Theo báo cáo của Sở Du lịch Bình Thuận, khác với mọi năm, thị trường khách du lịch năm nay đa phần là khách phía Nam và các tỉnh lân cận, đặc biệt là TP.HCM. Bên cạnh các đoàn khách công ty, đơn vị, khách đi nhóm nhỏ và gia đình bằng xe cá nhân vẫn chiếm ưu thế.
Dù lượng khách lẻ không nhỏ, nhưng do sự thiếu vắng của khách đoàn và thị trường miền Bắc nên lượng khách đến Nam Trung Bộ nói riêng không đạt như kỳ vọng của lữ hành.
Lượng khách du lịch đến với miền Trung trong thời gian qua giảm sút đáng kể, đặc biệt là đối với khách du lịch nội địa đi bằng đường hàng không. Nguyên nhân chính được cho là do giá vé máy bay tăng cao, khiến cho du khách khó tiếp cận hơn. Điều này đã tác động tiêu cực đến doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm. Một số doanh nghiệp thậm chí còn phải cắt giảm nhân sự, đóng cửa chi nhánh để cầm cự.
Giá vé đắt nhất là các chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, dao động trung bình lên tới 7,5-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, chiều đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang hiển thị giá vé hạng thương gia lên tới hơn 13 triệu đồng.
Trước thực trạng giá vé tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ, nhiều người lại chọn đi du lịch trước hoặc sau dịp này. Thậm chí là chọn đi du lịch nước ngoài, khi giá tour hợp lý.
Kỳ nghỉ du lịch 30/4 - 1/5 vừa qua, lượng khách tới Đà Nẵng vẫn rất đông. Theo báo cáo của Tổng Cục du lịch Quốc gia, lượng khách tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó có khoảng 72.000 lượt khách quốc tế, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2023); Công suất bình quân cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao đạt 70%; từ 3 sao trở xuống đạt 45%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3360 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhà hàng khách sạn, đặc biệt là khách sạn 4 - 5 sao tại Đà Nẵng thì tình trạng chung lại “rất vắng”.