 giờ sáng vì tò mò khám phá bên trong Tháp nước Hàng Đậu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đăng ký sớm qua trang website của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Sau khi đăng ký thành công, các bạn sẽ nhận được vé điện tử theo dạng mã QR gửi vào email.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn, du khách tham gia sự kiện sẽ xếp hàng từ khu vực Vườn hoa Hàng Đậu. Sau đó, khi tham quan, du khách sẽ đi theo nhóm 20 - 30 người vào trong Tháp nước Hàng Đậu.

Du khách xếp hàng vào tham quan bên trong Bốt Hàng Đậu.

Du khách xếp hàng vào tham quan bên trong Bốt Hàng Đậu.

Sự kết hợp của di sản - kiến trúc - nghệ thuật

Khác với không gian ồn ào phía bên ngoài nơi ngã sáu, bước vào Tháp nước Hàng Đậu, du khách như lạc vào không gian yên tĩnh, đầy mê hoặc với con đường gỗ, những mảng xanh đỏ và âm thanh của nước. Sự kết hợp hài hòa giữa di sản - kiến trúc - nghệ thuật mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi tham quan không gian nghệ thuật tại bốt Hàng Đậu trong lần đầu tiên ra mắt công chúng.

Sự kết hợp hài hoà giữa di sản- nghệ thuật - kiến trúc

Sự kết hợp hài hoà giữa di sản- nghệ thuật - kiến trúc

Triển lãm do kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và đơn vị thi công Phùng Công Minh thực hiện. Triển lãm được lấy cảm hứng từ lục thủy. Theo quan niệm Á Đông, lục thủy tượng trung cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.

Không gian trưng bày trong bốt bao gồm: hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, hệ sắp đặt ánh sáng với những hình ảnh nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.

Triển lãm được lấy cảm hứng từ lục thủy.

Triển lãm được lấy cảm hứng từ lục thủy.

Nhóm tác giả đã sáng tạo những chiếc lá sen cách điệu lơ lửng, với sắc màu sống động và bay bổng trong lòng pavilion. Chúng được làm từ nilon tái chế - thứ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước. Những mảng màu loang lổ màu sắc là một phần của hệ thống sắp đặt ánh sáng. Thông qua các tác phẩm này, nhóm sáng tạo mong muốn đưa đến công chúng một thực tại về vấn đề nguồn nước đô thị.

Đến với bốt Hàng Đậu, du khách còn được thoả mãn cả về phần nhìn và phần nghe. Hiệu ứng âm thanh tiếng nước chảy róc rách mang tần số chữa lành, xoa dịu cảm xúc của con người theo tâm lý học.

Những chiếc lá sen cách điệu với sắc màu sống động.

Những chiếc lá sen cách điệu với sắc màu sống động.

Những mảng màu được làm từ nilon tái chế (Ảnh: Trương Văn Vị)

Những mảng màu được làm từ nilon tái chế (Ảnh: Trương Văn Vị)

Bước vào không gian triển lãm, du khách sẽ chỉ men theo một con đường đi duy nhất bằng gỗ tái chế tạo thành hình tròn, theo đường kính của bốt Hàng Đậu. Điểm thú vị là các vật liệu hoàn toàn làm từ đồ tái chế, nhựa tái chế nên rất nhẹ. Con đường gỗ này rất cơ động, có thể nhấc ra hay đưa vào dễ dàng không bắt vít, đinh trên bề mặt của di sản nên không gây ảnh hưởng đến cấu trúc của Tháp nước Hàng Đậu.

Ấn tượng với không gian nghệ thuật ở Tháp nước Hàng Đậu ngay từ khi sự kiện được công bố trên truyền thông và báo chí, bà Hoàng Thị Bích Liên (61 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì hôm nay được trực tiếp vào bên trong bốt Hàng Đậu. Tôi đã đi qua đây rất nhiều lần nhưng chỉ được nhìn ngắm bên ngoài, hôm nay mới được vào tham quan. Việc đánh thức các di sản cổ của Hà Nội rất ý nghĩa, giúp người dân có thể tìm hiểu thêm về các công trình này”.

Hiệu ứng âm thanh nước chảy róc rách (Ảnh: Trương Văn Vị)

Hiệu ứng âm thanh nước chảy róc rách (Ảnh: Trương Văn Vị)

Con đường làm bằng gỗ tái chế (Ảnh: Trương Văn Vị)

Con đường làm bằng gỗ tái chế (Ảnh: Trương Văn Vị)

Đặc biệt, bốt Hàng Đậu chỉ là một trong nhiều công trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 17/11 - 26/11/2023. Chuỗi sự kiện góp phần giúp mọi người quay ngược dòng thời gian tìm hiểu về những địa điểm mang tính lịch sử của Thủ đô.

Phương Mai - Nguồn: Ảnh: Trương Văn Vị, Phương Mai
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES