Bộ tộc “người cá” Bajau coi biển là nhà

10/11/2024

Giữa mênh mông biển cả, có một bộ tộc được mệnh danh là “người cá”, cuộc đời họ gắn liền với những con sóng. Từ bao đời nay, họ đã chọn cuộc sống lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ bé, lưới đánh cá luôn là người bạn đồng hành thân thiết. Dù không có quốc tịch, không có mái nhà cố định, nhưng trên gương mặt họ luôn ánh lên niềm vui, sự tự hào khi được tự do rong ruổi giữa trùng khơi.

Sống dọc theo bờ biển phía nam Philippines, Indonesia và Malaysia, hơn 1.000 năm qua, bộ lạc Bajau sống du mục trên những nhà thuyền, dành phần lớn cuộc đời của họ trên biển.

Bài liên quan

“Biển cả là nhà”

Với suy nghĩ biển cả là nhà, trong những thế kỷ qua, nhiều thế hệ người Bajau đã lênh đênh trên những vùng biển san hô ở khu vực Đông Nam Á. Dành phần lớn thời gian để lặn bắt cá, cầu gai, hải sâm và các loại sinh vật khác, họ được mệnh danh là “người cá” do có khả năng bơi lặn tài ba. Một số thành viên của Bajau cho biết, họ có thể nhịn thở tới 13 phút và lặn xuống tận 60 m dưới biển, trong khi nhiều người khác có thể thoải mái lặn sâu từ 20 - 30 m trong nửa thời gian kể trên.

Người Bajau Laut, Indonesia, được mệnh danh là những “người du mục trên biển” hay “người cá”

Người Bajau Laut, Indonesia, được mệnh danh là những “người du mục trên biển” hay “người cá”

Là một nhóm dân tộc gốc Mã Lai, người Bajau hầu như chỉ sống trên mặt nước trong nhiều thế kỷ qua. Trong khi các nhóm "du mục biển" khác đã tồn tại từ lâu trong lịch sử, người Bajau có thể là bộ tộc sống ở biển cuối cùng còn tồn tại cho đến ngày nay. Người Bajau cư trú ở Đông Nam Á, cụ thể là vùng biển phía tây nam Philippines. Với tư cách là người di cư, họ sống trôi dạt từ nơi này sang nơi khác và không bị ràng buộc theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với bất kỳ quốc gia nào.

Họ có thể lặn tự do và câu cá bằng giáo, cũng như bơi lội rất giỏi

Họ có thể lặn tự do và câu cá bằng giáo, cũng như bơi lội rất giỏi

Không có hồ sơ chính thức của nhà nước hoặc thậm chí không có nhiều lịch sử được ghi chép lại, câu chuyện về tộc "người cá" này bắt nguồn từ truyền thống văn hoá và dân gian độc đáo của riêng họ, với lịch sử bộ tộc được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. "Chúng tôi thừa kế biển và nghệ thuật lặn từ tổ tiên của mình", chị Ima Baineng, một ngư dân người Bajau, cho biết. Không phân biệt giới tính, tuổi tác, những chàng trai, cô gái và trẻ nhỏ Bajau đều mê lặn. Họ có thể dành 8 tiếng mỗi ngày chỉ để lặn sâu dưới biển. Thậm chí, có người dành tới 60% thời gian dưới nước.

Người Bajau đã trở thành những người đầu tiên được chứng minh sở hữu cấu trúc di truyền để thích nghi với việc lặn

Người Bajau đã trở thành những người đầu tiên được chứng minh sở hữu cấu trúc di truyền để thích nghi với việc lặn

"Mỗi ngày, tôi xuống biển lúc 4 giờ sáng rồi về nhà lúc tầm trưa. Thường thì tôi bắt được khoảng 15kg cá. Khi còn trẻ, tôi có thể lặn sâu tới 20m. Đến giờ có tuổi rồi, tôi chỉ lặn xuống 16m thôi", ông Mandor Tembang, một ngư dân địa phương, chia sẻ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bảo tồn văn hoá biển như một di sản

Kiếm sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, người Bajau sinh sống trên những ngôi nhà trên thuyền gọi là lepas, họ thường tấp vào bờ để buôn bán hoặc tìm nơi trú ẩn mỗi khi có bão. Ngoài ra, khi không sống trên thuyền, họ thường ở trong những ngôi nhà sàn nhỏ được xây dựng trên mặt nước.

Người Bajau Laut có lá lách lớn hơn so với người bình thường

Người Bajau Laut có lá lách lớn hơn so với người bình thường

Vì tiếp xúc với nước biển quá thường xuyên và quá sớm, nên họ phát triển khả năng làm chủ đại dương khó ai sánh bằng. Trẻ em thuộc bộ tộc học bơi từ nhỏ và bắt đầu câu cá, săn bắt từ khi mới lên 8 tuổi. Kết quả là hầu hết người Bajau đều là những thợ lặn chuyên nghiệp.

Theo giới chuyên gia, quá trình sinh sống lâu năm trên biển đã giúp người Bajau “tiến hóa” để thích nghi môi trường nước. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, do bơi lặn tự do từ rất sớm, lá lách của người Bajau lớn hơn của người bình thường, điều này cho phép họ có thể di chuyển và làm việc lâu hơn dưới nước. Một nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, lá lách của người Bajau lớn hơn tới 50% so cộng đồng khác sống trên đất liền ở Indonesia. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác nhận định người Bajau còn có khả năng mang một số gen nhất định liên quan phản xạ lặn.

Từ nhỏ họ đã gắn liền với biển như một phần không thể tách rời

Từ nhỏ họ đã gắn liền với biển như một phần không thể tách rời

Dưới nước, những hồng cầu này tiếp tục phân phối oxy đến nội tạng để duy trì các chức năng cơ bản của cơ thể. Sở hữu lá lách lớn đồng nghĩa với việc người Bajau có nhiều hồng cầu chứa oxy hơn, từ đó có thể ở dưới nước lâu hơn. Đây là điều rất quan trọng để chứng minh rằng theo thời gian, quá trình tiến hóa tự nhiên đã giúp bộ tộc Bajau - những người sống trong khu vực này suốt 1.000 năm - thích nghi với cuộc sống du mục trên biển. Và đây là yếu tố di truyền chứ không phải do kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu nhân chủng học cho rằng, vẫn cần thêm bằng chứng để xác nhận sự khác biệt về kích cỡ lá lách của “người cá” Bajau với những người sống chủ yếu trên đất liền. Phản ứng của cơ thể người khi lặn dưới nước cũng tương tự như một triệu chứng y khoa được gọi là thiếu oxy cấp tính, trong đó cơ thể người bị tụt oxy nhanh chóng và thường dẫn đến tử vong. Những công trình nghiên cứu về người Bajau có thể giúp nâng cao hiểu biết về triệu chứng này.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra một biến thể gene thường gặp trong quần thể người thể Bajau đó là một gene giúp kiểm soát mức độ hoóc-môn T4

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra một biến thể gene thường gặp trong quần thể người thể Bajau đó là một gene giúp kiểm soát mức độ hoóc-môn T4

Phát biểu với BBC, Melissa Ilardo, từ Đại học Cambridge, cho biết "Không có nhiều thông tin về lá lách của con người về mặt sinh lý và di truyền, nhưng chúng tôi biết rằng hải cẩu lặn sâu, như hải cẩu Weddell, có lá lách lớn không cân xứng. Chúng tôi tin rằng ở người Bajau, họ có sự thích nghi làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp và do đó làm tăng kích thước lá lách của họ".

Nhưng lối sống độc đáo của người Bajau đang dần mai một vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều người đang chuyển từ cách lặn bắt hải sản truyền thống sang những phương thức khác, do nguồn cung bị đe dọa bởi ngành công nghiệp đánh cá. Cạnh tranh cao về đánh bắt cá đã buộc người Bajau sử dụng các chiến thuật thương mại hơn, bao gồm sử dụng thuốc độc cyanide và thuốc nổ. Ngoài ra, họ cũng chuyển sang sử dụng loại gỗ nặng hơn để làm thuyền vì loại gỗ truyền thống đang bị đe dọa tuyệt chủng. Những chiếc thuyền mới này yêu cầu cần có động cơ để vận hành, đồng nghĩa với việc họ sẽ tốn thêm tiền cho nhiên liệu.

Cuộc sống của họ giờ đây đang thay đổi, cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, trong đó có áp lực kinh tế

Cuộc sống của họ giờ đây đang thay đổi, cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, trong đó có áp lực kinh tế

Sự kỳ thị liên quan đến việc sống du mục cũng buộc nhiều "người cá" phải từ bỏ lối sống của mình. Họ dần được các quốc gia xung quanh tiếp nhận và cho phép tiếp cận với các chương trình viện trợ từ chính phủ mà họ chưa từng nhận được từ trước đến giờ.

Bộ tộc này vẫn muốn nuôi dưỡng tình yêu với biển cả cho thế hệ trẻ, để biển mãi là nhà với bộ tộc này

Bộ tộc này vẫn muốn nuôi dưỡng tình yêu với biển cả cho thế hệ trẻ, để biển mãi là nhà với bộ tộc này

Mặc dù vậy, đối với người Bajau, đánh bắt cá không chỉ là một nghề kiếm sống và nước cũng không phải chỉ là một nguồn tài nguyên. Trọng tâm bản sắc văn hoá của họ là mối quan hệ giữa đại dương và con người. Vì vậy, khi nói đến việc bảo tồn tộc người Bajau, chúng ta không chỉ bảo tồn con người, mà còn bảo tồn văn hoá cùng với vùng biển mà họ gọi là nhà trong nhiều thế kỷ.

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES