Họa sĩ Ngô Chương (1994, Quảng Nam) tốt nghiệp chuyên ngành hội hoạ trường Đại học Nghệ Thuật Huế. Sau khi ra trường, nam họa sĩ thì đã làm tất cả công việc liên quan đến mỹ thuật từ vẽ trên nón lá, quạt vải, tranh tường, tranh trang trí quán cà phê, đắp phù điêu... Đến đầu năm 2023, anh mới bắt đầu quay lại với công việc sáng tác "thuần túy". Chọn acrylic và sơn dầu làm chất liệu chính trong tranh sáng tác.
Lưu giữ khoảnh khắc bằng hình thức trực họa
Trực họa là vẽ trực tiếp, ngay tại hiện trường bằng bút pháp tả thực với chủ đề người họa sĩ tự chọn. Cách thể hiện của người vẽ sẽ đánh thức cảm hứng sáng tạo vốn có tại chính thời điểm đó.
Hình thức hội họa này yêu cầu người họa sĩ phải quan sát thật kĩ và cảm nhận màu sắc phù hợp nhất với không gian. Mỗi thời điểm, cảnh sắc đều có thể thay đổi khác đi, đôi khi chỉ trong chớp mắt. Cảm xúc mạnh mẽ, bút pháp phong phú sẽ đánh thức trực tiếp xúc cảm vốn có bên trong người họa sĩ và là chất xúc tác để đào sâu cảm nhận về bố cục, tạo hình và màu sắc từ tranh phong cảnh.
Trò chuyện với Travellive, họa sĩ Ngô Chương chia sẻ: “Khi khởi đầu làm việc ngoài trời cùng tranh sáng tác bằng hình thức trực hoạ, tôi bắt đầu nghĩ đến cách làm việc từ những bức tranh với kích thước nhỏ để kiểm soát không gian, bố cục trong tranh. Tiếp theo là để tạo tiền đề cho những bức khổ lớn hơn và kịch tính hơn sau này. Liên tục làm việc hàng ngày, đầu tư thời gian hàng giờ để cho ra một tác phẩm hoàn thiện nhất có thể. Để thực hiện được điều này cần phải duy trì thói quen thực hành hội hoạ một cách đều đặn và không ngắt quãng”.
Vẽ trực họa khác với vẽ theo trí trưởng tượng từ không gian, thời gian lẫn ánh sáng. Đặc biệt, vẽ trực họa rèn luyện và trau dồi cho khả năng nhìn nhận, màu sắc lẫn bút pháp trước sự vật hay hiện tượng mà người họa sĩ đang vẽ, từ đó mang lại nhiều nguồn cảm hứng trong sáng tác.
Tranh phong cảnh qua góc nhìn của họa sĩ Ngô Chương
“Có rất nhiều chủ đề phong cảnh mà tôi thấy đẹp là những dòng sông. Có thể kể đến như sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông Hàn, sông Hương... Trong hành trình sáng tác trực hoạ, tôi ấn tượng với góc nhìn trên đồi Vọng Cảnh (Huế) và điểm nhấn đặc biệt là dòng sông Hương nằm e ấp dưới chân đồi”, họa sĩ Ngô Chương cho hay.
Hành trình sáng tác bằng trực hoạ của nam họa sĩ gắn liền với biết bao kỷ niệm. Tất cả những bức tranh được vẽ trực tiếp thể hiện sự chân thành thông qua góc nhìn của tác giả từ các chuyến đi thực tế. Bắt đầu vẽ những cánh đồng bất tận trong mùa hạ, nắng chiều ven dòng sông Túy Loan hay thiên nhiên trữ tình của sông Quá Giáng... mang đến một cảm giác yên bình, tĩnh lặng. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thanh âm cảnh vật trong cuộc sống từ nông thôn đến phố thị, tất cả làm cho bản thân nam họa sĩ càng suy tư nhiều hơn về chặng đường sáng tác.
“Nói về khó khăn trong sáng tạo tác phẩm hội họa thì có muôn vàn. Với tôi, chủ đề tư tưởng trong tranh là yếu tố quan trọng”, nam họa sĩ khẳng định.
Được hít thở bầu không khí thoải mái, tự do, thả lỏng tâm hồn vào màu sắc và đường nét. Được ngắm trực tiếp những thắng cảnh qua những chuyến đi, tạo nên tác phẩm hội họa với đa dạng màu sắc, đường nét, dáng dấp, hình hài là điều mà họa sĩ Ngô Chương muốn trải nghiệm qua hình thức vẽ trực họa.
“Câu chuyện sáng tác tranh trực hoạ hiện tại của tôi vẫn còn nhiều điều ở phía trước. Con đường thực hành hội hoạ của tôi vốn dĩ không bằng phẳng nên việc sáng tác với tôi đó là cả quá trình thực hành xuyên suốt. Hãy chọn con đường say mê sáng tạo coi đó là niềm hạnh phúc riêng mình biết, vượt qua ngàn khó khăn và gian khổ, mồ hôi và cả nước mắt", họa sĩ Ngô Chương chia sẻ thêm.