Mứt - Món khai vị truyền thống Tết Việt

01/02/2018

Đã từ lâu, mứt là món khai vị trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Tết cổ truyền sẽ không còn trọn vẹn khi bàn trà nước thiếu đi khay mứt.

Trong ký ức nhiều người, hộp các tông màu đỏ chứa đầy những loại mứt khác nhau trong mỗi gói quà Tết hẳn vẫn là hình ảnh vừa quen thuộc, vừa ấm áp. Mứt truyền thống thường chỉ có mấy loại: mứt dừa, mứt gừng, mứt sen, mứt táo, mứt bí, mứt cà rốt, kẹo trứng chim,…được làm thủ công từ khâu chọn củ quả, xử lý đến rim đường. Khay mứt nhiều màu sắc hài hòa là thức quà được cả người lớn và những đứa trẻ yêu thích. Dù trải qua bao nhiêu năm, vị thơm ngọt giản dị của mứt Tết vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người Việt như một món quà tinh túy ông bà xưa để lại.

Ảnh: Culturemagazine.

Những năm qua, mứt ngày càng phong phú hơn về hương vị, chủng loại. Mặc dù vậy, mứt truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng, không bao giờ lỗi thời, làm nên nét đặc trưng riêng của hương vị tết cổ truyền.

Mứt gừng

Ảnh: cooky

Lát gừng khô được bao phủ một lớp đường mỏng vẫn giữ vị ấm nồng, cay nhè nhẹ. Không chỉ để ăn, một cốc nước nóng thả thêm vài lát mứt gừng còn được dùng như thức uống có tác dụng làm ấm cơ thể trong tiết trời se lạnh. Phường Kim Long tại TP Huế được coi là làng mứt gừng truyền thống nổi tiếng nhất Việt Nam. Cứ vào thời điểm tháng Chạp mỗi năm, phường Kim Long lại đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt thơm ngon theo phương thức thủ công để có được thành phẩm là những lát mứt gừng mỏng, vàng tự nhiên, cay cay ngọt ngọt và rất giòn.

Mứt dừa

Ảnh: Hoidaubep

Mứt dừa được ưa chuộng nhất trong các loại mứt, có vị thơm ngọt, bùi, giòn sần sật, thích hợp để nhâm nhỉ cùng tách trà nhài thơm, quây quần với gia đình. Làm mứt dừa không quá phức tạp, đến bây giờ vẫn còn nhiều người giữ thói quen tự làm mứt dừa để biếu và giữ cho gia đình dùng mỗi dịp Tết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mứt bí

Ảnh: Jolischef

Bí đao là thực phẩm bổ dưỡng có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe theo các bài thuốc dân gian. Khi được chế biến thành mứt, bí đao trắng trong đẹp mắt, giòn tan và ngọt lịm. Cách chế biến mứt bí đao cầu kì hơn nhiều loại khác khi phải ngâm trong nước vôi nhiều giờ để tẩy trắng bí tự nhiên mà không cần hóa chất. Đây cũng là nguyên liệu cần có trong nhân bánh trung thu hay bánh pía.

Mứt cà rốt

Ảnh: mongonmoingay

Mứt cà rốt có màu vàng cam hấp dẫn, tô điểm cho khay quà thêm đặc sắc. Cà rốt vốn là loại củ giàu vitamin, có tác dụng làm đẹp. Vị thơm của đường kết hợp với vị ngọt thanh của cà rốt làm cho những cuộc gặp gỡ đầu năm thêm ấm áp và thú vị.

Mứt táo

Ảnh: youtube

Mứt táo dẻo, thơm, vàng óng, có nhiều lớp khía bên ngoài quả, thịt quả táo dầy, ăn có độ dẻo, ngọt. Làng Vị, TP Hưng Yên nổi tiếng với nghề truyền thống sản xuất mứt Tết, đặc biệt là mứt táo. Mứt táo ở đây được sản xuất thủ công, cẩn thận và kỹ càng từ khâu chọn nguyên liệu đến xử lý quả và phên đường.

Mứt sen

Ảnh: beemartblog

Mứt sen là món mứt khá “sang chảnh” vì giá thành không hề rẻ và vì đây là món mứt có giá trị dinh dưỡng cao. Đây cũng là món mứt được làm công phu, là thức ăn chơi thanh tao đãi khách ngaft Tết. Kết hợp với trà là sự kết hợp hoàn hảo, vừa thơm vừa ngọt, thanh thanh phảng phất khiến lòng người nhẹ nhàng, lưu luyến. Ngày tết, nhấm nháp từng viên mứt hạt sen bên ấm trà nồng đượm là thú vui của nhiều gia đình.

Kẹo trứng chim

Ảnh: lanvaobep

Có tên là kẹo trứng chim bởi mỗi viên kẹo làm từ một hạt đậu phộng, hạt lạc, bao bên ngoài là lớp bột và đường cứng, trông giống những viên trứng chim nhỏ.

Qua đôi bàn tay khéo léo của người Việt, các loại rau củ được chế biến tinh tế và trở thành món quà chứa đựng ý nghĩa và hương vị của đất trời. Nó không chỉ mang vị ngọt ngào ấm áp, trong tiết xuân lạnh giá, mà còn lưu giữ hương vị Tết cổ truyền trong kí ức mỗi con người Việt Nam.

Ngọc Anh

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES