Cũ mà mới như bánh Trung Thu

25/09/2015

Giống như món bánh táo ApplePie ở Châu Âu, bánh Trung Thu là món quà truyền thống mang giá trị gia đình trong văn hóa Châu Á, nhất là trong mỗi dịp tết Trung Thu.

Bài: Các Trúc

Một người bạn của tôi từng nói rằng bạn không thích ăn bánh nhưng không hiểu sao cứ mỗi khi đến rằm tháng Tám, bạn lại thèm nhâm nhi một mẩu bánh nướng có lớp vỏ nâu vàng rộm được quết một lớp lòng đỏ trứng, bên trong là lớp đậu xanh mịn bao lấy viên trứng muối no tròn.

Người Nhật quan niệm rằng vào ngày ngắm trăng Tsukimi (Otsukimi hay Trung Thu), nhất định không thể thiếu món Dango. Món bánh nhỏ xinh, trắng nõn làm từ nếp, thoạt nhìn như chè trôi nước. Dango được đem nướng lên, ăn cùng với mật đường Kuromitsu hay với sốt đậu đỏ. Rằm tháng Tám tại Hàn Quốc lại là lễ tạ ơn Chuseok với món bánh gạo hấp Songpyeon làm từ bột gạo nhào với nước ấm, bọc lấy nhân đậu xanh, hạt mè, hạt dẻ… Những chiếc Songpyeon xinh xắn mang hi vọng sẽ đem lại những đứa con đáng yêu cho người nặn bánh. Trong khi đó, người dân Philippines mừng lễ Trung Thu qua những chiếc bánh nướng nhân đậu Bakpia Hopia.

Ở Việt Nam và Trung Quốc, chiếc bánh Trung Thu có phần cầu kỳ và tỉ mẩn hơn cả. Những chiếc bánh nướng thơm nức có nhân thập cẩm gồm lạp xưởng, gà quay, mỡ đường, bí… bắt nguồn từ một câu chuyện thú vị trong thời chiến tranh. Một vị tướng muốn bí mật truyền tin cho quần chúng, ông nhận thấy chiếc bánh có nhân hỗn hợp như thế này rất dễ ẩn  giấu những mảnh giấy nhỏ. Thế là ông truyền cho dân chúng những chiếc bánh này, người này tặng cho người kia chiếc bánh, họ đồng thời truyền cho nhau mật tin.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng Tám âm lịch hàng năm, nhà nhà tìm về với bánh nướng, trẻ con lại xách lồng đèn chạy chơi khắp phố. Câu chuyện về khám phá ẩm thực Trung Thu của chúng tôi trở nên dần sôi nổi khi một người bạn hỏi: “Nếu như thế thì tại sao nước nào cũng có Trung Thu?”, “Tại sao các nước khác lại không mừng lễ Trung Hạ, Trung Xuân mà lại là Trung Thu?”. Ít ai để ý đến sự tương đồng thú vị này của các nước Châu Á, những nước mang âm hưởng sâu sắc từ nền văn minh lúa nước. Tháng Tám mới là tháng của thu hoạch, là lúc người dân nghỉ ngơi, hưởng thụ thành quả lao động của họ. Đây là lúc gạo đầy nhà, thóc đầy thúng, cả gia đình tụ họp vui chơi, thưởng trăng ngày rằm. Chính vì thế, chiếc bánh Trung Thu luôn có vị của nếp, của gạo, của đậu, của đoàn viên và của một mùa bội thu.

 

Bánh Trung Thu công thức cổ điển nhất có mỡ phần - phần mỡ ở gáy lợn, dùng để xào, nấu cùng các nguyên liệu khác để tăng thêm độ béo ngậy cho món ăn. Ngoài ra còn có mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, vừng trắng, lạc rang, gà quay hoặc heo quay, và đặc biệt lá chanh thái sợi - bí mật cho hương vị nồng nàn. Trong bánh nhất định phải có trứng muối. Trứng được muối thêm với các loại gia vị khác nhau như gừng, quế, rượu, đường… tùy thuộc vào tay đầu bếp. Chiếc bánh là sự tổng hợp của các hương vị mặn, ngọt, bùi, dẻo, là tinh túy ẩm thực của nền văn hóa trồng lúa đặc trưng lâu đời của vùng Á Đông.

Ngày nay, bánh Trung Thu có rất nhiều biến tấu hấp dẫn. Các dòng bánh truyền thống được chăm chút hơn khi thêm vào những nguyên vật liệu tốt cho sức khỏe như bánh thập cẩm gà quay Yến sào, bánh mè hạt Chia… Bạn có thể tìm thấy những dòng bánh Trung Thu mới có phong cách kết hợp Đông - Tây như Tiramisu Trà xanh; Trà xanh với đậu đỏ Azuki của Nhật Bản (Green Tea Custard Azuki). Với những người thích vị thơm ngậy của món bánh Âu, bánh Trung Thu phô mai Cheesy kết hợp với Chocolate Oreo là một lựa chọn mới cho bạn. Bánh Trung Thu kết hợp hương vị nồng nàn của việt quất, bưởi, sen luôn được đa số ưa chuộng, kể cả những vị khách nước ngoài có khẩu vị khác biệt. Tôi thích nhất những chiếc bánh nhân hạt sen. Hạt sen được nấu mềm, xay, và sên quyện thành khối mịn nhuyễn, ăn vào bạn cảm thấy ngay vị bùi bùi của hạt sen như đang tan chảy trong miệng.

Ở Việt Nam, cỗ Trung Thu còn có món bánh dẻo độc đáo mùi hoa bưởi. Gạo nếp đem rang nổ thành bỏng, rồi lấy bỏng xay thành bột, thế là bạn đã có bột nếp rang, hay còn gọi bột bánh dẻo. Đem bột này trộn với nước đường, và nước hoa bưởi, ủ qua đêm cho ra lớp vỏ nếp thơm thơm dẻo dẻo trắng mịn. Lấy bột đóng bánh với nhân đậu xanh, nhân cốm… cho ra món bánh dẻo thanh thanh, nhẹ nhẹ như những ngày mùa thu miền quê Bắc bộ. Ở Nam bộ, về sau có món bánh Trung Thu tươi, một biến tấu mới khá lạ miệng. Vỏ bánh được làm từ rau câu, nhân là bánh flan, đậu xanh đánh hay thạch sữa.

Một mùa Trung Thu lại đến, hình ảnh những người chị, người mẹ luôn tay luôn chân nướng bánh, các chú bác tỉ mẩn tước tre làm lồng đèn, trẻ con háo hức chạy khắp phố phường vẫn luôn quyến rũ đến lạ lùng. Đó là những hình ảnh truyền thống nhưng không bao giờ cũ đi trong tâm thức của người Việt Nam.

 

Ở TP.HCM, bạn có thể tìm mua bánh Trung Thu tại:

Renaissance Riverside Hotel Saigon

  • 8-15 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM
  • Website: www.renaissancehotels.com  
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES