Căn nhà và cuộc tình vĩnh cửu ở Sa Đéc

10/10/2019

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại Sa Đéc (Đồng Tháp), đến nay đã gần 125 năm tuổi. Ngoài giá trị kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông - Tây, ngôi nhà cổ còn nổi tiếng bởi liên quan tới chuyện tình có thật trong tác phẩm Người tình của Marguerite Duras.

ngôi nhà một thời lừng lẫy

Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc.

Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258 m2, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, cùng mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương.

Đến năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, ngôi nhà trông bề ngoài là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng vào bên trong lại thấy lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa.

Về sau, người con trai út của ông là Huỳnh Thủy Lê nhận quyền thừa kế ngôi nhà. Và từ đó đến nay, ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn.

Empty

Sau lần trùng tu lớn năm 1917, ngôi nhà mang nét pha trộn hài hòa của ba phong cách kiến trúc Pháp, Việt, Hoa. Thoạt nhìn thì thấy bề ngoài ngôi nhà là lối kiến trúc La Mã Phục Hưng ở thế kỷ 17 với các cổng vòm, hệ thống cột cùng các hoa văn và phù điêu hoa lá. Tuy nhiên, ở bên trong nhà vẫn còn giữ được kiểu ba gian truyền thống của người Việt. Riêng lối bài trí của các bao lam sơn son thiếp vàng trong nhà lại là các chủ đề trong mỹ thuật truyền thống Trung Hoa.

Empty
Gạch men với hoa văn hoa lá kiểu Pháp được dùng để lát ngôi nhà đều được nhập từ Pháp

Gạch men với hoa văn hoa lá kiểu Pháp được dùng để lát ngôi nhà đều được nhập từ Pháp

Ở cửa chính có một khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại. Buổi trưa nhà không đóng cửa chính mà kéo khung cửa này lại. Ánh sáng và gió vẫn có thể lùa vào nhà, hàng xóm thấy khung cửa được kéo cũng sẽ không gọi làm phiền. Có người gọi đó là "khung cửa ngủ trưa".

Ở gian giữa nền nhà bị trũng. Đây là chi tiết xây dựng có chủ ý của chủ nhà, vì theo yếu tố phong thủy thì tiền tài chảy về chỗ trũng. Bàn thờ Quan Công cũng được đặt ở giữa gian chính theo tín ngưỡng của người Hoa; các họa tiết trên bao lam là "long, lân, bức, phụng", thay vì "long, lân, quy, phụng"...

Empty
Nền nhà cố tình được làm trũng

Nền nhà cố tình được làm trũng

chứng nhân cho cuộc tình buồn của văn học

Ngoài giá trị kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông - Tây, ngôi nhà cổ còn nổi tiếng bởi là một “nhân chứng” của cuộc tình không biên giới giữa nữ nhà văn Marguerite Duras và người tình đầu tiên của bà - ông Huỳnh Thủy Lê, chủ nhân ngôi nhà.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Năm 1929, trên chuyến phà Mỹ Thuận, cô gái thiếu nữ người Pháp (chính là tác giả M. Duras) đã thu hút sự chú ý của Huỳnh Thủy Lê, người đàn ông giàu có 27 tuổi, con trai nhà tài phiệt người Hoa. Do khác biệt về gia cảnh, văn hóa nên cuộc tình giữa hai người kéo dài 18 tháng thì bị gia đình nhà Huỳnh Thủy Lê kịch liệt phản đối. Chia tay nhau, M. Duras lên đường về Pháp, còn ông Lê không lâu sau kết hôn với một người vợ Việt môn đăng hộ đối, theo sắp đặt của gia đình.

Hình ảnh ông Huỳnh Thủy Lê cùng vợ được treo trong nhà cổ

Hình ảnh ông Huỳnh Thủy Lê cùng vợ được treo trong nhà cổ

Câu chuyện tình buồn ấy, về sau đã được bà kể lại trong tác phẩm của mình L’Amant (bản tiếng Anh là The Lover, bản tiếng Việt là Người tình). Năm 1984, cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nhanh chóng gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp). Năm 1986, cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành phim cùng tên.

Trong phim Người tình có nhiều cảnh quay tại Việt Nam như: dòng sông Tiền thơ mộng, bến phà Mỹ Thuận náo nhiệt, thành phố Sài Gòn hoa lệ..., và đặc biệt là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được lấy làm bối cảnh chính trong phim

Trong phim Người tình có nhiều cảnh quay tại Việt Nam như: dòng sông Tiền thơ mộng, bến phà Mỹ Thuận náo nhiệt, thành phố Sài Gòn hoa lệ..., và đặc biệt là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được lấy làm bối cảnh chính trong phim

Đặc biệt, trong một lần gặp nhau ở Chợ Lớn (khoảng năm 1929-1930), Huỳnh Thủy Lê có kể sơ về cha mình cho M. Duras nghe. Mãi đến khi M. Duras viết tiểu thuyết tự truyện L’Amant năm 1984, bà vẫn còn nhớ như in chi tiết này. Bà bộc bạch kể trong tự truyện của mình: ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của Huỳnh Thủy Lê) giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn và Sa Ðéc là nhờ nghề xây nhà rồi cho người bản xứ thuê.

Và đó là tất cả những gì bà biết về thân thế, sự nghiệp gia đình người tình đầu tiên của mình.

những sức sống bất diệt

Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê mất, các con của ông đều định cư ở nước ngoài. Ngôi nhà cổ được trưng dụng làm trụ sở cảnh sát, đến năm 2007 thì mở cửa khai thác ngôi nhà cổ, phục vụ cho khách tham quan.

Nhà được chứng nhận là Di tích cấp tỉnh năm 2008, Di tích cấp quốc gia năm 2009. Hiện nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được giao cho Công ty CP Du lịch Đồng Tháp bảo quản và làm điểm tham quan. Hằng năm, căn nhà đón hàng chục nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan, đặc biệt cộng đồng Pháp ngữ chiếm số lượng đông.

Đặc biệt gần 10 năm nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng mở dịch vụ cho du khách ở lại qua đêm. Trong căn nhà có hai phòng, khách muốn ở lại phải đăng ký trước, được phục vụ bữa sáng và trưa. Trong phòng đầy đủ vật dụng, tivi cài sẵn phim Người tình nhằm cho du khách được trải nghiệm những cảm giác “thật” nhất về những gì đã từng diễn ra tại ngôi nhà.

Gian phòng trưng bày ảnh gia đình ông Huỳnh Thủy Lê cũng như hình ảnh bà M. Duras thời trẻ

Gian phòng trưng bày ảnh gia đình ông Huỳnh Thủy Lê cũng như hình ảnh bà M. Duras thời trẻ

Còn cuộc tình giữa ông Huỳnh Thủy Lê và bà Marguerite Duras có thực sự đã kết thúc?

Bất cứ ai từng đọc đến dòng kết của câu chuyện Người tình có lẽ đều tin rằng, giống như ngôi nhà 125 năm tuổi vẫn tồn tại đầy uy nghi này, cuộc tình của gia chủ và cô văn sĩ năm nào cũng vẫn còn sống mãi. Thậm chí, chính tình yêu đó là thứ làm nên sức sống bền bỉ cho ngôi nhà xưa.

Nhiều năm trời sau chiến tranh, hôn nhân, con cái, li dị, những cuốn tiểu thuyết..., anh ấy đến Paris cùng với vợ mình. Anh gọi cho tôi. Tôi nhận ra giọng nói ấy ngay tức khắc.

"Anh chỉ muốn được nghe thấy giọng em", anh ấy cất lời.

"Em đây, chào anh" tôi đáp.

Anh ấy vẫn lúng túng, sợ sệt như ngày xưa. Anh bắt đầu trở nên ấp úng. Và thế là, nhờ sự ấp úng ấy, tôi lại được nghe thấy chất giọng Trung Quốc của anh.

Anh biết tôi đã bắt đầu sự nghiệp viết lách, anh nghe được điều đó từ mẹ tôi, trong một lần gặp lại bà ở Sài Gòn. Anh cũng đã rất đau buồn vì cái chết của em trai tôi. Rồi anh không biết nói gì nữa. Và rồi anh bảo, vẫn như ngày xưa, anh vẫn yêu tôi, anh không thể hết yêu tôi, và anh vẫn sẽ yêu tôi đến khi chết.

(Trích Người tình, Marguerite Duras)

Thông tin thêm

  • Địa chỉ: số 255A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, VN
  • Giá vé tham quan: 20.000 VND/người
  • Giá phòng: từ 550.000 VND/phòng
Lan Oanh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES