Đến Fukuoka ăn đặc sản miền Nam Nhật bản

09/10/2012

Lang thang nhiều nơi từ miền bắc xuống miền nam trên đất Nhật Bản, được nếm nhiều món lạ, nhưng đến vùng đảo cực nam nước Nhật, tôi mới thấy các đồ ăn thức uống nơi đây quả là… cực lạ. Mà quý lắm chủ nhà mới đãi khách các món đặc sản địa phương như vậy.

PGS.TS Trịnh Sinh

Đến thủ phủ miền nam Nhật Bản, miền Kyushu, bằng chuyến bay thẳng thành phố Hồ Chí Minh-Fukuoka, chỉ mất có hơn 4 tiếng. Thật tiện lợi, nếu như so sánh với chuyến đi trước, cách đây mấy năm phải bay từng chặng, đến Hồng Kông, Tokyo rồi mới bay xuống được đây. Tiện nhất đối với các doanh nhân và khách du lịch miền nam Nhật có tuyến bay ngắn nhất đến Việt Nam, mà giá vé khuyến mại hai chiều chỉ xấp xỉ 400 đô la Mỹ. Có mấy năm mà liên doanh hàng không Việt Nam-Nhật Bản đã mở thêm cả những tuyến bay thẳng đến miền trung và miền nam Nhật. Hàng không quả là phát triển với tốc độ nhanh như… bay.

Kyushu, tên chữ Hán là Cửu Châu, nghĩa là đất của 9 Châu (đơn vị hành chính xưa giống như quận huyện). Đây là mảnh đất có khí hậu ấm áp hơn, có nhiều mối giao thương trong lịch sử với vùng lục địa như Triều Tiên, Trung Quốc và cả Việt Nam nữa. Vùng này hơi xa các kinh đô cũ ở miền trung nước Nhật nên vẫn giữ được nhiều nét bản sắc địa phương về mặt văn hoá và ẩm thực.

Một ngày cuối tuần đẹp trời, chúng tôi theo chân anh bạn đồng nghiệp Matsumura về Kyushu chơi. Như đã hứa, Matsumura dẫn chúng tôi đi ăn đặc sản địa phương ở ngay tại quê anh, thành phố Fukuoka. Loanh quanh qua nhiều ngõ nhỏ ở trung tâm thành phố rồi chúng tôi cũng đến được địa chỉ cần tìm. Đó là một quán ăn nhỏ, cửa luôn đóng kín, bên ngoài trang trí theo kiểu rèm che với hai màu đen và trắng, có cả đèn lồng như bất kỳ một quán ăn cổ truyền nơi đây. Bên trong phòng nhỏ, nhưng trang trí từ đèn lồng, gốm sứ và tường vách, cửa lùa đặc sệt một dạng quán ăn Nhật truyền thống. Một chiếc bàn thấp ở giữa và mọi người ngồi phệt xung quanh. Tuyệt nhiên trong phòng chẳng có một chiếc ghế nào. Bát ăn, đũa và đồ dùng đều là đồ địa phương tự làm.

Rượu được bưng ra đầu tiên. Đó là thứ rượu Shochu được chưng cất từ... khoai lang có từ thời Edo, mùi thơm ngào ngạt do được chưng cất một lần bằng phương pháp thủ công, khác với rượu Shochu cất từ gạo hay lúa mạch. Toàn nước Nhật chỉ có vùng này mới có rượu khoai lang. Rượu được hâm nóng, đựng trong ấm sành men da lươn. Người Nhật không có thói quen để các nhân viên nhà hàng đứng quanh phục vụ kiểu "Thượng Đế" như ở ta. Họ quan niệm ngồi ăn cũng cần có một không gian riêng tư, ấm cúng. Phong tục là chủ rót mời khách và khách đáp lễ rót lại mời chủ, cũng là một nét giao tiếp hay. Rượu khoai lang nồng độ nhẹ, cao nhất chỉ khoảng 36 độ và rất đắt, vì mọi khâu phải nấu thủ công như công nghệ của vài trăm năm trước. Bất giác tôi chợt nhớ đến rượu "quốc lủi" quê mình, vị đậm, dễ say hơn và giá rẻ như bèo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sau khi cạn ly rượu đầu tiên, món đặc sản chỉ vùng Fukuoka mới có được bưng lên. Đó là ... thịt gà sống. Thịt gà còn tươi nguyên, chặt nhỏ ra từng miếng. Chỉ chọn phần thịt lườn, nạc và cứ thế chấm với nước chấm đặc biệt của vùng chế biến từ thảo quả hay mù tạt. Quả là lần đầu tiên tôi mới thấy có món thịt gà ăn sống như vậy. Nếm thử thì thấy hơi nhàn nhạt, không mùi vị và cũng không tanh. Nói chung là ăn cũng không có cảm giác gì đặc biệt lắm. Cho đến khi món lục phủ ngũ tạng của gà được bày lên mâm để ăn sống thì quả là tôi hãi hùng, vì cái sự liều lĩnh khám phá ẩm thực cũng chỉ có giới hạn. Thế mà anh bạn người Nhật cứ tiếp tôi lia lịa nào gan sống, mề sống, tim sống... Thế mới biết ăn uống là thói quen truyền thống của mỗi cộng đồng, khó mà thay đổi hoặc thích nghi được một sớm một chiều. Thảo nào khi sang Việt Nam, tôi dẫn một đoàn khách Nhật đi “chén” món chả cá chấm mắm tôm vắt chanh mà hầu như cả đoàn không ai đụng đũa vì sợ cái mùi... mắm tôm quá đặc trưng.

Thêm một món đặc sản nữa được bưng ra là cá Kibinago chỉ có ở trong vùng, ăn sống chấm với dấm hay một loại nước tương. Thực ra, món cá sống đã trở thành món ăn Quốc hồn Quốc tuý của dân đảo quốc này và có tên gọi chung là sushi, nhất là cá voi và cá ngừ đánh bắt còn tươi roi rói đã xẻ thịt chấm với nước tương, ăn luôn. Sản lượng đánh bắt và tiêu thụ cá voi của Nhật lớn nhất thế giới chính nhờ vậy. Người Nhật còn ăn sống cả tôm và hào ở biển nữa. Những món ăn sống bao giờ cũng đắt đỏ hơn những món ăn khác. Văn hoá ăn cá sống, tôm sống Nhật Bản cũng đã bắt đầu tràn vào Việt Nam theo những tiệm ăn Nhật Bản ở một số thành phố lớn và một số cửa hàng hải sản bình dân. Tuy nhiên xem ra cũng còn lâu mới hoà vào được cơ tầng văn hoá ẩm thực Việt một cách thật sự.

Kyushu còn có một món ăn khá đặc biệt, có tên gọi là món trứng cá Tuyết, trộn với nước xốt ớt đỏ nổi tiếng toàn Nhật Bản. Món này được người châu Âu rất thích. Ngoài ra, Kyushu còn một món nữa, bình dân nhưng cũng khá lạ. Đó là món trứng sống trộn cơm. Cơm nóng xới ra, đập ngay quả trứng vào rồi trộn đều thật nhuyễn, thế là ăn được.

Những ngày du khảo nhiều vùng ở Kyushu trong đó có Fukuoka, chúng tôi thích nhất món Tempura của Nhật. Những con tôm càng to bự được tẩm bột, chiên lên. Ngoài tôm, các món như rau cũng được tẩm bột trong món gọi là Tempura này. Nghe đâu, món này được những đầu bếp Bồ Đào Nha mang đến Nhật từ thời Edo cách đây 400 năm, dần dà trở thành món ăn phổ thông của Nhật.

Một món ăn nữa cũng rất ngon là món thịt bò nướng của vùng Kagoshima. Loại bò đen được nuôi trong điều kiện lý tưởng trong trang trại của Nhật Bản cho loại thịt thơm, không gây và mềm đã làm nên một thương hiệu lớn cho tỉnh này. Ngồi trên mũi phà băng qua bờ vịnh Sakura lộng gió, vừa ngắm cảnh núi lửa Sakurajima đang toả khói lên bầu trời xanh vừa nướng thịt bò Kagoshima để uống với rượu Shochu hâm nóng thì thật chẳng còn gì tuyệt vời hơn thế.

Các cửa hàng ăn ở Kyushu, kể cả quán ăn bình dân nhất cũng rất sạch sẽ và chuẩn hoá. Các món ăn được lượng hoá đến từng gam, giá tiền đề rõ ràng lại còn trưng bày ảnh mẫu từng món khá bắt mắt và cũng giúp cho du khách dễ chọn lựa, hợp khẩu vị và cũng đỡ mất thời gian.

Đến Nhật mới thấy công nghệ quảng bá ẩm thực thật hoàn hảo. Sản phẩm được chuẩn hoá, đa dạng. Sau khi tiếp xúc với thế giới phương Tây cách đây 150 năm, người Nhật đã làm phong phú thêm vốn văn hoá ẩm thực của mình, nhiều món đã Nhật hoá và nổi tiếng. Nhưng nhiều món vẫn giữ nguyên bản sắc dân dã địa phuơng và trường tồn mãi.

Thông tin bạn cần biết:

  • Nếu đi thăm cả vùng đảo Kyushu, du khách Việt Nam có thể bay thẳng đến thành phố thủ phủ là Fukuoka. Sau đó có thể đi thăm nhiều thành phố đậm chất Nhật Bản như Kagoshima: thăm nhiều đền cổ, núi lửa đang phun Sakurajima, vịnh biển Sakura xinh đẹp. Đi bằng xe bus, phà sẽ tận hưởng được vẻ đẹp biển xanh, đèo dốc quanh co và các công trình kiến trúc hiện đại.
  • Hệ thống ngân hàng của Nhật rất hoàn hảo, bạn có thể mang theo đô la Mỹ đến bất kỳ thành phố nào cũng được đổi với tỷ giá không chênh lệch nhiều với Tokyo.
  • Người Nhật có thói quen chính xác về mặt giờ giấc. Vì thế, các tua du lịch cũng khởi hành đúng giờ theo lịch trình. Đến chậm có thể bị hủy chuyến.
RELATED ARTICLES