Chiang Mai, như một cố nhân cần gặp lại

18/11/2018

Mỗi lần hồi tưởng lại, tôi gần như không thể nhớ nổi đã có những âm thanh gì xen kẽ vào những lần tôi ghé tới Chiang Mai hay có thể nào một bản nhạc, một bài ca đại diện cho nó hay không? Những hình ảnh sinh động ở Chiang Mai lần lượt trôi qua tâm trí tôi, nơi tôi là một con bé lóc chóc nhón chân nhẹ nhàng đi khắp phố phường và mọi ngóc ngách trong bình yên.

Cuối năm 2016, tôi lần đầu tới Thái Lan. Khánh và tôi hồi đó còn là sinh viên, thu nhập không ổn định và thừa thời gian nên đã chọn một đường đi không thể tiết kiệm hơn: Đi bus từ Sài Gòn đến Bangkok. Tiện đường dừng chân ở Siem Riep chơi một ngày, chúng tôi tới Bangkok vào ngày hôm sau nữa sau 24 tiếng trên xe khách và 4 tiếng nhập cảnh kinh hoàng. Tôi đã mệt đến mức mặc Khánh dẫn đi đâu thì đi và như kế hoạch, địa điểm tiếp theo là… sân bay Don Muang. Để tiết kiệm tiền khách sạn 1 đêm, tôi đặt chuyến bay tới Chiang Mai vào lúc rạng sáng rồi ra sân bay ngủ trước phòng chờ luôn. Và bởi vậy mà kí ức về Thái Lan với tôi không bắt đầu bằng Bangkok như mọi người, mà từ Chiang Mai – thành phố mà vào lúc đó tôi không biết sẽ khiến tôi yêu thích đến nghiêng ngả.

Empty

Tôi có một niềm tin, nếu bạn thích một nơi nào đó, bạn sẽ biết từ khi bước ra khỏi máy bay. Bước ra khỏi máy bay là khoảnh khắc đầu tiên mà mọi giác quan của bạn tương tác và tiếp xúc với nơi chốn đó, ấy là nếu bạn không tính chuyện nhìn từ cửa sổ máy bay xuống. Và tôi thực sự thích Chiang Mai từ lúc bước ra khỏi máy bay vào sáng sớm hôm ấy. Giống như khi một người mang trên mình đầy những mỏi mệt và giận dữ được gặp một người dịu dàng, tình cảm, người ta chẳng thể nào giận hờn được thêm. Khoảnh khắc tôi đặt chân xuống sân bay Chiang Mai, tôi như một người xách nặng những vali tiêu cực, căng thẳng và mệt nhọc được Chiang Mai nhẹ nhàng chào đón và mang giúp cho những vali kia, bằng chính ánh nắng vàng, bầu không khí trong trẻo và tiết trời se lạnh của nó vào một ngày tháng 11.

Empty

Thành phố Chiang Mai

Chiang Mai là cố đô của Vương quốc Lanna (Kingdom of Lanna) vào thế kỉ thứ 13, một vương quốc nhỏ bao gồm các thành phố phía Bắc Thái Lan hiện nay. Những di tích lịch sử của một kinh thành cổ kính vẫn còn nguyên trong lòng một Chiang Mai hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Nếu nhìn vào bản đồ Chiang Mai, bạn sẽ thấy nổi bật ở trung tâm là một hình vuông. Thành phố được quy hoạch xung quanh di tích tường thành vuông vắn, bao quanh dòng sông trung tâm. Những bức tường gạch nâu cam dù trải qua hàng trăm năm đã không còn giữ được sự nguyên vẹn nhưng được chính quyền Chiang Mai gìn giữ đến độ, nếu một ngày không may một viên gạch rơi xuống, viên gạch đó sẽ được tiếp tục nằm đúng vị trí đó như không ai có thể tước một nhân chứng lịch sử khỏi nơi mà nó thuộc về.

Empty
Empty

Nếu đi vào mùa xuân, bạn sẽ may mắn chứng kiến hoa muồng hoàng yến nở vàng rực khắp mọi nơi. Hoa muồng hoàng yến, tiếng địa phương gọi là hoa Ratchaphreuk là quốc hoa của Thái Lan. Ở Thái, mỗi ngày trong tuần đều mang một màu sắc và màu vàng là màu đại diện cho thứ 2, ngày vua Bhumibol Adulyadej chào đời. Từ “Ratcha” trong tiếng Thái cũng có nghĩa là Hoàng gia. Sắc vàng của hoa muồng hoàng yến còn là biểu tượng cho Phật giáo - quốc giáo của Thái Lan. Chính bởi vậy, hoa muồng hoàng yến vừa thể hiện sự tôn kính Hoàng Gia vừa mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần của người Thái.

Ở Bangkok, nơi mà ngửng lên người ta chỉ thấy tàu cao tốc chạy ầm ì, khó có thể thấy ở đâu vàng rực màu vàng của muồng hoàng yến nhưng ở Chiang Mai vào mùa xuân thì ngược lại, thật khó kiếm ở một ngóc ngách nào đó muồng hoàng yến không len lỏi vào. Giữa hơi thở mùa xuân mát mẻ, được đạp xe dưới những sóng hoa vàng rung rinh quanh những bức tường thành của một cố đô yên tĩnh và lắng nghe tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh là một điều mà mọi người sẽ thấy vô cùng biết ơn nếu được trải qua.

Empty

Những điểm nên đến

Bannok cafe

Tôi vô tình tìm thấy Bannok Cafe khi trên đường tìm kiếm bộ lạc Karen. Bannok như một món quà mà Chiang Mai bù đắp cho kẻ đi lạc là tôi. Khi phóng xe máy ngang qua Bannok, quán cafe tựa mình vào núi với những du khách lười biếng nằm dài trên bãi cỏ xanh, Khánh và tôi không kìm được lòng mà vội vã nhập cuộc bằng những chai bia Chang mát rượi. Đúng phong cách tối giản, quán Bannok chỉ được trang bị những chiếc ghế vỏ đỗ nhiều màu và những chiếc thùng gỗ, thùng phuy làm bàn. Điểm xuyết là đống ti vi cũ hỏng và đống nắp chai từ đủ loại đồ uống được tận dụng làm đồ trang trí, còn lại người chủ quán... để thiên nhiên lo. Nền núi non hùng vĩ và thảm cỏ xanh mượt đã khiến cho dụng ý tối giản trở nên rất hợp lí. Độc đáo hơn cả, phía sau những chiếc ghế vỏ đỗ màu mè là cả một con suối róc rách, nơi những bộ bàn ghế sắt đã ngâm mình từ bao giờ chờ đợi những vị khách yêu thiên nhiên như tôi nhúng chân xuống với một khay đồ nướng thơm nức rồi ré lên vì mát!

Empty
Empty
Empty

Đồ ăn không quá ngon nhưng cảm giác thì rất tuyệt. Tôi thấy mình có thể ở lại đây mãi nếu không vì trời bắt đầu tối mà đường về còn xa. Chiang Mai nổi tiếng với những quán cà phê độc đáo nhưng nếu bạn tìm kiếm cho mình một nơi rời xa chốn thành thị, đơn giản nhưng chân thật và gần gũi với thiên nhiên thì nhất định hãy tới Bannok nhé.

Grand Canyon

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Grand Canyon cũng lại là 1 điểm đến bất ngờ khác của tôi khi ở Chiang Mai. Vốn được biết đến là vùng núi phía Bắc Thái Lan, Chiang Mai lại khiến tôi hối tiếc vì đã...không mang theo bikini. Không có biển nhưng Chiang Mai lại có những hẻm núi (canyon) tạo thành hồ trũng phía dưới. Hoạt động phổ biến nhất ở đây là cliff jump. Hồ nước xanh lơ sâu đến 32m được bao quanh bởi những vách đá đỏ đã trở thành một địa hình lí tưởng cho những du khách mạo hiểm thích lao xuống từ một vách đá rồi buông mình vào làn nước mát.

Empty

Chuyện cũng sẽ chỉ là một cú nhảy chưa đầy 3 giây nếu người nhảy không phải là tôi - một người không biết bơi và sợ độ cao. Không may tôi lại là một đứa máu liều. Thấy mấy bạn Tây lao ầm ầm xuống nước, tôi khoái quá, cũng xếp hàng làm phát nhưng chỉ khi đến gần mép đá tôi mới biết… chuyện thật không đơn giản. Năm lần bảy lượt lùi về sau rồi lại chạy xuống cuối, xếp hàng lại từ đầu để có thời gian hít thở và không làm người khác phải đợi, cho đến khi không còn ai sau lưng mà đùn đẩy, tôi đành rón rén đứng mà suýt phát khóc.

Cảnh tượng một cô gái còi cọc, mặc quần cầu vồng đứng run rẩy và liên tục che mắt chỉ dám nhìn he hé xuống đã thu hút những người bạn phía dưới. Rất nhanh chóng, những người bạn đang bơi khắp hồ quây lại bên sợi dây ngăn cách khu vực nhảy và bắt đầu cổ vũ tôi. Rất nhiều những câu “you can do it”, “it will be 3 seconds only”, “it is not that scaring” vang lên từ phía dưới khiến tôi không còn đường lui. Đã đến mức này mà còn bỏ cuộc thì xấu hổ lắm, tôi thầm nghĩ. Ấy thế mà tôi vẫn còn nấn ná trên ấy thêm một lúc cho đến khi có người hát nhạc Champion League và mọi người bắt đầu đếm ngược cho tôi nhảy. 5,4,3,2,1, tôi cho mình thêm 0,5 giây nữa thì nhắm mắt nhảy. Chưa đầy 3 giây mà tôi thấy như cả cuộc đời đi qua, còn nghĩ mãi sao chưa chạm nước? Tôi ngoi lên trong tiếng vỗ tay và tiếng chúc mừng của tất cả mọi người. Những người bạn xa lạ đã khiến tôi cực kì tự hào vì đã làm được một điều hết sức bình thường với người khác. Và cho đến giờ, cú nhảy cliff jump ở Grand Canyon ngày hôm đó vẫn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Sau này, tôi dám làm những trò liều lĩnh hơn cliff jump rất nhiều bởi ngày hôm đó đã có những người lạ lần đầu tiên kích hoạt tinh thần “dám làm dù rất sợ” trong tôi bằng sự tử tế và lòng nhiệt thành.

Bởi vậy, nếu bạn thích bơi lội giữa núi non, nằm dài trên một cái bè tre phơi nắng và đặc biệt, nếu bạn nhát gan như tôi và cần một cú kích hoạt, nhất định hãy đến Grand Canyon!

Những ngôi chùa

Thái Lan là một đất nước Phật giáo với hơn 93% dân số theo đạo Phật. Phật giáo có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội và con người Thái Lan bởi vậy đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy chùa chiền ở mọi miền đất nước này. Nếu đã từng đi chùa ở Bangkok, bạn đừng bỏ qua những ngôi chùa ở Chiang Mai bởi kiến trúc của phương Bắc và miền Trung Thái Lan có nhiều khác biệt. Chùa ở Bangkok chủ yếu xây mái nhọn đối xứng đều qua trục và được trang trí họa tiết khảm mosaic với tông chủ đạo là màu vàng. Thoạt nhìn từ ngoài đã thấy một màu vàng kim đổ từ nóc chùa xuống các cột. Chùa ở phương Bắc như ở Chiang Rai, Chiang Mai… đa phần có màu trầm hơn. Tường chùa được sơn trắng, mái chùa đối xứng mặt cắt và được làm từ gỗ, hoặc sơn nâu/xám hoặc lợp ngói. Người Việt Nam có lẽ sẽ tìm thấy sự gần gũi với những ngôi chùa ở phương Bắc hơn. Tuy vậy thì Phật giáo Thái Lan thuộc một nhánh khác so với Phật giáo Việt Nam nên du khách hoàn toàn có thể tìm thấy sự lạ lẫm trong nét đồng điệu kia.

Empty
Empty

Chùa chiền ở Chiang Mai thì ở khắp mọi nơi. Từ một nơi ngẫu hứng quanh hình vuông trung tâm cho đến những ngóc ngách phố thị và lên đến cả những đỉnh núi, nơi người ta có thể vừa vãn cảnh chùa, vừa có thể chiêm ngưỡng thành phố từ trên cao. Những ngôi chùa nổi tiếng mà ai cũng muốn một lần đặt chân tới nếu đã ghé thăm Chiang Mai có thể kể đến Wat Phra That ở Doi Suthep, Doi Inthanon, Wat Phra That ở Doi Kham, đi sang Chiang Rai thì có White Temple, hay Wat Sri Suphan - ngôi chùa dát bạc lộng lẫy ngay trong phố cổ… Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên Google, bạn có thể tìm được rất nhiều danh sách những chùa nên tới.

Khi tới thăm những ngôi chùa ở Chiang Mai, có một hoạt động bạn nên thử đó là Monk Chat - nói chuyện với các nhà sư. Quanh các ngôi chùa ở phố cổ, bạn có thể tìm thấy những nhà sư ngồi gần cửa chùa với tấm bảng Monk Chat. Các nhà sư tham gia Monk Chat thường là những nhà sư trẻ còn đang học tập trong các trường Phật giáo. Mục đích của buổi nói chuyện là giúp các nhà sư cải thiện tiếng Anh nên bạn có thể nói chuyện về bất cứ điều gì bạn muốn, tất nhiên là phải phù hợp. Sẽ có những nhà sư cho bạn góc nhìn thú vị về Phật giáo, về triết lí và lẽ sống của họ, hoặc cũng có những người thực sự cần bạn khéo léo kéo họ khỏi sự ngại ngùng ban đầu. Tuy các nhà sư bị cấm tiếp xúc với phụ nữ ở Thái Lan, hoạt động này cho phép các nhà sư được trò chuyện với tất cả mọi người.

Nếu vô tình nhìn thấy một chiếc bàn với tấm biển Monk Talk, đừng ngần ngại tới bắt chuyện với những nhà sư ham học nhé!

Lễ hội Yee Peng and Loy Krathong

Tôi cho rằng phần lớn du khách nước ngoài biết tới Chiang Mai nhờ lễ hội thả đèn trời Yee Peng. Nếu bạn đã từng thấy những bức ảnh của hàng nghìn chiếc đèn trời được thả lên trời cao, thì tôi khá chắc với bạn bức ảnh đó được chụp tại lễ hội Yee Peng của Chiang Mai.

Yee Peng và Loy Krathong là hai lễ hội lớn nhất trong năm ở Chiang Mai, sau SongKran (thường được chúng ta biết tới là lễ hội té nước). Người Thái cho rằng tháng 12 âm lịch (lịch âm của Thái) là thời gian mà các dòng sông giàu nguồn nước nhất và mặt trăng sáng nhất - một thời điểm thích hợp để cầu nguyện cho một năm mới với mùa màng bội thu và những điều tốt đẹp bằng những chiếc đèn lồng được thả lên trời cao và trên sông. Nếu Yee Peng đưa những chiếc đèn trời gửi gắm những ước mong của người Thái về với mặt trăng thì Loy Krathong lại mang những ngọn đèn cầy trôi theo dòng sông về một mùa màng bội thu. Vậy là thời điểm cuối tháng 11 hàng năm, Chiang Mai chào đón hàng nghìn khách du lịch cả trong nước và quốc tế đổ lên phương bắc để có ba ngày được bao quanh bởi những ngọn sáng đẹp choáng ngợp nhưng lại đầy bình an.

Empty

Năm 2016, tôi là một trong số hàng nghìn khách du lịch ấy. Ấy vậy lại có hai điểm không may cho tôi.

Thứ nhất, tháng 10 năm 2016 là quốc tang của Thái Lan do đức vua đương thời băng hà. Thái Lan chìm trong buồn đau đến mức chẳng màng lễ hội và mặc bất kì món đồ gì ngoài đen và trắng là cả một vấn đề to tát. Chiang Mai cũng không ngoại lệ. Yee Peng thậm chí còn suýt bị cấm khiến tôi hết sức vất vả mới mua được một chiếc đèn trời.

Điều xui xẻo thứ hai là... tôi không có tiền. Những bức ảnh đẹp lộng lấy trên Internet thực chất được thả tập trung tại trường đại học Mae Jo với giá cắt cổ gần 300 USD/người. Ấy vậy mà nghe đồn hàng năm cũng có tới 4000 vé được bán ra, tạo nên khung cảnh đẹp tuyệt vời của 4000 chiếc đèn lồng được thả lên trời cao cùng một lúc như vẫn thấy. Tôi thì tất nhiên, không có 300 USD để chạy ra Mae Jo thả cái đèn lồng rồi về nên đành ra cầu Narawat - địa điểm thả đèn trời công cộng không mất tiền.

Empty

Tuy còn xa mới được như cảnh tượng ngoạn mục 300 USD kia, tôi vẫn cảm thấy hài lòng phần nào. Yee Peng và Loy Krathong cho tôi cơ hội được tự tay làm một chiếc đèn lồng mang phong cách Thái rồi tự tay thả trôi sông với điều ước của riêng tôi, rồi lại tự tay đưa lên trời cao một chiếc đèn lồng giấy, nhìn nó từ từ thu nhỏ lại rồi lẫn vào hàng trăm chiếc đèn lồng khác trong màn đêm. Xung quanh tôi lúc ấy mới đầu còn huyên náo nhưng từ khi những chiếc đèn đầu tiên được thắp lên, mọi người tự động im lặng ngước lên trời cao như một cách tôn trọng điều ước của đám đông xa lạ. Chiang Mai thật biết cách khiến người ta háo hức rồi từ lúc nào đưa tôi vào sự bình yên, tĩnh lặng và bình dị vốn có của nó.

Empty
Empty

Chiang Mai, Chiang Mai! Nhắc đến Chiang Mai tôi không biết phải nói thế nào cho hết lòng yêu mến của tôi cho thành phố này. Tôi yêu những quán cà phê đã đi qua, những nẻo đường lái xe bên trái không quen luôn được những người bản địa nhường nhịn, những con phố luôn luôn yên tĩnh và trong lành, những khu chợ đem huyên náo đầy những đồ thổ cẩm làm tôi ngây ngất mà rút ví, những người bạn đồng hành chẳng biết bao giờ hội ngộ, những ly trà Thái đậm đà, những món ăn cay nồng mà cứ muốn ăn hoài. Nhiều quá, chẳng thể nói hết. Chỉ biết lòng tôi coi Chiang Mai như một cố nhân nhất định phải gặp lại!

Hải Linh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES