Leicha, quà cho người lạc bước

20/03/2015

Khi xưa, làng Neiwan từng là trạm dừng chân của những người lính mệt mỏi và lữ khách lạc đường. Để giúp họ nghỉ ngơi, khôi phục lại năng lượng, người Hakka đã tạo ra loại trà bổ dưỡng như một vị thuốc tăng lực dinh dưỡng. Và có lẽ, tôi cũng đã hình dung được phần nào tâm tình của những người lính lạc đường năm xưa, khi được người dân địa phương trao bát trà Leicha ngọt ngào trong lúc thấm mệt sau chặng đường khám phá.

Bài: Phan Các Trúc

Photos: Round Taiwan Round

Mưa đập lộp bộp trên khung cửa kính, xuyên qua màn mưa là trùng trùng điệp điệp núi non và cung đường lầy lội ngoằn ngoèo. Tôi đã rời khỏi trung tâm thành phố Đài Trung để đến đây trong gần hai giờ trong bối cảnh như thế. Chỉ ít phút nữa, tôi sẽ đến phổ cổ của người bản địa tại Đài Loan, còn được gọi là người Hakka. Đây là điểm đến tôi mong chờ nhất trong hành trình khám phá Đài Loan lần này. 

 

 

Phố cổ Neiwan của người Hakka không quá nổi bật với những du khách đến Đài Loan, nhưng với những ai yêu thích văn hóa cổ truyền của xứ Đài, thì đây là một địa danh nổi tiếng không thể không đến. Bởi thế, mỗi cuối tuần nơi đây tràn ngập những đoàn sinh viên đến tham quan, những đoàn khách địa phương và nước ngoài đến tham quan, cho dù ngôi làng nằm ẩn khá sâu trong những dãy núi. Có thể nói, đây là một trong ít ỏi những nơi duy trì và bảo tồn một cách trọn vẹn nét văn hóa truyền thống của người Đài Loan bản địa.

 

 

Để đến Neiwan, du khách có thể bắt thẳng chuyến tàu lửa ở trạm The Neiwan Small Train. Được xây dựng vào năm 1950, ban đầu là để vận chuyển gỗ và than đá, về sau nơi đây dần dần thành điểm đến của các đoàn làm phim bởi nét đẹp cổ kính và giản dị. Ngồi trên băng ghế gỗ của chiếc tàu, tôi có cảm giác như đang du hành ngược thời gian, khi đó, người người nhà nhà hớn hở đi đến khắp nơi trên những con tàu kêu tu tu và xình xịch hơi nước.

 

 

Trạm xe lửa Neiwan và con đường cổ như đưa tôi vào những chuyến du hành ngược thời gian,

khi đó, người người nhà nhà hớn hở đi đến khắp nơi trên những con tàu kêu tu tu và xình xịch hơi nước.

 

Thử món trà xưa dành cho người lữ khách

Phố cổ Neiwan tấp nập với những gian hàng thức ăn truyền thống ngay trước cửa nhà bất chấp thời tiết. Từ các gian hàng đặc sản khô, sấy cho đến các quầy thức ăn tươi nằm san sát nhau tạo thành một con đường ẩm thực dài thú vị. Khó ai có thể cưỡng lại sức hút của bánh gạo nếp lily gừng, bánh bao thảo dược, hay cá viên Hakka… Nếu do dự trước khi mua, du khách có thể thoải mái thử các mẫu món ăn trong tiếng gọi chào hàng mộc mạc của người dân nơi đây. Họ dường như vẫn còn giữ lại thói quen của người nông dân khi đón đãi du khách như những người bạn từ phương xa đến, chứ không phải là các khách hàng đến tham quan và mua sắm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Ở đây cũng như bất cứ nơi nào trên Đài Loan, đều không thể thiếu các quán trà đạo. Cũng như cà phê ở Việt Nam, trà không chỉ là thức uống mà là văn hóa hằng ngày trong sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, tìm hiểu văn hóa trà truyền thống Hakka là một phần thiết yếu trong hành trình của chúng tôi.

Băng qua con đường ẩm thực, chúng tôi tìm đến một căn nhà đá với hàng bông giấy đỏ rực ngay hiên nhà. Trước nhà viết vài câu thư pháp. Nhìn từ bên ngoài, ít ai biết đây là một gian trà đạo Hakka. Bởi không hề có một dấu hiệu buôn bán hay bảng hiệu trà trước nhà. Sự kỳ thú đã xuất hiện ngay những phút đầu tiên bước vào gian nhà trà đạo khi người chủ nhà bưng ra từng chiếc cối và chày nhỏ. Tôi khá tò mò về hương vị của trà Leicha, thức uống truyền thống của người Hakka, bởi sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị nguyên liệu. Đây còn được gọi là “trà giã”, bởi người pha chế phải tự tay giã nát các nguyên liệu bao gồm trà, gạo trắng, thảo dược, hạt hướng dương và các loại đậu.

 

 

Trà Leicha là thức uống tượng trưng cho tinh thần hiếu khách và sự thông thái của người Hakka. Khi xưa, nơi đây từng là trạm dừng chân của những người lính mệt mỏi, và các lữ khách lạc đường. Để giúp họ nghỉ ngơi, khôi phục lại năng lượng, người Hakka tạo ra loại trà bổ dưỡng như một vị thuốc tăng lực dinh dưỡng. Bởi vậy, trong trà được trộn lẫn các loại hạt, đậu và gạo giã nát. Sau cùng cho nước sôi vào, khuấy đều lên. 

 

 

Leicha thoạt nhìn như một bát cháo, không hề thu hút. Thế nhưng sau những ngụm đầu tiên, tôi hoàn toàn bị thu phục bởi thứ hương vị đậm đà ấy. Có lẽ tôi hình dung được phần nào tâm tình của những người lính lạc đường năm xưa, khi được dân Hakka trao bát trà Leicha ngọt ngào trong lúc đói khát. Bên ngoài, mưa rả rích, gió từng cơn thổi rít qua mái nhà. Nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh như lúc ban đầu đặt chân xuống Neiwan.

 

Trà Leicha là thức uống tượng trưng cho tinh thần hiếu khách và sự thông thái của người Hakka.

 

Bức tranh thủy mặc quanh phố cổ

Một vài du khách cầm dù lục tục kéo đến, gian nhà đá dù đông người vẫn không hề ồn ào, mà thanh tịnh nhẹ nhàng. Cám ơn sự đón tiếp của chủ nhà, tôi quyết định khám phá khu rừng đằng sau phố Neiwan. Bước qua cây cầu gỗ màu đỏ và dãy trúc xanh mướt là một thế giới hoàn toàn khác. Im ắng, tĩnh lặng không âm thanh của con người, chỉ còn tiếng mưa tí tách tạnh dần. Tôi và người bạn ôm dù đi dọc con đường đầy lá tiến vào khu rừng rậm rạp cây để tận hưởng không khí trong lành sau cơn mưa. Có ở thành phố mới nhận rõ và quý trọng sự trong trẻo đến lạ lùng của khí hậu nơi đây. Có lẽ đất nhưỡng người, người dân địa phương cũng thuần hậu và thanh thản như khí trời nơi đây.

Trời gần về xế, tôi quay về Neiwan để dùng bữa tại rạp hát Neiwan Theater. Đây là một trong những điểm sáng của Neiwan. Rạp Neiwan Theater được xây dựng vào năm 1950 và là trung tâm giải trí duy nhất của các thợ mỏ và công nhân than đá ở Neiwan thời đó. Đây cũng là tòa nhà lớn nhất ở Neiwan. Có thể thấy nơi này đã náo nhiệt ra sao cách đây mấy chục năm trước! Bây giờ, Neiwan Theater là nơi để du khách thưởng thức đặc sản Hakka và xem các bộ phim xưa cũ của Đài Loan năm ấy. Bên trong tòa nhà, các bức tường treo đầy poster phim kiếm hiệp, trên kệ là đủ mọi thể loại băng đĩa và các thiết bị chiếu phim cũ kỹ.

 

 

Sau đó, chúng tôi lưu luyến bắt chuyến tàu cuối cùng rời Neiwan để về lại trung tâm Đài Trung. Trên đường đi ra khỏi phố cổ, một vài người bán hàng vẫy tay chào, và nhẹ nhàng đưa chúng tôi những ly trà nhỏ bốc hơi nghi ngút để bớt lạnh. Tôi ra dấu nói rằng hết tiền mua nước. Thế nhưng họ lắc đầu bảo không cần, và tiếp tục đưa vào tay bọn tôi mấy ly trà nóng. Người Hakka quả thật khiến tôi ngạc nhiên với lòng hiếu khách đặc trưng của họ.

Từ trên tàu, tôi ngoái nhìn lại toàn cảnh của phố cổ Hakka lần nữa. Những hình ảnh của phố cổ này không có nhiều trong máy ảnh, nhưng chắc chắn sẽ lưu lại trong trí nhớ của tôi rất lâu. Khó ai mà quên được sự đón tiếp nồng hậu của người dân nơi đây. Tạm biệt Neiwan, tôi phải quay về để tiếp tục hành trình khám phá, nhưng chắc chắn có một ngày, tôi sẽ quay lại nơi đây, để thưởng thức một tô trà Leicha trong không khí trong lành đậm mùi lá và đất.

 

Thông tin thêm:

+ Phố cổ Neiwan thuộc thị trấn Hengshan, huyện Hsinchu nằm về ngoại thành của thành phố Đài Trung. Để đến được Neiwan, du khách có thể lựa chọn một trong các phương tiện sau:

- Xe khách hoặc xe hơi: đi trực tiếp từ trung tâm Đài Trung

- Tàu lửa: mất hai tiếng từ trung tâm Đài Trung

+ Đi lại trong khu vực:

- Đi bộ

- Thuê xe đạp

- Tham gia trekking

+ Ẩm thực Hakka khá phong phú, từ thức ăn truyền thống đến thức ăn nhanh với nhiều nhà hàng nhỏ ngay trên phố cổ. Hệ sinh thái mát mẻ trong lành, và ưu điểm gần vùng núi cũng mang đến nhiều món ăn đặc trưng từ những chất liệu tự nhiên của núi rừng.

 

RELATED ARTICLES