Hòn Đá Lẻ - một phần Tổ quốc bị lãng quên

28/06/2019

Tôi là một người rất đam mê khám phá và đã có 18 năm để chu du những vùng đất trên khắp lãnh thổ Việt Nam, vậy mà vẫn còn một nơi tôi luôn khát khao ghé thăm và cũng đã có không biết bao nhiêu lần phải vỡ òa kế hoạch. Nơi ấy là Hòn Đá Lẻ.

Vị trí địa lý đặc biệt

Nếu không tính đến quần đảo Trường Sa thì Hòn Đá Lẻ - điểm A2 thuộc đường cơ sở định vị lãnh hải Việt Nam - chính là vùng lãnh thổ cuối cùng của Việt Nam về phía Nam. Nhiều năm trước, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về điểm A2 này nhưng thông tin thì cực kỳ mơ hồ, gần như là con số 0. Những thông tin trên Internet cùng lắm chỉ là cái tên Hòn Đá Lẻ, tọa độ địa lý, đôi khi còn có thông tin ghi nhầm điểm A2 với cái tên Hòn Đá Bạc và cũng không có bất cứ hình ảnh gì ở nơi đây. Tôi cùng một người bạn thân là Trần Đặng Đăng Khoa cũng từng lên kế hoạch để đi đến Hòn Đá Lẻ này, nhưng phần thì hành trình khó khăn, phần thì công việc chưa thuận lợi nên kế hoạch của chúng tôi cứ thế mà trì hoãn. Nhưng rút cục, sự may mắn cũng không từ chối tôi, mới đây tôi đã thực hiện được dự định bấy lâu của mình.

Empty

Dọc theo đường bờ biển có tổng cộng 11 điểm hình thành nên đường cơ sở lãnh hải Việt Nam, phía bên trong đường cơ sở được gọi là vùng nội thủy, từ đường cơ sở tính ra ngoài 200 hải lý sẽ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ Sài Gòn, tôi có đã có một hành trình dài để thực hiện chuyến công tác đến Hòn Khoai, và ngay lập tức tôi nghĩ đến việc lập kế hoạch để đặt chân đến Hòn Đá Lẻ. Gần như chỉ có con đường duy nhất để bạn đến Hòn Đá Lẻ: đầu tiên là đi qua Hòn Khoai, sau đó, bạn sẽ đi cùng lực lượng biên phòng để đến được điểm A2.

Bắt đầu từ Hòn Khoai

Hòn Khoai là khu vực quân sự nên người dân thường sẽ không được đến đây. Trên đảo có lực lượng hải quân, không quân, biên phòng, radar, kiểm lâm đóng giữ với nhiệm vụ trông coi và bảo vệ hòn đảo này. Hằng năm, những cơn gió hay dòng nước biển bị thay đổi theo mùa đã cuốn rác thải vào Hòn Khoai. Vì thế, trong hành trình lần này, chúng tôi phối hợp cùng với một số lực lượng địa phương để thực hiện chiến dịch dọn rác làm sạch bờ biển.

Empty
Empty

Chính vì là đảo quân sự nên hệ sinh thái ở Hòn Khoai khá đặc biệt. Tôi vẫn nhớ cảm giác rất tuyệt vời khi lang thang giữa những rừng cây bạt ngàn xanh ngắt hòa cùng những bãi biển nho nhỏ đan xen nhau. Tôi thích nhất là khoảnh khắc đứng trên đỉnh hải đăng Hòn Khoai nhìn bốn phương biển trời lộng gió. Hải đăng Hòn Khoai, một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam với 120 năm tuổi, chỉ nhỏ hơn hải đăng lâu đời nhất là Kê Gà 2 tuổi mà thôi. Nhìn về phía nam, Hòn Đá Lẻ nhỏ bé mà hiện rõ giữa đại dương xanh thẫm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ khám phá điểm A2 đường cơ sở lãnh hải vào sáng sớm. Đêm hôm ấy, khí trời mát mẻ cùng với không gian yên tĩnh nhưng tôi không thể nào ngủ được vì thao thức chờ đợi khoảnh khắc bình minh thức giấc để có thể sớm đặt bước chân đầu tiên đến Hòn Đá Lẻ. Khi mặt trời dần hé lộ, các thành viên trong đoàn ai cũng vội ăn sáng rồi háo hức lên tàu. Cuộc hành trình bắt đầu từ 8 giờ sáng, chỉ sau hơn 40 phút, chúng tôi đã cập bến.

Empty

Dọc đường đi, tôi thấy có rất nhiều hàng cọc trải dài trên biển. Qua trao đổi với lực lượng biên phòng, tôi biết được đây là bãi đóng đáy của người dân Cà Mau. Họ rất thông minh, tận dụng hướng dòng chảy của nước để giăng lưới cho cá tự trôi vào. Trên những cây cọc khẳng khiu là những ngôi nhà nhỏ tạm bợ để ngư dân canh lưới. Việc đi lại của ngư dân cũng hết sức khó khăn. Họ di chuyển qua lại bằng các sợi dây mỏng, trông xa xa cứ như những diễn viên xiếc biểu diễn giữa biển khơi xanh thẳm – đầy ấn tượng. Hằng ngày, những ngư dân này phải đối mặt với cái nắng gay gắt để thực hiện công việc mưu sinh gian nan của mình, chỉ cần sơ suất nhỏ khi mệt mỏi cũng có thể xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Vượt qua khỏi bãi đóng đáy thì Hòn Đá Lẻ cũng hiện dần trước mắt. Hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng tôi nhìn thấy khi quan sát từ hải đăng Hòn Khoai - Hòn Đá Lẻ thật sự lớn hơn rất nhiều. Mặc dù thời tiết đẹp nhưng nước ngầm chảy rất mạnh, vì thế việc cập tàu vào đảo hết sức khó khăn. Thuyền trưởng quyết định neo tàu cách bờ gần 200m và dùng thuyền thúng để vào đảo.

Hòn Đá Lẻ hoang sơ và đáng mến

Ngay khi vừa đặt chân lên đảo, tôi chạy lên điểm cao nhất để ngắm toàn Hòn Đá Lẻ và hét vang trong sự phấn khích tột cùng bởi tôi đã may mắn được đặt chân đến vùng lãnh thổ cực kỳ đặt biệt của Tổ quốc. Cảm giác khi ước mơ ấp ủ bấy lâu đã thành hiện thực thật sự rất tuyệt vời.

Empty

Tôi bắt đầu dạo một vòng trên đảo để khám phá. Đảo có chiều dài khoảng 125m, chiều rộng nhất 34m và điểm cao nhất khoảng 7m so với mực nước biển, là nơi cư trú của nhiều loài chim biển như hải âu, nhạn, mòng biển. Đi xuôi về phía bắc đảo, tôi gặp một hồ cá tự nhiên tuyệt đẹp. Đây vốn dĩ là một hốc trũng lớn, khi thủy triều rút xuống thì nhiều loài cá, cua bị kẹt lại, tung tăng bơi lội rất đẹp mắt. Hàu ốc, tai nghén thì nhiều vô số kể, đến hàng vạn con cùng sinh tồn ở đây. Cua đá là loài sống nhiều nhất trên đảo. Chúng bò ra ngoài phơi nắng trên các tảng đá và lại thậm thụt ra vào khi có tiếng động, trông rất đáng yêu.

Empty

Từ Hòn Đá Lẻ, bạn sẽ quan sát được cả bốn hòn còn lại của quần đảo Hòn Khoai là Hòn Đồi Mồi (Hòn Rùa), Hòn Sao, Hòn Tương (Hòn Thỏ) cùng với trạm radar và hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai. Tuy là đảo hoang không có người ở nhưng chỉ cần bạn lên đảo là ngay lập tức bạn đã lọt vào tầm quan sát của các lực lượng biên phòng, hải quân. Bất cứ ai lên đảo cũng sẽ đều được nhìn thấy rõ từ trạm radar 595 (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5) trên đỉnh Hòn Khoai.

Empty

Khi trời về trưa, chúng tôi phải rời đảo để kịp về đất liền. Tàu đã nổ máy rời xa nhưng tôi vẫn cố ngoái lại nhìn và cảm thấy một chút bâng khuâng nuối tiếc. Chuyến đi tuyệt vời khép lại và niềm đam mê khám phá của tôi bỗng mãnh liệt thêm chút nữa. Những chuyến đi không chỉ để ngắm nhìn phong cảnh mà còn để tôi thêm hiểu, thêm yêu đất nước mình. Vẫn còn đó rất nhiều những mảnh ghép của quê hương mà tôi còn phải tìm kiếm để lấp đầy cho bức tranh của mình: Tôi yêu Việt Nam!

THÔNG TIN THÊM

- Hành trình: Bạn có thể liên hệ thuê tàu ở cảng Năm Căn (Cà Mau) với chi phí dao động tùy tàu lớn hay nhỏ. Bạn nên thoả thuận trước với chủ tàu là việc tham quan các hòn còn lại của quần đảo Hòn Khoai khi từ Hòn Đá Lẻ trở về, nếu không thống nhất trước sẽ phát sinh chi phí.

- Lưu trú: nên ngủ tại Năm Căn vào đêm trước, sáng hôm sau thuê tàu ra đảo. Các nhà trọ ở Năm Căn có chi phí dao động khoảng 200.000 – 400.000 đồng/đêm.

- Lưu ý:

  • Trước khi tham quan phải tới đồn biên phòng Hòn Khoai xin phép vì đây là khu vực giáp ranh vùng biển quốc tế.
  • Trên Hòn Đá Lẻ hoàn toàn không có dịch vụ gì nên bạn phải chuẩn bị sẵn đồ ăn nước uống.
Ngô Trần Hải An
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES