Cuộc du hành kỳ thú giữa các mảnh ghép cuộc sống

22/06/2020

Triển lãm "Trong này, Ngoài kia và Những mảnh ghép" được trưng bày ở Hanoi Studio Gallery, phòng tranh quen thuộc với nhiều người yêu hội hoạ ở Hà Nội. Nhưng lần này, trước khi đẩy cửa bước vào, tôi không biết rằng ở đó có một trật tự không gian khác

"Trong này, Ngoài kia và Những mảnh ghép" là triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Ngô Hùng Cường. Đây là triển lãm cá nhân thứ ba của anh, được tổ chức cách triển lãm đầu tay tròn trịa 17 năm và cách triển lãm lần hai thời gian 12 năm. Tôi để lỡ mất lần hai, vậy nên, sau khi phải mất khá nhiều thời gian để đi một vòng trong phòng trưng bày (mà vốn chỉ cần khoảng 3 phút là đủ để đi một vòng men theo các bức tường với tốc độ của rùa), tôi thấy mình cần phải nói gì đó về những điều lượm lặt được ở đây.

Họa sĩ Ngô Hùng Cường bên poster giới thiệu triển lãm

Họa sĩ Ngô Hùng Cường bên poster giới thiệu triển lãm "Trong này, Ngoài kia và Những mảnh ghép"

Thú thật, khi nhìn bao quát từ cửa phòng trưng bày, ấn tượng của tôi là chẳng có ấn tượng gì cả. Dù toàn bộ các tác phẩm của triển lãm đều là tranh khổ lớn nhưng với thị lực của tôi, ở khoảng cách đó tôi chẳng nhận ra được chi tiết, hình khối hay màu sắc gì. Nhưng, ấn tượng của tôi ngay lập tức đảo chiều khi đứng trước bức tranh đầu tiên (được tôi lựa chọn chỉ vì không có ai đang làm phiền nó) với khoảng cách thích hợp. Trong những giây đầu tiên, cảm giác của tôi là hoa mắt, chóng mặt và dường như thình lình bị vây giữa một đám đông ồn ào nhốn nháo. Phải mất một lúc định thần, tôi mới dần nhìn rõ được những chi tiết trong bức tranh mang tên "Năm Khỉ" đó.

Một phần bức tranh

Một phần bức tranh "Năm Khỉ" của họa sĩ Ngô Hùng Cường

Bức tranh được hình thành từ 365 mảnh gỗ có kích thước khoảng chừng như quân bài tam cúc, tượng trưng cho 365 ngày trong năm. Mỗi mảnh gỗ mang hình vẽ một con khỉ với lối vẽ ký họa (đến không thể ký họa hơn), mỗi con khỉ đều có sự khác biệt về cảm xúc, hoạt động, trạng thái cơ thể tượng trưng cho những sắc thái cuộc sống đủ cả "hỉ, nộ, ái, ố" mà con người phải trải nghiệm mỗi ngày trong năm. Để thực sự biết mình đang xem gì, tôi chỉ có thể nhìn thật kỹ từng nét vẽ trên mỗi mẩu gỗ (thậm chí còn săm soi xem có thể có những mẫu gỗ được vẽ giống hệt nhau không) rồi lại nhìn tổng thể chúng sau khi được sắp xếp lại thành một bức tranh. Và cứ thế, tôi rơi vào thế giới của bầy khỉ, mất một hồi lâu mới thoát ra được.

Một phần bức tranh

Một phần bức tranh "Năm Khỉ" của họa sĩ Ngô Hùng Cường

Sau "Năm Khỉ" và sau nhiều lần dịch chuyển từ bức tranh này sang bức tranh khác, tôi chợt nhận ra cách để xem những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm lần này: đó là phải tỉ mỉ đến tỉ mẩn, như cái cách mà họa sĩ đã tạo ra chúng. Bởi vì mỗi một bức tranh ở đây không chỉ là một câu chuyện duy nhất, chúng đều được tạo thành từ rất nhiều, rất nhiều mảnh ghép khác nhau, những thứ/những câu chuyện/những sự vật/sự việc rất quen thuộc, dễ thấy, dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày được đặt bên nhau. Điều đó cũng giải nghĩa cho tên gọi "Trong này, Ngoài kia và Những mảnh ghép" và tôi cho rằng đó là cách mô tả chân thực và xác tín nhất về trật tự không gian khác lạ được định ra trong căn phòng này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

"Lớp thời gian"

Empty
Empty

Này nhé, nét vẽ đơn sơ đến ngây ngô, hồn nhiên gợi nhớ đến những hang động thời tiền sử. Những con giáp quen thuộc (khỉ, chuột, mèo...), mâm ngũ quả gợi nhớ đến nghệ thuật dân gian và niềm hân hoan đón chào năm mới. "Bữa tiệc" gợi liên tưởng đến lối sống tôn trọng bữa cơm gia đình sum vầy, đầm ấm. Phật toạ đài sen hay ông Thiện, ông Ác, bông cúc vàng... đại diện cho tín ngưỡng, thờ cúng. Những gương mặt người mang đủ sắc thái nào có khác gì cuộc sống xung quanh với những gặp gỡ thoáng qua (hay sâu đậm). Và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện khác về cuộc sống mà bạn có thể du ngoạn trong đó với đầy đủ hương vị đậm/nhạt - nóng/lạnh - ngọt/mặn, khi là khoảnh khắc đầm ấm gia đình, khi lại ngập tràn khói lửa nhân gian...

Empty
Empty
Empty

Tất cả những mảnh ghép ấy tạo nên một phòng trưng bày với các tác phẩm trong tranh có tranh, trong chuyện có chuyện nối tiếp nhau như thể đang lần một vòng tràng hạt. Chúng tồn tại ngay ở đây, trong này và ngoài kia, chính tại cuộc sống xung quanh. Chúng tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa huyền thoại và thực tại; chúng cho thấy cả sự giao thoa về văn hoá giữa Việt Nam với các nước bạn (ví như những bức tranh có yếu tố tôn giáo khiến tôi nhớ tới tranh Thangka của Ấn Độ), đồng thời truyền cảm hứng sống tốt đẹp, cảm hứng sáng tạo cho người xem.

Empty
Tác phẩm

Tác phẩm "Chung cư đất 03"

Việc sử dụng chất liệu trong những tác phẩm trưng bày cũng tô đậm hơn về "những mảnh ghép". Ngô Hùng Cường đã sử dụng rất nhiều chất liệu cho các tác phẩm trưng bày lần này: gỗ, đất sét nung, giấy dó, vải bố, vàng, bạc, sơn dầu, acrylic, da, giấy bồi... Việc làm này giống như hoạ sĩ đang tiến hành một cuộc thử nghiệm, cùng lúc đó cũng tạo ra cho người xem tranh một chuyến phiêu lưu khác lạ. Bên cạnh đó, tôi còn cảm nhận được ở Cường ước muốn về một cuộc sống cân bằng và hài hoà với thiên nhiên thông qua những chất liệu thuần thiên nhiên đã được sử dụng.

Tác phẩm

Tác phẩm "Bữa tiệc"

Một phần của tranh ghép gỗ

Một phần của tranh ghép gỗ "Những điều xung quanh tôi 02"

Hơn thế nữa, tôi tin rằng, trải nghiệm và ký ức ở mỗi người là độc nhất, không ai giống ai. Vậy nên, những câu chuyện họ "đọc" được khi xem "Trong này, Ngoài kia và Những mảnh ghép" chắc chắn cũng chẳng ai giống ai. Chỉ có tận mắt xem, chậm rãi ngửi mùi của gỗ, của giấy, của màu, của đất... và lắng nghe hồi ức bị đánh thức, nhận ra cảm hứng được khơi gợi thì mới biết cuộc du hành của chính mình đang trải qua như thế nào. Và điều cuối cùng tôi muốn nói rằng đây là một triển lãm hay để xem.

Triển lãm "Trong này, Ngoài kia và Những mảnh ghép" mở cửa đến hết ngày 8/7/2020 tại Hanoi Studio Gallery - 15 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Empty
Empty
Empty
KinCoi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES