Sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, Hà Nội đang trải qua đợt mưa lớn kéo dài, khiến nguy cơ ngập lụt trên diện rộng trở nên hiện hữu. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, từ ngày 10/9/2024, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hứng chịu lượng mưa dao động từ 80 - 250 mm, thậm chí có nơi vượt mức 300 mm. Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã phát lệnh báo động lũ khẩn cấp, đặc biệt là trên các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đà và sông Đuống.
Tại các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, nguy cơ ngập lụt đã được cảnh báo ở mức cao. Các khu vực ven sông: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và một số bãi giữa, bãi bồi vùng trũng thấp thuộc quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ cũng nằm trong danh sách nguy cơ ngập lụt. Trong khi đó, tại khu vực nội thành, nhiều tuyến phố như Vĩnh Hưng, Thái Hà, Quan Nhân và các khu vực gần sông Tô Lịch, Cầu Bây đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ngập úng cục bộ.
Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, mưa lũ còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Báo cáo sơ bộ cho thấy gần 25.000 ha lúa bị đổ, hơn 4.000 ha rau màu và 3.900 ha cây ăn quả bị ngập úng. Nhiều hộ chăn nuôi cũng thiệt hại với hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết hoặc thất lạc. Trong khi đó, các tuyến đường lớn như Đại lộ Thăng Long, Võ Chí Công, Dương Đình Nghệ cũng bị ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống người dân.
Những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ tại Bắc Bộ trong tháng 9/2024 gợi nhớ lại những ký ức đau thương về trận lũ lịch sử năm 2008 tại Hà Nội. Dù đã hơn 15 năm trôi qua, nhưng hình ảnh Hà Nội chìm trong biển nước, giao thông hỗn loạn và thiệt hại lớn về người và của vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Khi đó, Hà Nội đã trải qua một đợt mưa kỷ lục, với lượng mưa đo được lên tới gần 500 mm tại quận Hà Đông, phá vỡ mọi kỷ lục từ năm 1978.
Mưa lớn khiến cả thành phố chìm trong biển nước, với hơn 60 điểm ngập úng nặng trên khắp địa bàn. Giao thông bị tê liệt hoàn toàn, hàng ngàn phương tiện bị ngập nước và hư hỏng. Hệ thống điện bị cắt, nhiều khu vực nội và ngoại thành bị cô lập, khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, đồng thời rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai trước đây để đảm bảo an toàn cho người dân. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã được huy động tối đa, đặc biệt là tại những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất và ngập úng.
Tuy nhiên, với lượng mưa dự báo vẫn tiếp tục tăng và tình trạng nước sông dâng cao, Hà Nội đang phải đối mặt với một thử thách lớn trong việc bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản. Việc chủ động phòng tránh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó là điều hết sức cần thiết để giảm thiểu thiệt hại trong những ngày mưa lũ sắp tới. Người dân cần nâng cao cảnh giác, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng, và chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.