Lò gạch Măng Thít - Di sản độc đáo giữa miền Tây sông nước

18/09/2024

Những lò gạch đỏ rực, với hình dáng đặc trưng, tạo nên một cảnh quan độc đáo, thu hút du khách đến khám phá và tìm hiểu về một di sản văn hóa đang dần phai nhạt, nhưng vẫn còn tiềm năng phát triển thành điểm đến du lịch sáng tạo.

Măng Thít, một vùng đất yên bình của tỉnh Vĩnh Long, không chỉ nổi tiếng với những miệt vườn cây trái trĩu quả mà còn thu hút du khách bởi một di sản độc đáo, nằm ẩn mình dọc theo sông Cổ Chiên - làng nghề lò gạch truyền thống Măng Thít. Khu vực này không chỉ mang lại giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích du lịch khám phá và tìm hiểu về những làng nghề truyền thống của người dân miền Tây.

Bài liên quan
Một lò gạch cũ lặng lẽ bên bờ sông, mang trong mình nhiều kỷ niệm và giá trị văn hóa của người dân địa phương

Một lò gạch cũ lặng lẽ bên bờ sông, mang trong mình nhiều kỷ niệm và giá trị văn hóa của người dân địa phương

Có dịp ghé thăm lò gạch Măng Thít, Luân Nguyễn - một photographer và designer hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho biết: "Lần đầu mình đến Măng Thít cách đây cũng vài năm, cảm giác mang lại cho mình lúc đó thật xa lạ, mới mẻ. Kiểu như làm sao có thể tồn tại một vương quốc nhỏ về gạch bên cạnh dòng sông Cổ Chiên như thế này? Dọc theo bờ sông là nơi nhiều lò gạch và lò gốm kéo dài hàng chục km...".

Dọc theo bờ sông là nơi nhiều lò gạch và lò gốm kéo dài hàng chục km

Dọc theo bờ sông là nơi nhiều lò gạch và lò gốm kéo dài hàng chục km

Ngôi làng của những "ngọn núi đỏ"

Làng nghề gạch Măng Thít nổi bật với hàng trăm lò gạch trải dài trên khu vực rộng lớn, tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ và khác lạ. Những lò gạch đỏ rực, hình vòm cao vút vươn lên giữa nền trời xanh biếc, chẳng khác nào những ngọn núi nhỏ nhấp nhô giữa đồng bằng trù phú. Từ xa nhìn lại, lò gạch như những bức tượng điêu khắc khổng lồ, mang đậm dấu ấn của thời gian và sức lao động của con người.

Lò gạch ở đây được xây dựng từ những năm 1970 và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân địa phương. Vật liệu chủ yếu để làm gạch là đất sét khai thác từ các bờ sông và kênh rạch, qua nhiều công đoạn nhào nặn, nung nóng mới cho ra đời những viên gạch chắc chắn, bền bỉ.

Empty
Empty
Một thoáng bình yên ở Măng Thít

Một thoáng bình yên ở Măng Thít

Luân Nguyễn chia sẻ về những lần ghé thăm lò gạch Măng Thít, và mỗi chuyến đi đều để lại trong anh những trải nghiệm khác biệt: "Mình đến lò gạch vài lần. Trong đó có một lần mình đi từ Trà Vinh về Vĩnh Long, ghé qua ngôi tháp mộ cổ của bà Lâm Thanh Hương rất đẹp và biết thêm nhiều câu chuyện quanh đó. Lần khác thì mình đi từ chợ Vĩnh Long ra lò gạch, quan sát được rất nhiều về cách sinh hoạt, chợ búa, phong cách của người dân nơi đây".

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngoài ra, Luân còn bật mí thời điểm lý tưởng để khám phá lò gạch Măng Thít là vào buổi sớm, khoảng 5 giờ sáng. Khi đó, du khách có thể chiêm ngưỡng bình minh dần ló dạng bên dòng sông Cổ Chiên, tận hưởng cảnh sắc tuyệt đẹp, đồng thời quan sát nhịp sống và những hoạt động của lò gạch lúc còn ít khách du lịch. Đây cũng là lúc thích hợp để trải nghiệm ẩm thực địa phương và cảm nhận nét sinh hoạt của người dân nơi đây.

Empty
Empty
Các sản phẩm gạch nung được trưng bày ngay tại lò gạch

Các sản phẩm gạch nung được trưng bày ngay tại lò gạch

Nét đẹp vượt thời gian

Mỗi lò gạch cũ như lặng lẽ cùng dòng sông vượt qua bao thăng trầm, để lại cho những ai ghé thăm cảm giác về một nét đẹp vượt thời gian. Khi chiều tà buông xuống, khung cảnh lò gạch càng lung linh, huyền ảo, mang vẻ yên bình và cổ kính đặc trưng, khiến nơi đây trở thành điểm đến cuốn hút không thể bỏ lỡ.

Những mỏ sét nguyên sinh cổ xưa dọc bờ sông là nguyên liệu chính tạo ra các sản phẩm gạch, gốm chất lượng. Theo người dân địa phương, nghề làm gạch gốm từng thịnh vượng đến nỗi gia đình nào cũng có một miệng lò. Đó cũng chính là lý do làng nghề lò gạch Măng Thít vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, mỗi lò nung là biểu tượng của thời gian, phảng phất kỷ niệm của một thời huy hoàng.

Những viên gạch đỏ được nung từ mỏ sét nguyên sinh

Những viên gạch đỏ được nung từ mỏ sét nguyên sinh

Những lò gạch, gốm ở Mang Thít đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử

Những lò gạch, gốm ở Mang Thít đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và vật liệu xây dựng hiện đại, các lò gạch truyền thống ngày càng ít được sử dụng. Nhiều lò đã ngừng hoạt động, bỏ hoang với những dấu vết của thời gian phủ kín. Những chiếc lò này dần trở thành “phế tích” với vẻ đẹp đổ nát, hoang sơ nhưng lại mang một sức hút kỳ lạ, gợi nhắc về quá khứ thịnh vượng của làng nghề. Điều này đã biến Măng Thít trở thành điểm đến yêu thích của các nhiếp ảnh gia và những người yêu thích không gian đậm chất hoài niệm.

Khám phá Măng Thít - sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại

Du khách đến Măng Thít không chỉ được chiêm ngưỡng sự độc đáo của các lò gạch mà còn có thể tìm hiểu thêm về quy trình làm gạch thủ công từ người dân địa phương. Những bậc cao niên trong làng sẵn lòng chia sẻ về kỹ thuật nung gạch xưa, với những câu chuyện đời đầy hương vị của vùng đất sông nước. Ngoài ra, khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng nơi đây mang đến một trải nghiệm thư giãn, thoát khỏi những ồn ào, vội vã của thành thị.

Các nghệ nhân thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm truyền thống trong từng công đoạn

Các nghệ nhân thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm truyền thống trong từng công đoạn

Đời sống bình dị ở làng nghề Măng Thít

Đời sống bình dị ở làng nghề Măng Thít

Chứng kiến hoạt động của người dân tại làng nghề, Luân Nguyễn chia sẻ: "Mình có chứng kiến vài công đoạn, ví dụ như xếp gạch vào lò, phải leo lên những chiếc cầu thang nhỏ rất khó đi. Một lò có thể nung được khoảng 10.000 - 20.000 viên gạch. Nhìn cách họ sắp xếp những viên gạch nhỏ ngay ngắn khi hoàn thành sản phẩm rất tinh tế và tỉ mỉ".

Không chỉ làng gạch, du khách còn có cơ hội khám phá thêm những con đường nhỏ rợp bóng cây, những dòng kênh rạch mênh mông. Điểm đến này còn lý tưởng cho những ai muốn chụp những bức ảnh nghệ thuật với khung cảnh nền nã, chân thực của miền Tây. Nhiều người chia sẻ rằng, cảm giác được đứng giữa những lò gạch bỏ hoang, nghe tiếng gió len qua những viên gạch cũ, hít thở không khí trong lành, là một trải nghiệm khó quên.

Mỗi lò nung là biểu tượng của thời gian, phảng phất kỷ niệm của một thời huy hoàng

Mỗi lò nung là biểu tượng của thời gian, phảng phất kỷ niệm của một thời huy hoàng

"Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc phát triển và duy trì làng nghề nung gạch, gốm khu vực này, nhưng Măng Thít vẫn ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo và chất lượng. Những người thợ vẫn miệt mài với nghề, gắn bó với làng, tạo ra những nét văn hoá đậm chất người Việt, tồn tại qua bao nhiêu năm tháng", Luân tâm sự.

Với vẻ đẹp bình dị, đậm chất miền Tây, lò gạch Măng Thít xứng đáng là một trong những điểm đến độc đáo không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Long.

Hà Mai Trinh - Ảnh: Luan Nguyen
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES