Bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc vàng
Xã Bản Phùng nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang khoảng 30 km. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên nơi này được đặt tên Bản Phùng. “Phùng” trong tiếng Hán có nghĩa là tương phùng, bởi vậy khi đến đây, du khách như ghé thăm nơi gặp gỡ của thiên nhiên đất trời, khung cảnh núi rừng hùng vĩ với những kiệt tác ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng.
Có dịp ghé thăm Bản Phùng mùa lúa chín vàng, anh Hoàng Minh Đức (29 tuổi, Đà Lạt) không khỏi sửng sốt và thán phục trước cảnh sắc hữu tình nơi đây: “Khi đến Bản Phùng, mình có ấn tượng đặc biệt với bản, kiểu như phải thốt lên ‘wow’ bởi vẻ đẹp kết hợp giữa ruộng bậc thang, thiên nhiên núi rừng hùng vĩ và những ngôi nhà của người dân tộc La Chí giữa nền mây trời thơ mộng”.
Bản Phùng chính là nơi đất trời gặp gỡ, bản giao thoa của thiên nhiên hùng vĩ với những người dân sống tại địa phương. Nơi đây có diện tích khoảng 17,04 km2, phần lớn là những thửa ruộng bậc thang được canh tác và sắp xếp không có trật tự. Thế nhưng, khi chúng hòa vào với nhau lại tạo ra sự kết hợp đẹp như một bức tranh tiên cảnh, đặc biệt là vào mùa lúa chín.
Vào mùa lúa chín, cả bản làng ngập trong sắc vàng óng ả, trở nên rực rỡ dưới ánh nắng vùng cao. Cả thung lũng trở nên lấp lánh màu của sự no ấm, đủ đầy vào mùa gặt của người dân địa phương. Đứng từ trên cao, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên sống động với những thửa ruộng bậc thang lắp ló sau màn mây bay bồng bềnh, thấp thoáng là những mái nhà gỗ.
Con đường về “miền cổ tích”
Để đến Bản Phùng, mọi người thường di chuyển từ Cốc Pài khoảng 40 km, đi dọc theo con suối Đỏ, sau đó rẽ vào đi thêm 12 km. Vì hiện nay cung đường này đã được làm cẩn thận nên khá dễ đi.
“Trong chuyến đi lần này, vì muốn khám phá thêm về Hoàng Su Phì, nhóm mình đã chọn đi qua bản Díu, thay vì chọn cung đường dễ đi phía dưới suối Đỏ. Đường lên bản khá dốc, quanh co, nhỏ hẹp và nhiều khúc phải dừng lại để hỏi đường. Vì vậy, thời gian nhóm mình di chuyển gấp đôi so với bình thường. Nhưng bù lại, chúng mình có những khung hình đẹp ở bản Díu và cũng có thể coi như một trải nghiệm mới mẻ”, anh Minh Đức tâm sự.
Đặc biệt, trong chuyến đi, anh Minh Đức đã có phút giây vui vẻ cười đùa, trò chuyện với những người bạn đồng hành. Chín con người ở năm tỉnh thành khác nhau, mỗi người một cuộc sống, một ngành nghề, nhưng cùng chung niềm đam mê khám phá những miền đất mới.
Thời điểm thích hợp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Bản Phùng
Theo anh Minh Đức, thời điểm thích hợp để đến Bản Phùng là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm là khoảng thời gian người dân đổ nước vào đồng, chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Những ruộng bậc thang hiện lên như những tấm gương trời, phản chiếu mọi sự đẹp đẽ của đất trời núi non. Với mùa lúa xanh lúc non, mùi thơm của sữa đòng đòng thì tháng Bảy, đầu tháng Tám là khoảng thời gian đẹp nhất. Còn mùa lúa vàng sẽ rơi vào khoảng cuối tháng Tám tới giữa tháng Chín.
Tuy nhiên, du khách cũng đừng xem mùa lúa chín ở Hà Giang cũng là mùa lúa ở Bản Phùng. Bởi vì lúa ở Bản Phùng mọi năm sẽ đều chín sớm hơn những nơi khác. Bạn nên đến đây vào khoảng đầu đến giữa tháng Chín để có thể thấy được cả đồng lúa chín vàng ươm chưa được thu hoạch. Còn nếu đến quá muộn thì người dân đã thu hoạch xong hết lúa, cả cánh đồng sẽ chỉ có mỗi màu xám đen của bùn đất.
Chia sẻ thêm với độc giả Travellive, anh Minh Đức nhắn nhủ: “Du lịch không phải đi được bao nhiêu nơi, gặp được bao nhiêu người. Du lịch là cách mình học hỏi về cuộc sống, mở rộng thế giới quan, đặc biệt trong chuyến đi đó có được bao nhiêu kỷ niệm. Bởi gia tài lớn nhất mà sau này mình có, chính là những kỷ niệm đã trải qua”.