Hoang sơ một thoáng Cù Lao Chàm

12/06/2019

Tôi đã có những giây phút thật bình yên khi lần đầu tiên ngồi ngắm biển lúc 11 giờ đêm. Cảm giác tĩnh lặng hoàn toàn giữa một bãi biển nằm khuất sau những hàng cây cao, chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào bờ đá, tiếng côn trùng kêu râm ran đây đó và ánh đèn leo lét từ những chiếc thuyền đi câu mực. Nghe có vẻ điên rồ và mạo hiểm, nhưng trái lại đó là những khoảng lặng thanh bình đến lạ.

Cù Lao Chàm có lẽ là cái tên không còn quá mới mẻ trên bản đồ du lịch miền Trung Việt Nam. Tôi cũng nghe nói đến nơi này từ nhiều năm trước, nhưng lần nào đến Hội An và dự định ra đảo Cù Lao Chàm cũng đều không thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau.

Và rồi giờ đây tôi cũng đã có mặt tại Cù Lao Chàm. Ai cũng nói với tôi là hãy đi về trong ngày vì trên đảo còn thiếu thốn nhiều thứ lắm, không có gì để tham quan ngoài các bãi biển. Khách sạn cũng chỉ là những nhà nghỉ bình dân tự phát và dịch vụ còn kém. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định ở lại một đêm trên đảo và có lẽ nhờ thế, tôi có thể nhìn thấy trọn vẹn hơn vẻ đẹp của con người và thiên nhiên nơi đây.

Empty

Biển ở Cù Lao Chàm không phải thuộc hàng xuất sắc, dù bãi biển trong xanh với bờ cát trắng mịn, bởi tôi biết trên thế giới còn nhiều bãi biển đẹp hơn. Lặn biển ở Cù Lao Chàm cũng không quá ấn tượng vì không có nhiều cá và các sinh vật biển. Rặng san hô tuy rộng lớn, đa dạng về hình dáng nhưng lại có phần đơn sắc. Nét duyên của Cù Lao Chàm chính là ở sự hoang sơ bình dị của các bãi biển, sự chân chất nhiệt tình của người dân xứ đảo khi loay hoay làm du lịch để bám trụ quê hương.

CÁC BÃI BIỂN TRÊN CÙ LAO CHÀM

Cù Lao Chàm có khoảng 3.000 người dân sinh sống với tổng cộng 7 bãi biển, chủ yếu nằm ở bờ tây, quay về hướng Hội An. Con đường chính nối liền các bãi biển được xây dựng rất tươm tất, vòng vèo lên dốc xuống đồi, tuy vậy vẫn chưa nối liền một vòng quanh đảo, còn một số đoạn đường đang được cải tạo và nâng cấp.

Nếu đi từ bắc xuống nam thì các bãi biển theo thứ tự là Bãi Bắc, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Chồng, Bãi Bìm và Bãi Hương. Trong số đó, Bãi Ông, Bãi Xếp và Bãi Chồng là 3 bãi biển đẹp nhất với bờ cát trắng thoai thoải, mặt biển êm đềm không một gợn sóng, nước trong xanh nhìn thấy đáy, thích hợp để bơi lội và vui chơi trên biển. Bãi Làng và Bãi Hương lại là nơi ra vào tấp nập của các ghe tàu đánh bắt hải sản.

Empty
  • BÃI ÔNG

Bãi Ông có lẽ là bãi biển nổi tiếng và đông đúc nhất trên Cù Lao Chàm, không chỉ do vẻ đẹp của hàng dừa xanh mát bên bờ biển trắng mịn, mà còn do vị trí thuận lợi, bờ biển rộng, phù hợp để tàu thuyền neo đậu. Dãy hàng quán dọc bãi biển với trang thiết bị đơn sơ, phục vụ ăn uống và vui chơi cho du khách đi về trong ngày. Nếu muốn ở lại qua đêm tại đây, bạn có thể chọn các nhà nghỉ sâu một chút bên trong làng, hoặc dựng lều cắm trại trên bãi biển.

Empty

Tắm biển ở Bãi Ông rất thích vì mặt biển rất êm, như bơi lội trong một cái hồ thiên nhiên rộng lớn. Nước biển về chiều khá lạnh dù thời tiết mùa hè vẫn rất oi bức. Khung cảnh có phần ma mị hơn lúc chạng vạng tối khi biển và trời dường như hòa làm một.

  • BÃI XẾP

Tôi đặc biệt yêu thích Bãi Xếp vì vẻ đẹp hoang sơ bình dị của nó. Là một bãi biển nhỏ nằm khuất sau rặng cây cao, lối đi duy nhất là những bậc cầu thang nằm len lỏi giữa những tán cây, Bãi Xếp thực sự hoang vắng và êm đềm với màu xanh cây cỏ hòa cùng màu xanh của biển.

Empty

Ngồi trên bờ cát mịn, ngắm nhìn những gợn sóng li ti ùa vào bãi đá bên bờ biển tạo nên những âm thanh sống động duy nhất cho không gian tĩnh mịch nơi đây. Xa xa là những chiếc thuyền đánh cá với những lá cờ Việt Nam nhỏ xíu, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

  • BÃI LÀNG

Trái ngược với vẻ hoang vắng của Bãi Xếp, Bãi Làng là nơi nhộn nhịp nhất trên Cù Lao Chàm, là sức sống của hòn đảo này khi tập trung nhiều dân cư nhất vì có cầu cảng và chợ Tân Hiệp. Các khách sạn, nhà nghỉ, cũng như nhà hàng và quán ăn hải sản dường như đều tập trung ở đây.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty
Empty

Bãi Làng nhộp nhịp từ sáng sớm khi các tàu đánh cá cập bến với những mẻ lưới đầy tôm cá mực tươi rói. Tấp nập người mua, người bán, tiếng mái chèo, tiếng trả giá khuấy động bến tàu.

ÂU THUYỀN

Âu Thuyền là một eo biển nhỏ được người dân Cù Lao Chàm xây dựng để làm nơi tránh bão cho tàu thuyền khắp nơi. Nằm giữa Bãi Làng và Bãi Ông, sáng sớm, nơi đây tấp nập ngư dân chuẩn bị cho một chuyến ra khơi với niềm hy vọng đong đầy tôm cá. Đi dạo dọc Âu Thuyền, nhìn ngắm những chiếc thuyền nhiều màu sắc soi bóng trên mặt biển tĩnh lặng, ngỡ như cuộc sống của ngư dân trên đảo rất thanh bình và yên ấm. Thực tế không hẳn vậy. Mỗi năm, Cù Lao Chàm đều hứng chịu nhiều cơn bão lớn, nhiều chiếc tàu đã ra khơi và không bao giờ quay trở lại.

Empty

Khi đoàn thuyền rời bến, Âu Thuyền trở lại cái vẻ mộc mạc, yên bình vốn có. Để rồi khi ráng chiều lên, nơi đây lại là tâm điểm của giới trẻ, tụ tập ăn uống nhìn ngắm biển đêm.

LẶN BIỂN Ở CÙ LAO CHÀM

Các tour lặn biển ở Cù Lao Chàm đều xuất phát từ biển Cửa Đại của Hội An, phổ biến nhất là đi về trong ngày. Vì lặn biển không phải là hoạt động được ưa chuộng của du khách Việt Nam khi đến Hội An, nên chỉ có vài công ty tổ chức hoạt động này, chủ yếu dành cho người nước ngoài. Tuy vậy, dịch vụ của các công ty khá chu đáo và chuyên nghiệp với những hướng dẫn viên (Việt Nam lẫn nước ngoài) nhiều năm kinh nghiệm, thiết bị tốt, quy trình an toàn lặn được đảm bảo nghiêm ngặt và dùng tàu lớn để di chuyển giữa các điểm lặn.

Empty

Có tất cả 10 địa điểm lặn ở Cù Lao Chàm, nổi tiếng với những rặng san hô rộng lớn ở độ sâu trên dưới 10m. Sinh vật biển tương đối ít, không có cá lớn, cá lạ mà chỉ có những đàn cá nhỏ thường thấy ở những vùng biển khác. Nước biển khá lạnh, tầm 25-26oC trong khi thời tiết trên mặt biển rất nắng và nóng. Hôm tôi đi, do mấy ngày trước có mưa lớn và biển động nên tầm nhìn không được tốt lắm. Luồng nước dưới biển tương đối mạnh và đổi chiều liên tục, chính vì thế bạn phải bám sát người hướng dẫn để di chuyển né tránh các luồng nước.

CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN ĐẢO

Với một ngày trên Cù Lao Chàm, tôi chỉ phần nào hiểu được cuộc sống của người dân đảo qua những cuộc nói chuyện ngắn ngủi với một vài người tôi gặp trên đường. Có người cả mấy đời làm ngư dân, từ thuyền bé đến thuyền lớn, có những lần trắng tay, cũng có những lần trúng lớn. Có người bỏ vào Sài Gòn làm việc mười mấy năm, nay quay lại quê hương để được chăm sóc ba mẹ già và mong ước mở quán cà phê phục vụ du khách.

Empty

Ông bà chủ nhà trọ tôi ở dễ thương nhiệt tình, quan tâm đến khách hàng như người nhà. Họ vui vẻ chia sẻ rằng cuộc sống khá hơn khi du lịch Cù Lao Chàm được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, cũng có nỗi lo khi ngày càng nhiều những nhà trọ, và cả resort dần mọc lên khắp nơi trên đảo, việc cạnh tranh sẽ trở nên khó khăn hơn. Anh chị chủ quán ăn đêm hôm đó cũng vừa mở một nhà nghỉ nhỏ, khách chủ yếu là do người quen giới thiệu, không hề biết đến các dịch vụ đặt phòng trên mạng. Họ cũng từng bôn ba khắp nơi, nhưng hơn chục năm nay đã sống bình an tại Cù Lao Chàm.

Empty

Những con người chân chất, nhiệt tình và nồng hậu chính là nét đẹp của Cù Lao Chàm, là điều để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất về nơi này. Họ đã và đang làm du lịch theo kiểu tự phát, nhưng nhận thức rõ về việc bảo vệ môi trường. Khẩu hiệu “nói không với túi nilon” được ghi rõ to ở bến tàu Cửa Đại, tuy nhiên việc chấp hành trên đảo vẫn còn là một quá trình dài. Với đà phát triển như hiện nay, Cù Lao Chàm sẽ trở nên hiện đại hơn, sẽ có nhiều loại hình dịch vụ hơn. Chỉ mong nét chân chất của con người vẫn vẹn nguyên như thế. Chỉ mong sự bình dị và hoang sơ của các bãi biển sẽ được bảo tồn như nó vốn có.

ĐI CÙ LAO CHÀM NHƯ THẾ NÀO?

- Để đi đến Cù Lao Chàm, bạn phải ra bến tàu tại biển Cửa Đại, cách trung tâm Hội An vài km. Có 3 phương tiện ra Cù Lao Chàm:

  • Cano thuê riêng: nếu đi đông người thì có thể thuê riêng 1 chiếc cano, chạy theo lịch trình của bạn.
  • Tàu cao tốc (khoảng 20 phút): mỗi ngày có hai chuyến đi và về từ biển Cửa Đại. Giá vé 1 chiều là 100-150 nghìn/người. Thời gian đi từ biển Cửa Đại: 8:30 và 14:00. Thời gian đi từ Cù Lao Chàm: 7:15 và 13:15.
  • Tàu gỗ (90 phút): giá vé là 50 nghìn/người (dành cho người Việt Nam, với người nước ngoài giá vé đắt hơn), xuất phát từ bến Bạch Đằng, mỗi ngày 1 chuyến, đi lúc 8:15, về lúc 11:15. Tàu gỗ có thể chở xe máy với giá 30 nghìn/xe.

- Ngoài ra, nếu bạn book tour đi lặn biển thì sẽ đến Cù Lao Chàm lúc ăn trưa, ngủ lại một đêm, hôm sau mua vé tàu cao tốc về lại Cửa Đại.

ĂN GÌ?

Đến miền biển, đương nhiên phải ăn các loại hải sản. Đặc sản của Cù Lao Chàm là Cua Đá, Ốc Vú Nàng và các loại mực. Cua Đá là loại cua sống ở các vách đá và ăn cây cỏ, được chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không được đánh bắt bừa bãi để bảo vệ sự sinh sản tự nhiên của chúng. Ốc Vú Nàng khá thơm ngon và thịt rất dai, trong khi mực thì rất tươi và ngọt. Nhum biển cũng rất phổ biến tại vùng biển này.

Ở ĐÂU?

Khách sạn trên Cù Lao Chàm chỉ là những khách sạn tư nhân, dạng homestay. Các nhà nghỉ và khách sạn tập trung nhiều ở Bãi Làng, Bãi Ông và Bãi Hương. Bạn có thể tìm thấy các khách sạn này trên trang web đặt phòng trên mạng với giá dao động từ 200-500 nghìn. Tuy nhiên, có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ không đăng kí trên mạng, giá rẻ hơn và phòng ốc cũng rất tươm tất. Bạn chỉ cần nói nhu cầu của mình cho các quán ăn trên bãi biển, họ sẽ nhiệt tình giới thiệu với bạn. Nếu muốn sống gần với thiên nhiên, bạn có thể cắm trại tại Bãi Ông, rất an toàn và mát mẻ.

TOUR LẶN BIỂN

Nếu bạn đã có bằng lặn biển (Open Water trở lên) thì chi phí cho mội buổi đi lặn là 2 triệu đồng bao gồm 2 lần lặn (với tất cả vật dụng cần thiết), xe đưa đón 2 chiều tại khách sạn ở Hội An, và 1 bữa trưa trên đảo Cù Lao Chàm. Giá sẽ đắt hơn một chút đối với người chưa có bằng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia snorkeling (lặn ống thở) với giá 1 triệu đồng/ngày đi vòng quanh các đảo.

Hà Nguyễn
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES