Một câu hỏi ngẫu hứng với 10 người đàn ông ở mọi lứa tuổi xung quanh tôi rằng: Mùa Hè, một tuần bạn uống bao nhiêu cữ bia? Và chắc chắn câu trả lời sẽ không làm bạn thất vọng: tuần 1 cữ hoặc cũng có thể 2,3,4 cữ. Vậy, sức hút của loài bia hơi có gì mà hấp dẫn đến thế?
Bia hơi không chỉ là thức uống, mà còn là nét đẹp văn hóa, hay đơn giản là niềm vui bình dị của người Việt trong những ngày hè nóng nực. Từ quán cóc vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng, len lỏi trong từng ngõ ngách là tiếng lòng của biết bao người đang mong muốn được gặp gỡ, hàn huyên và tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè, người thân. Có người nói, bia hơi như một người bạn đồng hành, lắng nghe những tâm sự, chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Trong khoảnh khắc ấy, mọi lo toan, muộn phiền đều tan biến, nhường chỗ cho sự thư thái và hạnh phúc.
Có thể nói rằng, hơn cả một đồ uống giải khát thông thường, bia hơi còn là biểu tượng cho sự gắn kết. Ví von thức uống này như sợi dây vô hình xích lại những tâm hồn, xóa nhòa đi ranh giới tuổi tác, địa vị xã hội, mang mọi người đến gần nhau hơn. Cốc bia mát lạnh, sủi bọt trắng xóa, cảm nhận vị đắng nhẹ quyện với vị ngọt thanh của mạch nha, mọi ưu phiền trong cuộc sống như tan biến hết. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng ly bia va chạm vui tai, cùng những câu chuyện dí dỏm tạo nên bầu không khí náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Ở Hà Nội, văn hóa bia hơi như đi sâu vào gốc rễ trong lòng mỗi người. Từ già trẻ, trai gái, dân văn phòng đến những người lao động hay bất kể ai, mọi ranh giới được xóa nhòa trên bàn nhậu. Người Hà Nội khi uống bia hơi là phải uống bằng chiếc cốc thuỷ tinh sần sùi, màu xanh bạc hà, bên trong thành cốc như có bọt sủi tăm. Nhìn nó bình thường thật nhưng lại không có sản phẩm nào đẹp mắt và đậm dấu ấn đặc trưng như chiếc cốc đó, đặc biệt là ở các quán bia hơi vỉa hè. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn là chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy.
Sau này, khi đã ra trường đi làm, mỗi lần về quê chơi, tôi thường được bố mẹ rủ làm vài cốc bia trong bữa ăn dịp trưa hè nắng nóng. Thực chất, tôi vốn hiểu ngầm rằng, bố tôi muốn có bạn nhậu cùng cho vui, không khí bữa ăn vì thế mà cũng rôm rả hơn hẳn. Hay đơn giản như việc bạn có chuyện vui hay buồn, đi uống bia cũng làm tâm trạng tốt hơn. Đôi lần, tôi cùng đứa bạn thân hơn 1 thập kỷ than thở ngắn dài về vài câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Chúng tôi lại ghé quán bia gần nhà gọi vài món lai rai kèm cả những cốc bia hơi mát lạnh bọt sủi trắng xóa. Ấy vậy mà tâm trạng sau đó tốt hơn thật!
Người ta thường nói "rượu bia vào thì lời ra". Theo quan sát và cả trải nghiệm của bản thân, tôi thấy câu nói này quả thực đúng. Khi uống vài cốc bia, nhiều người có xu hướng cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn và bộc lộ cảm xúc một cách dễ dàng hơn. Những rào cản tâm lý và sự e ngại thường ngày dường như biến mất, khiến mọi người cảm thấy tự do trong việc thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Một chầu bia hơi đơn giản ở quán vỉa hè chỉ cần vài ba chiếc ghế nhựa, những cốc vại sần sùi, bom bia hơi Hà Nội vỏ xám, cùng với đó là vài món “đặc trưng” không thể thiếu như: lạc, nem chua, đậu lướt ván… cũng tạo sự mê mẩn, thu hút với bất kỳ ai. Văn hóa bia hơi vỉa hè của người Hà Nội có lẽ cũng khởi nguồn từ đấy. Tìm đến cốc bia hơi mát lạnh, bên cạnh hương vị đặc trưng vốn có thì còn gợi lên sự tò mò, cảm giác phóng khoáng, tự do khi nhấp từng ngụm. Tiếng ồn ào rôm rả trò chuyện, tiếng cốc va vào nhau, tiếng nhân viên gọi mời khách… tất cả là nét đặc trưng của Thủ đô đều khiến ai nấy lưu luyến chẳng muốn rời.
Dường như, vị men nồng nàn, hương thơm dịu nhẹ, màu sắc vàng ươm cùng bọt bia trắng mịn đã đẩy bia hơi thành "quốc hồn quốc túy", "mỹ vị nhân gian" đối với bao thế hệ Hà Nội. Uống trọn cốc bia, nét văn hóa như thấm đẫm vào tâm trí. Hà Nội có thể có phở hay bún chả làm thương hiệu đặc trưng nhưng với bia hơi luôn là hình ảnh không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.