Bim Group nuốt trọn nhiều dự án khủng

19/03/2018

Trả lời phỏng vấn của Travellive, ông Lê Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc tập đoàn BIM, Giám đốc điều hành khối Bất động sản nghỉ dưỡng đã điểm ra những thế mạnh cũng như tầm nhìn chiến lược của BIM Group năm 2018.

PV: Hoạt động của BIM tập trung vào bốn lĩnh vực kinh doanh chính: Phát triển Du lịch và Đầu tư Bất động sản, Nông nghiệp - Thực phẩm, Thương mại Dịch vụ, Năng lượng tái tạo. BIM đang thể hiện cụ thể thành công, và chiến lược thời gian tới trong mỗi mảng như thế nào?

Năm vừa qua là một năm thành công đối với mảng Nông nghiệp - Thực phẩm của Tập đoàn BIM với cả 3 nhóm ngành đều có những tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, ngành nuôi trồng và chế biến tôm chứng kiến một năm “được mùa, được giá” với doanh thu tăng gấp 2 lần so với 2016. Mảng sản xuất muối mặc dù gặp bất lợi về thời tiết nhưng vẫn tăng trưởng mạnh về doanh thu do giá muối tăng gấp đôi. Ngoài ra, Hàu sữa Thái Bình Dương của Tập đoàn BIM cũng được người tiêu dùng và các nhà phân phối đánh giá cao. Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục gặt hái được những thành công tương tự trong năm 2018 ở mảng Nông nghiệp - Thực phẩm này.

 Dự án Regent Residences Phú Quốc nổi bật của chủ đầu tư BIM group trong năm 2017

Sự phát triển của thương hiệu Elite Fitness trong thời gian qua cũng là một niềm tự hào của BIM. Từ số lượng khiêm tốn 3 câu lạc bộ tại Hà Nội, chỉ sau 3 năm, đến nay đã mở rộng thành một chuỗi gồm 15 Trung tâm thể dục - thẩm mỹ tại khắp 3 miền. Được yêu thích và tập luyện thường xuyên bởi hàng chục nghìn hội viên, Elite Fitness phấn đấu tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu tại Việt Nam, không những thế còn tiếp tục mở rộng ra những địa điểm, những thành phố mới.

Mảng Năng lượng tái tạo là miếng ghép mới nhất của Tập đoàn BIM. Tháng 1 vừa qua, chúng tôi đã khởi động Nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận. Tham vọng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 với quy mô 30 Mega Watt, vốn đầu tư 40 triệu USD dự kiến được hoàn thành ngay trong năm nay, mà sẽ mở rộng quy mô đầu tư thêm giai đoạn 2 với công suất gấp 10 lần giai đoạn 1 - tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD. “Đi trước đón đầu” là định hướng của BIM cho mảng kinh doanh đầy mới mẻ và có tiềm năng này, chúng tôi dám khẳng định sẽ trở thành chủ đầu tư quy mô lớn hàng đầu Việt Nam vào năm 2019.

Trong khi đó, Phát triển Du lịch và Đầu tư Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực được Tập đoàn BIM dồn nhiều tâm huyết và công sức nhất trong những năm trở lại đây. Năm 2017 đánh dấu bước phát triển vượt bậc xét về nhiều khía cạnh: doanh thu, dự án đầu tư, độ phủ thị trường và danh tiếng của tập đoàn. Chúng tôi rất tự hào khi chứng kiến doanh thu BĐS để bán ghi nhận mức tăng gấp 3 lần so với năm 2016, đạt khoảng 350 triệu USD. Số lượng sản phẩm cũng gia tăng đáng kể: tổng số căn hộ và nhà ở mặt đất giới thiệu ra thị trường trong năm 2017 là khoảng 1.700 căn, tương đương 50% trên tổng số sản phẩm mở bán trong cả 3 năm trước đó 2014 - 2016. BIM cũng gặt hái nhiều thành công đáng kể trong năm qua với hàng loạt dự án BĐS được đưa vào hoạt động bao gồm Royal Lotus Halong Resort & Villas, Crowne Plaza Vientiane…, đồng thời hợp tác với nhiều “đại gia” và thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Tập đoàn AEON (Nhật Bản), Tập đoàn Regent (Đài Loan), The Ascott Limited (Singapore), Sailing Club…

Kế hoạch tổng thể trong ngắn hạn của Tập đoàn sẽ tiếp tục tập  trung vào các thị trường trọng điểm như Quảng Ninh, Phú Quốc, khai thác và giới thiệu những mô hình sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới mẻ, phù hợp với nhiều đối tượng nhà đầu tư và khách hàng mua nhà để ở. BIM cũng sớm sẽ mở rộng sang các địa bàn và thị trường mới nổi khác để đánh thức tiềm năng bất động sản du lịch tại những địa phương này.

PV: Lộ trình trở thành tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam với tầm vóc quốc tế và uy tín trên thế giới?

Sẽ là tự tin thái quá khi đặt mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam, tuy nhiên BIM luôn nỗ lực đem đến những giá trị cao nhất cho khách hàng và đối tác, qua đó gia tăng vị thế của BIM trên những thị trường và lĩnh vực mà tập đoàn đang hoạt động đầu tư.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong ngành Nông nghiệp - Thực phẩm, BIM Group sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong hai mảng chính mà tập đoàn đang chiếm thị phần hàng đầu tại Việt Nam là nuôi trồng, chế biến tôm và sản xuất muối. Khu nuôi tôm Đồng Hòa tại Kiên Giang của BIM với quy mô diện tích 1.234 ha là một trong những trang trại lớn nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, đồng muối Quán Thẻ - Ninh Thuận rộng trên 2.700 ha của chúng tôi tự hào là đồng muối lớn nhất Đông Nam Á, góp phần vào tỷ trọng 70% sản lượng muối công nghiệp của toàn Việt Nam.

Ở mảng Năng lượng tái tạo, ngay từ những bước đi đầu tiên, Tập đoàn BIM đã xác định phải hợp tác với những đơn vị dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực hết sức mới mẻ và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao này. Theo đó, BIM đã hợp tác cùng AC Energy - trực thuộc một tập đoàn năng lượng lớn nhất tại Philippines, ngoài ra dự án nhà máy điện của BIM đã và đang được xây dựng bởi công ty Conergy, một  nhà thầu có 20 năm kinh nghiệm, đã xây dựng trên 300 nhà máy năng lượng mặt trời ở nhiều khu vực trên khắp thế giới. Không chỉ hài lòng với quy mô 330 MW của Giai đoạn 1 và 2 - hoàn thành trong năm 2019, Tập đoàn BIM có mục tiêu dài hạn là phát triển ít nhất 1.000 MW năng lượng sạch tới năm 2025, trở thành nhà đầu tư tiên phong và quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam.

Với lĩnh vực Phát triển du lịch và Đầu tư BĐS, BIM Group đang tiếp tục theo đuổi chiến lược cốt yếu, vốn đã mang lại thành công nhất định trong thời gian vừa qua. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tại các thị trường mới nổi, còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển là Phú Quốc và Quảng Ninh. Ngoài ra, BIM sẽ cố gắng đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đồng thời tiếp tục tìm kiếm và hợp tác với những đối tác quản lý, vận hành khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong và ngoài nước đáng tin cậy.

Xét về tổng vốn đầu tư, hơn 300 triệu USD đã được BIM đầu tư vào các dự án bất động sản trong thời gian qua. Ở tương lai trung và dài hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào các đại dự án của tập đoàn tại Hạ Long (khoảng 2 tỷ USD), Phú Quốc (khoảng 600 triệu USD) và các khu vực khác.

Xét về doanh thu bán sản phẩm bất động sản, BIM cho thấy mức tăng trưởng theo cấp số nhân qua các năm. Nếu như các năm 2015 - 2016, doanh thu ghi nhận ở mức khiêm tốn thì năm 2017 lại là năm kỷ lục về doanh thu - đạt 350 triệu USD. BIM phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng ấn tượng này trong năm 2018 với mục tiêu đạt không dưới 500 triệu USD doanh thu ghi nhận.

PV: Dường như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là mảng bề nổi nhất của BIM. Hiện BIM đang tập trung khai thác dự án nào? Lợi thế cạnh tranh dài hạn của dự án đó ra sao?

Đúng vậy, hiện tại thị trường phát triển chính của BIM là bất động sản nghỉ dưỡng tại Hạ Long và Phú Quốc.

Năm 2017, chúng tôi đã đưa vào hoạt động 2 dự án BĐS du lịch, bao gồm khu nghỉ dưỡng 4 sao Royal Lotus Halong Resort & Villas nằm kế bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp và khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Vientiane dưới thương hiệu Crowne Plaza. Trong thời gian này, chúng tôi đang tập trung nguồn lực hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của dự án InterContinental Long Beach Phu Quoc để kịp khai trương dự án vào tháng 4/2018. Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm khác cũng đang được xây dựng và hoàn thiện là dự án Regent Phu Quoc - khu nghỉ dưỡng 6 sao mang thương hiệu Regent đầu tiên tại Việt Nam; khu khách sạn boutique Phu Quoc Waterfront; Citadines Marina Halong; khu căn hộ cao cấp hướng Vịnh Hạ Long - Green Bay Premium. Một vài dự án khác tại Phú Quốc, Ninh Thuận cũng đang trong quá trình đàm phán, dự kiến sẽ được quản lý bởi các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới.

Lợi thế cạnh tranh rõ rệt nhất tại các dự án của BIM đến từ chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”: hợp tác với các đơn vị quản lý hàng đầu trong ngành khách sạn, nghỉ dưỡng. Việc có sự tham gia của các tập đoàn giàu kinh nghiệm từ những bước thiết kế dự án ban đầu cho đến khi đi vào hoạt động, cũng như quá trình kiếm soát vận hành sau đó sẽ đảm bảo tất cả các dự án của tập đoàn BIM được phát triển bài bản và chuyên nghiệp. Bước đi này không những đem lại trải nghiệm nghỉ dưỡng thực sự đẳng cấp cho người sở hữu mà thông qua đó gia tăng giá trị đầu tư cho khách hàng.

PV: Có nhận định cho rằng, BIM Group hiện là “cá mập” của bất động sản tỉnh lẻ với những dự án khủng chủ yếu tại Quảng Ninh và Kiên Giang? Điều này đúng không?

Đúng và không đúng.

Trước đây, đúng là BIM chủ yếu đầu tư một vài dự án nhà ở đơn thuần tại Hạ Long, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng và bán đất nền tại hai địa bàn kể trên.

Ngay khi tiềm năng to lớn của bất động sản Hạ Long và Phú Quốc được đánh thức, BIM Group đã nhanh nhạy cho ra mắt hàng loạt dự án quy mô lớn, đa dạng về chủng loại và phân hạng sản phẩm - trong đó chủ yếu đánh mạnh vào phân khúc cao cấp và hạng sang.

Ngoài hai thị trường kể trên, chúng tôi cũng mở rộng đầu tư tại các địa bàn khác. Có thể kể đến thành công tại Fraser Suites Hanoi; lễ khai trương hoành tráng của tổ hợp Crowne Plaza Vientiane - Lào cũng như cái bắt tay chiến lược với Tập đoàn AEON - Nhật Bản tại dự án AEON Mall Hà Đông. Quỹ đất của BIM Group hiện lên tới 6 triệu m2 trải dài khắp Việt Nam, chủ yếu tập trung tại các thành phố du lịch biển sôi động và thủ đô Hà Nội.

Trong thời gian tới, Tập đoàn BIM sẽ đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm các dự án quy mô lớn tại những địa bàn và thị trường mới nổi, giàu tiềm năng.

Tôi có thể hoàn toàn tự tin cho rằng BIM Group đã thoát khỏi cái bóng của chính mình và khẳng định tên tuổi của một chủ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. 

Lan Anh - Dũng

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES