Như mọi năm, chiều 30 Tết, sau khi cùng bố thắp hương ở phần mộ họ Nội mời các Cụ về ăn Tết, hai bố con tôi vào nhà cậu cả dâng lễ, thắp hương cho ông bà Ngoại. Cúng vái xong đang ngồi uống trà xanh với mợ thì cậu em họ từ ngoài đồng về. Tôi chạy ra ngó vào bờ giếng, thấy nguyên một chậu tép đồng, sáng lấp loáng dưới ánh nắng chiều cuối năm, tươi roi rói. Sản phẩm của buổi đặt lờ (một dụng cụ bắt cá, tôm...). Sau một hồi chào hỏi tếu táo trêu đùa nhau, cậu em nổi tiếng sát cá vui vẻ rửa sạch chậu tép, chọn chỗ ngon nhất, "đong" cho tôi hai bát ăn cơm bỏ vào túi ni-lông để tôi đem về.
Tôi vẫn nhớ, để có được mớ tép tươi ngon thế này, hồi nhỏ, mấy cậu mục đồng sáng đi học chiều chăn trâu cắt cỏ, đi dọc những bờ ruộng mới gặt, “con mắt nhà nghề” chợt nhìn thấy một ùng (vũng) có vẻ có nhiều cá, tôm, liền bẻ một cành cây cắm xuống xí phần. Sau đó hội nhóm dăm ba đứa rủ nhau ra be bờ tát cá.
Bờ phải được be thật vững, để khi mực nước bên trong cạn dần mà mực nước bên ngoài vẫn đầy thì không xảy ra tình trạng “vỡ bờ”. Nếu không thì công lao hì hục tát cả buổi giờ của lũ trẻ con chúng tôi sẽ đi tong cả. Khi miếng ruộng (ùng, vũng) này đã được tát gần cạn nước, và khi những con cá, mớ tôm “đáng giá” nhất đã được bắt gần hết thì lúc đó bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu hứng tép. Chỗ trũng nhất và dốc nhất (như cuối con dốc) được đặt vào đó một cái rổ đan dầy nhất để hướng sản vật từ khắp nơi “ùa” về. Để kỹ lưỡng hơn, bắt được hết cá tôm tép, bọn tôi còn hò nhau vun hết mọi thứ khắp vũng dồn tụ về. Nước cạn trơ cả những con trai đồng khum khum bằng vốc tay có vỏ lẫn với mầu bùn đất, nhưng nhiều nhất là tép. Tép đồng dồn về nhảy lao xao tung tăng trên chiếc rổ hứng giống như lúa đang được rê, mạ đang được gieo, nhìn rất vui mắt. Sinh vật nhỏ bé mà thơm ngon ngọt lành này, ngoài làm thức ăn cho người còn làm được cả mồi câu cho những chiếc cần câu bé và là nguồn sống của bao nhiêu đàn cò đàn vạc bồ nông cốc dẽ… những loại chim đặc trưng của ruộng đồng Bắc bộ Việt Nam.
Cầm mớ tép cậu em cho về nhà, tôi rửa sạch lại món quà tặng đặc biệt, bật bếp rang mớ tép lên. Tép cơm đồng chiêm trũng rang chín không chuyển màu đỏ tươi mà ngả sang mầu trắng hồng, thân mọng căng đầy hứa hẹn. Nồi tép rang thi thoảng lẫn vào vài con tôm đồng nhơ nhỡ được tôi rắc bột canh, nước mắm Lê Gia đặc sản Thanh Hóa, sắt thêm vài quả ớt chỉ thiên, hái vài chiếc lá chanh thái nhỏ trộn đều rồi đem ướp.
Trong lúc chờ tép ngấm gia vị, tôi đem rau sống ra nhặt. mẹ tôi biết tôi thích ăn rau sống tươi sạch vườn nhà nên năm nào cũng trữ đủ. Xà-lách căng mập, rau diếp vừa đủ độ (không già quá để bị đắng, không non quá dễ bị dập), vài cọng tỏi tươi chẻ nhỏ, một hai túm rau thơm. Nhặt xong đem ra chậu rưới nước muối sinh lý lên ngâm, rửa sạch, vẩy hết nước rồi quay vào với nồi tép rang đang đợi.
Bật lại bếp, đảo đều tay một lúc, một mùi thơm "dậy đất" ngào ngạt tỏa lan. Mùi của đất mẹ, của đồng quê, của ngon lành, của hải sản tươi ngon ngấm gia vị quyện sánh vấn vít. Cô em gái đang lúi húi chuẩn bị cơm để bố cúng Tất niên cũng phải ngoái lại hỏi: “Bác làm món gì mà ngửi mùi đã thấy tứa nước miếng thế?”
Và thế là có thêm hai bát tép rang cùng hai rổ rau sống và vài quả khế dịu vườn nhà “sánh vai” cùng thịt gà, canh sườn khoai tây, giò nạc giò thủ, thịt mỡ dưa hành…cả nhà tôi suýt soa vì có một món ăn "không đụng hàng", nóng sốt tươi ngon thấm đẫm hương vị làng quê, tấm tắc suốt bữa cơm Tất niên lẫn Tân niên mùng Một.
Bạn thử tưởng tượng, làm nửa thìa tép đồng tươi rang lá chanh, cuộn cùng vài tàu xà-lách xanh non, kẹp thêm miếng khế tươi, chấm vào bát nước mắm sánh quyện điểm vài miếng ớt đỏ thắm, đưa lên miệng nhai. Tép cơm tươi ngon ngọt mát ngập tận chân răng quyện với vị thanh mát của đủ loại rau quả vườn nhà, chiêu thêm một ngụm rượu nếp nồng nàn đựng trong chai nút lá chuối…
Chà, giờ ngồi viết đến đây mà tôi vẫn phải nuốt nước bọt ừng ực đây này.
*Bút ký của tác giả Lê Hồng Lam nhân dịp Tết Quý Mão, 2023