Mùa trung thu: người ăn bánh nướng mải mê, người “chê” bánh dẻo ngọt

09/09/2022

Bánh trung thu tuy chỉ gồm bánh nướng và bánh dẻo nhưng đằng sau ấy là nhiều tranh luận.

Bánh trung thu tuy chỉ gồm bánh nướng và bánh dẻo nhưng đằng sau ấy là rất nhiều tranh luận về việc bánh nào ngon hơn.

Trong một chiều đầu thu, tôi kéo chiếc ghế gỗ ra ngồi cạnh một người bạn của mình và mời cô ấy ăn một miếng bánh dẻo trắng ngần, có phần nhân thập cẩm trứng muối ngon mắt. Nhưng thật bất ngờ cô ấy lại từ chối vì… sợ béo.

Bên trong một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm đầy ắp hương vị. Ảnh: Thu Huyền.

Bên trong một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm đầy ắp hương vị. Ảnh: Thu Huyền.

Nói chuyện sâu hơn, tôi được biết cô ấy đang đau đầu vì phải chọn loại bánh phù hợp để biếu họ hàng hai bên nội, ngoại cũng như bên nhà chồng.

“Trong nhà, mỗi người một ý thích. Người lớn nhà chị không thích ăn bánh kẹo nói chung. Bánh nướng thì có người thích ăn nhân sen, nhân đậu đỏ, người lại tìm bằng được chiếc bánh thập cẩm nhân lổn nhổn lạp xưởng, mứt bí như ngày xưa chứ không chịu ăn nhân thập cẩm kiểu bây giờ.” - Chị Phạm Thị Quỳnh Trâm (32 tuổi - giảng viên khoa Tiếng Anh trường Đại học Hàng Hải - Hải Phòng) trả lời.

Một kiểu bánh nướng ngày xưa có phần nhân khác biệt với bánh trung thu ngày nay. Ảnh: Hồng Thu.

Một kiểu bánh nướng ngày xưa có phần nhân khác biệt với bánh trung thu ngày nay. Ảnh: Hồng Thu.

“Thế chị có mua bánh dẻo cho các cụ không?” - tôi hỏi.

“Thường là không vì mọi người đều thích ăn bánh nướng hơn vì bánh dẻo rất ngọt. Vỏ bánh dẻo ngọt mà nhân cũng ngọt. Bánh nướng bánh dẻo ngày xưa các cụ dùng với nước chè để hãm cái sự ngọt lại.” - chị nói tiếp. “Bánh nướng thì đa dạng về nhân hơn, có cả ngọt và mặn nên dễ ăn. Vỏ bánh nướng mềm, nhân mềm, trẻ con ăn được”.

Bánh nướng vốn có phần vỏ được làm vô cùng phức tạp và tỉ mẩn khi phải nấu nước đường hàng nhiều giờ rồi trộn với bột rồi đem nướng. Trong quá trình nướng, bánh cũng rất dễ nứt và tràn nhân. Bánh dẻo thì đơn giản hơn khi chỉ cần trộn nước đường với bột nếp rang chín.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Những chiếc bánh dẻo được tạo hình đẹp mắt.

Những chiếc bánh dẻo được tạo hình đẹp mắt.

Những tưởng sự nhanh chóng và tiện lợi ấy sẽ khiến chiếc bánh trắng trẻo này được yêu thích, nhưng bánh nướng vẫn là món khoái khẩu của nhiều thực khách hơn. Để làm rõ việc này, phóng viên Travellive quyết định phỏng vấn tiếp anh Nguyễn Tiến Dũng (34 tuổi - nhân viên IT và là chủ kênh fanpage chuyên giới thiệu các quán ăn ngon 2 FAT GUYS - Hồ Chí Minh): “Trong Sài Gòn thì bánh dẻo rơi vào quên lãng rồi. Đùa thôi, anh thấy bánh dẻo quá ngọt do họ cho nhiều đường vào vỏ bánh. Mấy năm rồi anh chưa ăn cái bánh dẻo nào. Xung quanh anh toàn bánh nướng đậu xanh và bánh nướng thập cẩm.”

Chiếc bánh nướng hấp dẫn với phần nhân thập cẩm, đậu xanh kèm thêm một quả trứng muối. Ảnh: Tiến Dũng.

Chiếc bánh nướng hấp dẫn với phần nhân thập cẩm, đậu xanh kèm thêm một quả trứng muối. Ảnh: Tiến Dũng.

Về phần nhân, bánh nướng rất đa dạng từ nhân thập cẩm, gà quay, vi cá, đậu xanh, sen nhuyễn, đậu đỏ và bánh dẻo cũng vậy. Nhưng với bánh dẻo, vì phần vỏ quá ngọt nên không phải nhân nào cũng có hương vị phù hợp với chiếc bánh này.

Phóng viên Travellive đã phỏng vấn một chuyên gia về bánh khác để xem liệu rằng anh thích bánh nướng hay bánh dẻo. Anh Nguyễn Đức Long (34 tuổi - người sáng lập The Patisseries Lab - một tiệm bánh Âu tại Hà Nội) cho biết: “Anh thích ăn mỗi bánh nướng thôi vì bánh dẻo quá ngọt ăn ngán lắm”.

Với một số tiệm bánh trung thu cổ truyền, họ thường sắp xếp một hộp gồm bốn chiếc bánh trong đó có tới ba chiếc là bánh nướng và một chiếc bánh dẻo cho đa dạng.

Bánh dẻo chỉ chiếm 1/4 trong những hộp bánh trung thu đem đi biếu, tặng. Ảnh: Thu Huyền.

Bánh dẻo chỉ chiếm 1/4 trong những hộp bánh trung thu đem đi biếu, tặng. Ảnh: Thu Huyền.

Còn với anh Bình An (27 tuổi - giáo viên Tiếng Anh tại Hồ Chí Minh), anh cho rằng bánh dẻo nếu ít ngọt đi thì hương vị sẽ tuyệt vời hơn: “Mình thích nướng thập cẩm. Bánh dẻo quá ngọt, ăn vào toàn đường. Bánh dẻo mà ít ngọt như bánh mochi thì ngon vì cả hai đều dẻo”.

Tất cả các nhân vật được phỏng vấn đều chọn bánh nướng và có chung quan điểm là bánh dẻo rất ngọt, phóng viên Travellive đã liên hệ với một người có hiểu biết sâu sắc về ẩm thực nói chung để làm rõ hơn thắc mắc của mình.

Nói chuyện với anh Bùi Ngọc Khôi (29 tuổi - nhiếp ảnh gia ẩm thực và là chủ group Mình muốn Ăn ngon tại Hà Nội), tôi đã hiểu hơn về lý do tại sao bánh trung thu thường ngọt, đặc biệt là bánh dẻo.

“Anh thích ăn bánh nướng hơn vì nó có thể làm ít ngọt. Xưa làm bánh ngọt nhiều nhằm để được lâu, là một ý tưởng rất đỉnh. Nhưng giờ điều kiện bảo quản thực phẩm cũng khá rồi, không nhất thiết phải chấp nhận bánh siêu ngọt nữa.” - anh Khôi cười.

Đa phần mọi người đều thích ăn bánh nướng hơn vì nó không quá ngọt và cả chiếc bánh là tổng hòa của vị mặn - ngọt vô cùng ăn ý. Ảnh: Thu Huyền.

Đa phần mọi người đều thích ăn bánh nướng hơn vì nó không quá ngọt và cả chiếc bánh là tổng hòa của vị mặn - ngọt vô cùng ăn ý. Ảnh: Thu Huyền.

Từ xa xưa, đường vốn là một chất bảo quản thực phẩm tự nhiên. Trong quá khứ có nhiều món ăn đậm vị đường ngọt lịm như mứt, ô mai… chủ yếu để kéo dài thời gian sử dụng của các loại quả tươi như mơ, mận, bí, dừa, quất…

Lý do thường là vì bánh dẻo không được nấu chín trực tiếp mà chỉ là hỗn hợp bột nếp rang chín với nước đường bình thường và phần nhân đôi khi lẫn cả mặn - ngọt nên nếu không bỏ nhiều đường, chiếc bánh sẽ rất dễ mốc, ôi thiu.

“Bánh dẻo nếu làm nhỏ lại, bé bằng hạt mít thì anh có khi lại thích hơn. Thường dịp trung thu anh hay mua bánh nướng size 120gram đổ xuống và bánh Wagashi Nhật về, nướng dẻo đủ cả. Wagashi vẫn là bánh dẻo nhân đậu như mình, mà lại đẹp. Giá như bánh dẻo của Việt Nam mình cũng đẹp và đáng yêu thế thì anh mua ngay.” - anh tiếp tục chia sẻ.

Những chiếc bánh dẻo hiện đại giờ đây cũng được làm ít ngọt hơn nhưng đối với nhiều người vẫn rất ngọt. Ảnh: Thu Huyền.

Những chiếc bánh dẻo hiện đại giờ đây cũng được làm ít ngọt hơn nhưng đối với nhiều người vẫn rất ngọt. Ảnh: Thu Huyền.

Bánh dẻo cổ truyền tại Việt Nam vẫn luôn là thức quà không thể thiếu mỗi dịp trung thu nhưng đang dần lạc hậu, ít được thực khách ưu tiên thưởng thức. Hiện nay, nhờ kỹ thuật hiện đại, chiếc bánh dẻo đã được giảm ngọt rất nhiều để kịp chạy đua với thị trường bánh trung thu khổng lồ đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Hà Chuu - Nguồn: Nhân vật
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES