Chinh phục Pu Si Lung, nóc nhà vùng biên giới

13/04/2015

Nằm ở độ cao hơn 3000m, Pu Si Lung trở thành ngọn núi cao nhất án ngữ nơi biên cương Tổ quốc, nằm giữa biên giới Việt - Trung. Ngọn núi hoang sơ thuộc vùng đất biên viễn đầy bí ẩn và quyến rũ này luôn thôi thúc những bước chân khám phá, chinh phục, cho dù hành trình ấy diễn ra giữa những ngày rét buốt hay những ngày nắng cháy rát bỏng.

Bài và ảnh: Ngô Huy Hòa

Lên lịch trình kỹ càng và liên hệ trước với các cơ quan chức năng. Chúng tôi mang giấy công tác tới trình báo tại Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, rồi lại cầm giấy giới thiệu vượt đường đèo núi tới đồn biên phòng Pa Vệ Sử, vùng sâu nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Hành trình đường trường gian nan là vậy nhưng chúng tôi được khích lệ tinh thần rất nhiều khi được sự tiếp đón và giúp đỡ rất nhiều từ đồn biên phòng nơi đây.

Được đồn chuẩn bị cho chu đáo gồm gạo và gà thịt, cộng với đồ mang theo nên mỗi người trong đoàn phải vác theo trên người hơn chục ký hành lý. Thêm một hành trình bằng xe máy khó khăn nữa với đường đèo đất dốc dựng đứng, chúng tôi tới bản Sín Chải A. 

Dù chưa muộn, nhưng chúng tôi lại được mời ăn bữa cơm tại nhà bác Xy Khừ Xá - phó bản Sín Chải A với một bữa ăn gà đồi, thịt lợn mán và bánh giầy, bánh trưng truyền thống. Bữa cơm thịnh soạn và chân tình quá đỗi làm chúng tôi không nỡ từ chối dù lịch trình đã gấp gáp. Bữa trưa chúng tôi được dự cũng chính là bữa tết cơm mới của bà con dân tộc nơi đây. Tết của bà con La Hủ diễn ra vào 3 ngày trong tháng 11 âm lịch mà không cố định, nó phụ thuộc vào mỗi dòng họ trong bản. Anh Kiên còn nói thêm, thịt con lợn đen mà chúng tôi đang được ăn là phải nuôi mất 3 năm đó. 3 năm để có một con thịt 90kg chứ không như thịt lợn miền xuôi nuôi 3 tháng, bảo sao mà miếng nào cũng săn thịt mà bì thì giòn tan. Bữa trưa thịnh soạn ngoài dự kiến này đã giúp chúng tôi thêm nhiều năng lượng cho hành trình sắp tới. Chia tay rồi mà bác Xá còn không quên tặng chúng tôi vài chiếc bánh chưng nếp mang theo ăn làm quà. 

 

 

Rời bản Sín Chải A chúng tôi tới bìa rừng và để xe lại đây, bắt đầu hành trình leo núi gian nan. Quãng đường leo núi đầu tiên của chúng tôi là băng qua những khu đồi cỏ gianh rậm rạp, một số đồi đang được phát quang, đốt cỏ làm nương. Tiếp đến là hành trình dọc theo những con suối với nhiều ghềnh đá hiểm trở. Thử thách đầu tiên của chúng tôi là một con suối lớn mà cây cầu bắc bằng những thân cây thì bị gẫy từ mùa lũ, chúng tôi phải tháo giầy mà lội băng suối. Những con số ghềnh đá lô xô, trơn trượt và vô cùng giá lạnh, bàn chân ai cũng tê cóng và phải rất cẩn thận nếu không muốn bị ướt. Theo như anh Kiên dẫn đoàn thì mùa này suối ít nước nhất, mùa mưa suối phải dâng lên đến tận ngang hông và chảy rất xiết. Những con suối đủ loại, chỗ thì phải lội, chỗ thì phải nhảy, bám lựa trên những thân cây đổ mà đi qua. Cẩn thận là thế nhưng chỉ một chút sơ sẩy thì anh Bình, một chiến sĩ biên phòng đi cùng đã bị ngã suối khi gần về đến điểm nghỉ ngày đầu.

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Vượt qua những con suối hoang sơ, là tới những đồi cỏ gianh cao quá đầu người. Mùa này những cây cỏ gianh rậm rạp nở bông trắng muốt, trập trùng trong nắng gió miền biên cương khiến đoàn lữ khách ngẩn ngơ. Những khóm hoa cúc dại đủ màu, trắng muốt hay vàng rực khiến quãng đường dài dường như ngắn hơn. Dốc hết lên rồi xuống, có nhiều đoạn cỏ cây mọc kín lối đi khiến chúng tôi phải lần mò từng bước một, người đi trước phải dùng dao phay phát từng khóm cây. Những cành cây gai hay lá cỏ gianh cứng sắc cạnh sẵn sàng làm rách áo và xước bất cứ phần da thịt nào hở ra. 

 

 

Lần mò mãi tới khi trời tối hẳn cũng là lúc chúng tôi tới điểm nghỉ bên bờ suối. Nơi đó có một cái lán đơn sơ được chèo chống bằng vài thân cây khô và phủ bằng bao tải và lá cây, nghe nói nó là lán của thợ xây mốc từ năm ngoái nay đã bỏ hoang. Chúng tôi phân chia vào việc ngay, người phát quang dựng lều, người kiếm củi, người sắp bếp. Loáng cái, chúng tôi đã quây quần bên mâm cơm với khá đầy đủ món chuẩn bị theo như thịt gà xào lăn, gà nướng giấy bạc và rau luộc. Các anh biên phòng lôi ra chiếc bi đông đựng rượu khá to mời chúng tôi, dù khá mệt nhưng chúng tôi đều vui vẻ nâng chén. 

 

 

Bên mâm cơm, anh Tòng Trung Kiên tâm sự mình là người gốc Thái nhưng có bố mẹ nuôi người Kinh và làm ở đồn biên phòng từ năm 1995 và số lần đi tuần tra khu vực mốc giới này nhiều hơn số tuổi ngoài tứ tuần của anh. Còn anh Hoàng Thanh Bình là người Hà Nhì mới thuyên chuyển tới từ Pắc Ma và đây là lần đầu tiên đi mốc nên cũng rất háo hức. Cứ thế bữa cơm ấm cúng cùng những câu truyện không ngớt kéo dài tới tận tối muộn. Đêm đó chúng tôi ngủ thật say, bên bếp lửa bập bùng, tiếng suối rừng róc rách và ánh sáng bàng bạc của trăng núi.

Sớm hôm sau, dự là một ngày dài vất vả nên chúng tôi để lại hết đồ đạc và chỉ mang balo đựng nước và những đồ ăn đơn giản cho bữa trưa rồi khởi hành. Băng qua một thác dữ đổ từ trên cao xuống cùng một hang đá là từ đây chúng tôi sẽ không thấy bất kỳ nguồn nước nào nữa. Đường cứ như thế dốc tuần mãi không thôi khiến những đôi chân phố thị chúng tôi cứ oải dần, không thể nào bắt kịp được các anh biên phòng nữa. Bù lại khung cảnh núi rừng  tuyệt đẹp, không khí trong lành với những đám mây sương lảng bảng thật kỳ ảo. Đôi khi chúng tôi ngỡ mình lạc bước khi đi vào những khu đồi hoa dại trắng muốt từ thân tới bông. Rồi bước chân lại dẫm lên những thảm lá khô, những bông hoa nhỏ xinh và ngước mắt lên là một bầu trời đỏ rực màu hoa hồng quang.

Anh Kiên còn chỉ cho chúng tôi một bãi đất trống vẫn còn vương những tẩu thuốc lá mà nói rằng bọn buôn thuốc phiện hay tập kết ở đây, thật đúng là vùng biên giới không đơn giản chút nào. Đường thật dài, hết lên rồi lại xuống nhưng leo mãi rồi cũng tới mốc. Chúng tôi reo lên sung sướng khi thấy cột mốc đứng đó, sừng sững trên nền bê tông được gia cố chắc chắn. Bây giờ là gần giữa trưa, sương mù giăng khắp, ai cũng đói và rét nhưng mặt ai cũng lộ rõ vẻ rạng rỡ tự hào. Các anh biên phòng kiểm tra tình trạng mốc giới và thực hiện nghi lễ thiêng là chào mốc giới và cùng chúng tôi chụp hình lưu niệm. Máy GPS của tôi xác nhận cao độ 2866m, đây là một trong những cột mốc biên giới cao nhất trên lãnh thổ nước ta. Ai cũng thấy tự hào và háo hức chụp hình, lưu lại kỷ niệm đáng nhớ nơi đây. Nhóm củi sưởi ấm và bữa trưa đơn giản với cơm năm muối vừng, thịt hộp được diễn ra nhanh chóng.

 

 

Từ đây lên đỉnh Pu si lung là còn một hành trình dài, khi mà những đôi chân đã thấm mệt và nhất là lượng nước mang theo còn rất ít. Đường chúng tôi đi cũng chính là hành lang biên giới nên phải rất cẩn thận bám nhau theo các anh biên phòng để không lạc sang nước bạn Trung Quốc. Từ độ cao này trở lên, chúng tôi phải băng qua rất nhiều rừng trúc rậm rạp thật chả khác nào khung cảnh trong phim “thập diện mai phục”. Tre, trúc bị phát lối mới đi được vô hình chung tạo thành những cái bẫy chông nguy hiểm cho những đôi chân xiêu vẹo, rệu rã. Qua rừng trúc rồi tới khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, ẩm ướt tới nỗi mỗi thân cây đều phủ trên mình một màu xanh ma mị của rêu rừng. Khung cảnh thần tiên là vậy nhưng quãng đường thực sự gian nan, chúng tôi đi theo hướng đỉnh nối đỉnh liên tiếp tưởng như mãi không có kết thúc. Và điều tệ hại nhất trong hành trình vận động liên tục như này, đó là nguồn nước mang theo đã hết hoàn toàn. 

Mệt mỏi và khát nước cùng cái cảm giác đi mãi không tới đích, khi cả đoàn cứ mong chờ đỉnh trước mặt là cao nhất thì lại chưa phải, lại xuống và lên một đỉnh kế tiếp. Tay tôi luôn thường trực máy đo GPS để xác định cao độ đỉnh. Đi mãi rồi cuối cùng cũng tới đỉnh cao nhất, mọi người mừng rỡ không tả xiết và anh Kiên thì đã đứng đợi chúng tôi ở đây. Đỉnh là một khoảng rừng không thoáng đãng hơn xung quanh là mấy. Trên đây có gắn một cây cột gỗ, trạm khắc khá nhiều chữ tiếng Trung Quốc, nội dung có ghi về nhóm những đoàn khoa học đã khám phá ra đỉnh núi này năm 2010. Lúc này đã là 4 giờ chiều và máy GPS tôi ghi nhận độ cao 3085m (cao hơn số liệu công bố là 3076m). Cả đoàn lấy cờ Tổ quốc ra và chụp hình lưu niệm với niềm tự hào dâng trào khi là những người Việt Nam hiếm hoi từng chinh phục thành công ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà biên giới này. Không tự hào sao được khi trên những đỉnh cao này, cha ông ta đã từng ngàn năm chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương.

 

 

Trời chuyển tối, không khí lạnh cùng sương mù nhiều khiến chúng tôi biết mình phải nhanh chóng khởi hành về lán nghỉ cho dù phải đi trong bóng đêm. Đoàn chúng tôi toàn là những đôi chân có kinh nghiệm, tôi luyện qua không ít những ngọn núi cao nhưng quả thực hành trình lần này thật là một thử thách đáng nhớ và ý nghĩa.

 

RELATED ARTICLES