Kết hợp đam mê cổ phục và nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên
Nhắc tới cổ phục, 9x Nguyễn Đức Huy là một cái tên quen thuộc trong giới. Niềm yêu thích với cổ phục Việt Nam bắt đầu khi anh đi du học Đức vào năm 2015, khi anh thường được các bạn nước ngoài hỏi trang phục truyền thống của Việt Nam gồm những gì. Nhận ra bản thân chưa biết nhiều về văn hoá Việt nên anh đã bắt đầu tìm hiểu. Trong thời gian đó, phong trào khôi dựng cổ phục ở Việt Nam cũng dần phát triển nên Huy đã tiếp cận được những cổ phục của Việt Nam. Mê hoặc bởi bộ trang phục Việt cổ đẹp và đa dạng, Đức Huy quyết định dấn thân vào lĩnh vực khôi phục cổ phục Việt Nam khi trở về nước vào năm 2018.
Về đam mê nhuộm vải, Đức Huy cho biết anh rất thích các hoạt động thủ công và lối sống xanh, vì vậy anh thường xuyên tự chế đồ dùng riêng cho mình. Lối sống này cũng bao gồm việc nhuộm vải và nhuộm quần áo cũ.
Từ việc tham gia một workshop, anh bắt đầu thử nhuộm chàm cho quần áo cũ tại nhà. Lúc đầu, đây chỉ là sở thích, nhưng anh mau chóng nhận ra nhuộm tự nhiên có thể bổ trợ cho việc nghiên cứu và làm cổ phục, vì vậy, anh đã quyết định kết hợp hai hướng đi lại và tạo ra những bộ cổ phục được may bằng vải nhuộm tự nhiên.
Nghiên cứu, tìm hiểu và say mê
Để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực nhuộm tự nhiên, Đức Huy đã từng lên Sapa một tháng rưỡi để học nhuộm chàm từ người Mông, hay học hỏi từ những người Dao, Thái và các anh chị đi trước. Sau đó anh học thêm cách nhuộm của Nhật Bản và Trung Quốc qua các tài liệu online. Tuy nhiên, việc học và tìm hiểu qua các tài liệu trên mạng không có hệ thống bài bản, cũng không có tỉ lệ, nên bản Đức Huy đã phải thử nghiệm và mày mò khá nhiều. Bên cạnh đó, nhuộm tự nhiên liên quan chặt chẽ tới tính bản địa. Mỗi khu vực lại có hệ thực vật khác nhau. Không phải loại thực vật nào ở Trung Quốc, Nhật Bản có thì Việt Nam cũng có. Nên Đức Huy đã phải tìm nguyên liệu thay thế để nhuộm ra các màu tương tự.
Trong việc tìm hiểu về các cổ phục, các tài liệu trang phục xưa thường không nói rõ về màu sắc của trang phục, nhưng một số thì có ghi vải được nhuộm từ nguyên liệu gì. Thông qua việc thực hành nhuộm vải, Đức Huy càng hiểu thêm được cổ phục có những màu sắc, tông màu gì để hoàn thiện hơn việc nghiên cứu của mình. Hiện tại Đức Huy dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu, may các mẫu cổ phục như áo nhật bình, áo tấc, áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm.
Nguyên liệu nhuộm vải đa dạng
Nguyên liệu mà Đức Huy sử dụng để nhuộm vải là các nguyên liệu đến từ thiên nhiên, trong đó phổ biến nhất là thuốc bắc. Anh cho biết đây là nguyên liệu khô có thể dùng quanh năm và có thể dễ dàng tìm mua ở các tiệm thuốc bắc. Bên cạnh đó, anh cũng đã thử nghiệm bằng các nguyên liệu tự nhiên khác như củ nâu, gỗ tô mộc, lá bàng, hoa cúc, hồng hoa, hoa cúc vạn thọ hay lá chè, ổi. Tuy nhiên dùng những nguyên liệu tươi như hoa hay lá thì giá thành cao hơn, cũng khó tìm hơn nên anh luôn ưu tiên nguyên liệu khô.
Quá trình nhuộm vải cầu kỳ
Qui trình nhuộm vải của thường trải qua những bước cơ bản: nguyên liệu được cho vào nước, đun sôi khoảng 30 phút. Khi nước đun đạt đến màu sắc nhất định được đổ ra chậu thêm chút nước lạnh. Vải sau đó sẽ được cho vào chậu, ngâm trong 10 đến 15 phút. Vải sau khi ngấm màu được cho lên thanh gỗ, thanh nhựa phơi khô.
Tuy nhiên, có một số nguyên liệu phức tạp hơn ví dụ chàm sẽ phải trải qua một quá trình lên men để nhuộm hay có nguyên liệu phải ngâm với cồn để ra được màu. Tông màu nhuộm tự nhiên sẽ phức tạp hơn nhuộm màu công nghiệp vì muốn đậm thì phải nhuộm nhiều lần để chồng màu. Đôi khi người nhuộm tự nhiên phải nhuộm vài chục tới cả trăm lần mới ra được màu đậm. Khi phơi, vải nhuộm tự nhiên cũng phải phơi trong bóng râm.
Thời gian nhuộm sẽ mất khoảng 2-3 tuần tuỳ vào màu đậm nhạt. Trải qua nhiều thử nghiệm, thất bại, Đức Huy đã tìm ra hơn 50 sắc màu từ việc nhuộm thiên nhiên.
Một tấm vải được coi là nhuộm thành công thông qua độ bám màu trên vải. Sau khi nhuộm xong giặt vải không bay màu hoặc để ở chỗ có ánh sáng mà không bay màu hoặc bay rất chậm thì tấm vải đó được coi là nhuộm thành công.
Hiện anh đang nhuộm chủ yếu trên tơ tằm vì chất liệu này phù hợp với việc may cổ phục, cũng như nhuộm tơ tằm tạo ra sản phẩm có độ tươi sáng cao hơn vải bông hoặc các loại vải khác.
Giới trẻ thích thú với các sản phẩm cổ phục
Đức Huy cho biết, dịp cuối năm hay vào các dịp lễ, tết mọi người sẽ đặt cổ phục nhiều vì xu hướng diện cổ phục chụp ảnh. Tuy nhiên, cổ phục thường được các bạn trẻ ưa chuộng nhiều hơn, trong khi các sản phẩm cổ phục nhuộm từ nguyên liệu thiên nhiên thì độ tuổi sẽ khoảng 25 tuổi trở đổ lên.
Tốn nhiều công và nguyên liệu hơn, nên hiện sản phẩm được nhuộm tự nhiên ở cửa hàng của Đức Huy cao gấp 2-3 lần giá sản phẩm công nghiệp hoặc nhuộm thực phẩm, từ 3 tới 6 triệu. Cổ phục may bằng vải nhuộm tự nhiên cũng khá kén người mua, một tháng anh nhận được 2-3 đơn đặt hàng cổ phục may bằng vải nhuộm tự nhiên, trong khi cổ phục bằng vải khác có thể từ 10-20 đơn.
Dự định phát triển cổ phục may bằng vải nhuộm tự nhiên
Xác định đây là con đường lâu dài và nghiêm túc của mình, Đức Huy mong muốn tiếp tục nghiên cứu ra nhiều sắc màu được tạo bằng nguyên liệu tự nhiên. Anh cũng mong muốn có thể đa dạng hoá nhiều loại vải để làm được cổ phục từ nguồn trong nước, tạo họa tiết trên vải khi nhuộm thay vì nhuộm trơn như hiện tại. Bênh cạnh đó, Đức Huy cũng sẽ nghiên cứu sâu hơn các chất liệu vải Việt Nam để tạo thêm các nguồn vải mới, ứng dụng trong nhuộm tự nhiên.