Ký ức tuổi thơ qua chiếc quạt mo cau

07/06/2024

Hôm nay trên đường từ cơ quan ra chỗ đậu xe, tình cờ nhìn thấy cái mo cau này, chắc là mo cau cảnh người ta trồng. Trời mùa Hè giông gió cộng với bẹ cau già khô nên mo cau rụng xuống. Đây là cau cảnh nên mo cau mới to thế này chứ mo cau thường, loại cau ta trồng để lấy trái, bẹ cau bé nên mo cau chỉ bằng nửa thế này là cùng.

Chắc là theo xu thế, dạo này cau cảnh được các cơ quan công sở lẫn khu nghỉ dưỡng trồng nhiều. Chắc do thân cây thẳng, không có cành nhánh um tùm lòa xòa phải cắt tỉa, lá đẹp mà không có mùa thay lá, rụng bẩn mất công dọn dẹp quét tước như các loại cây khác. Nhưng cau cảnh là loài không có tán cây, rễ cau là loại rễ chùm, to dài mọng hút dưỡng chất nhiều nên những khu đất trồng cau thường bạc màu, ít có loại cây nào sống gần được.

Chiếc quạt mo cau gợi đến những câu chuyện tuổi thơ của thể hệ 6x,7x

Chiếc quạt mo cau gợi đến những câu chuyện tuổi thơ của thể hệ 6x,7x

Cau cảnh chỉ cho hoa, thường màu trắng và không đậu quả. Cau ta thì thân bé hơn mà chắc, vươn dài thẳng tắp, hoa cau ta khi nở đưa hương thơm ngát, quả cau thì chắc ai cũng biết, dùng để ăn với lá trầu quệt vôi trắng trong những dịp cưới hỏi hay đám xá (giỗ chạp, xây nhà dựng cửa…). Giờ tục ăn cau trầu quệt vôi đang mất dần, thấy rất ít nơi còn duy trì nữa. Thời tôi còn bé, các bà các mẹ, “những cô hàng xén răng đen”, màu đen nhưng nhức như hạt na là do ăn cau trầu mà thành. Nước cốt trầu rịn ra từ khóe miệng lan theo những vết chân chim trông rất đặc sắc. Vì ăn cau trầu nên ngày xưa dù các bà các mẹ không dùng kem đánh răng nhưng răng rất chắc và bền.

Bài liên quan

Khi chiếc mo cau rụng xuống, tôi nhớ bà tôi nhặt vào, lau sạch và cột vào chiếc cột nhà hình tròn to nhất trong nhà cho nó theo nếp, hết quăn queo và đủ khô, đủ giữ dáng thì bà đem ra làm quạt. Phần cuống bẹ dính với thân cau là nơi dày nhất cứng nhất, giống như sống quạt, nơi cầm tay để tạo gió. Hai bên sống mỏng và mềm thì được gấp vào, dùi mấy cái lỗ lấy lạt tre ghim vào cho gọn, chắc và đúng hình cái quạt: dưới thon trên xòe. Nơi xòe to nhất hơi khum khum để tạo gió. Chiếc quạt mo trong bài vè nổi tiếng “Thằng Bờm có cái quạt mo” chính là chiếc quạt được làm từ mo cau này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Chiếc quạt mo trong bài vè nổi tiếng “Thằng Bờm có cái quạt mo” chính là chiếc quạt được làm từ mo cau này

Chiếc quạt mo trong bài vè nổi tiếng “Thằng Bờm có cái quạt mo” chính là chiếc quạt được làm từ mo cau này

Một chiếc mo cau rụng xuống

Một chiếc mo cau rụng xuống

Những đêm hè nóng nực năm xưa, hình ảnh chiếc quạt mo phe phẩy suốt đêm để tạo mát cùng đuổi muỗi chắc đã in sâu trong ký ức của bao nhiêu người thế hệ 6x, 7x như tôi vốn “sinh ra từ làng”. Hồi đó màn mùng thiếu thốn, tiếng quạt mo đập muỗi phành phạch vang lên trong đêm khuya là một phần ký ức nghèo khó, đơn sơ mà thân thương giản dị gợi nhớ đến nhường nào.

Ngoài việc chính yếu là quạt mát, chiếc quạt mo còn vô số công dụng không kém gì chiếc vỏ chai thủy tinh CocaCola từ trên Trời rơi xuống một ngôi làng trong bộ phim kinh điển “Đến Thượng đến cũng phải cười”. Quạt mo dùng để đậy nước uống đậy thức ăn phòng hờ ruồi muỗi hay bụi bặm. Quạt mo trở thành nông cụ ngày mùa khi phơi thóc xong cần xúc vào thúng để đổ thóc vào bồ. Quạt giống như cái chặn giấy trên bàn làm việc của ông giáo vùng quê (là bố tôi) khi đang chấm bài mà phải bỏ dở đi đâu đó, phòng hờ tập bài kiểm tra của lũ học trò bị gió thổi bay lung tung. Thậm chí quạt còn là dụng cụ thể dục, tôi nhớ hè về, hai anh em tôi được bà chị cả kiếm đâu cho hai quả cầu chinh, chưa biết đá thì dùng quạt mo, cứ hất nó bay lên rồi hứng nó xuống lại hất nó bay lên, sáng ra làm vài chục vòng quanh khoảng sân trước nhà cũng đủ đẫm mồ hôi mà thở phì phò.

Những cây cau thẳng tắp

Những cây cau thẳng tắp

Chiếc mo cau phơi chưa đủ khô đã đem đi làm quạt thì với thời tiết nóng ẩm đặc trưng của miền Bắc, nó dễ mốc xanh mà phơi khô quá thì quạt lại giòn, dễ nứt gãy. Nhưng tôi chưa thấy loại quạt tay nào vừa mềm, vừa dai vừa đủ vững đủ kín để tạo gió như chiếc quạt mo mang đầy kỷ niệm ngày xưa. Trên thân quạt, vốn là mặt trong của chiếc mo cau đôi khi là những câu chuyện thú vị thật vô tiền khoáng hậu. Có người cầm bút bi viết lên đó đủ thứ hay ho, có người lại vẽ lên đó đủ hình hoa lá chim muông sông núi. Tôi nhớ chiếc quạt mo của bố tôi có ông cán bộ xã nào đó hình như sau khi thảo Công văn tiện tay cùng một mạch tư duy viết lên cả dòng chữ: Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… xong dưới còn đề “TM Chủ tịch UBND xã…” làm chị em tôi khi cầm quạt đọc hỏi nhau “TM” là gì mà đoán già đoán non mãi không luận ra là viết tắt của cụm từ gì.

Cái hay của chiếc quạt mo là khi viết vẽ lên đó xong, thấy cũ thấy chán thì có thể bóc đi lớp cũ để “sáng tác” tiếp những cái mới. Nó không đơn điệu như quạt nan bán trên phố huyện chỉ mãi một hình hoa đào hay hoa cúc, mầu xanh lá hay màu vàng từ lúc mua đến lúc hỏng. Mà quạt nan lại hay bị gãy nan, dùng vài bữa thì xộc xệch, điều quan trọng nhất là nó ít công dụng hơn hẳn quạt mo, mà công dụng chính yếu nhất là tạo gió thì lại yếu và kém hơn nhiều, vì quạt nan mỏng mà hở khắp nơi.

Ngoài làm chiếc quạt mo, mo cau còn vô số công dụng không kém chế tạo những vật dụng hàng ngày như bát, đĩa...

Ngoài làm chiếc quạt mo, mo cau còn vô số công dụng không kém chế tạo những vật dụng hàng ngày như bát, đĩa...

Chỉ vì nhìn thấy một chiếc mo cau rơi bên đường mà bao kỷ niệm của một thời thơ ấu, tưởng chừng như đã xa xưa như cổ tích, chợt ùa về. Giờ thế hệ GenX, GenY hay GenZ chắc chả bao giờ nhìn thấy hay hình dung ra cái quạt mo cau nó hình dáng chất liệu thế nào. Nhưng in đậm trong trí não của những người con xa quê hương lâu năm, chỉ cần lướt qua đâu đó mà nhìn thấy những hàng cau vươn cao thẳng tắp tàu lá lòa xòa buồng cau lúc lỉu là trong lòng lại dội lên nỗi nhớ quê xa da diết, cồn cào…

Lê Hồng Lam - Ảnh: Sưu tầm
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES