Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo là nơi có văn hóa độc đáo và sống động nhất cả nước, kèm theo đó là những quy tắc hành xử riêng cũng đa dạng không kém. Thêm vào đó, thời đại hội nhập quốc tế cũng đã khiến cho một số phong tục truyền thống đang dần bị loại bỏ và thay vào đó là những nét hiện đại hơn. Hãy cùng chúng tôi điểm qua 8 điều mà bạn cần "nằm lòng" nếu có ý định du hí tới Tokyo trong thời gian này, để tránh không bị "ngợp" văn hóa và có một chuyến đi vừa ý nhất nhé.
1. chào hỏi
Người Nhật thường cúi chào khi gặp nhau. Thường thì người có địa vị thấp hơn sẽ cúi đầu trước và cúi thấp hơn người lớn tuổi. Tuy nhiên, hầu hết người dân Nhật Bản - đặc biệt là người trẻ ngày nay, lại không mong đợi một cái cúi đầu từ bạn nữa mà thay vào đó sẽ bắt tay nhau như một lời chào. Nếu gặp gỡ bạn bè, họ thường sẽ chào nhau với một phong cách bình thường hơn, gọi là ossu - có nghĩa "hey", "xin chào", "sao rồi", "khỏe không?"...
2. Sumimasen với arigatou
Người dân ở các quốc gia phương Tây thường có xu hướng nói cảm ơn khi ai đó giúp đỡ họ, như việc giữ giúp một cánh cửa hay trả lại một chiếc áo khoác trên ghế tàu điện ngầm chẳng hạn. Ở Nhật cũng tương tự như vậy, người ta sẽ nói lời cảm ơn với cụm từ "arigatou" trong tiếng Nhật. Nhưng để việc thể hiện sự biết ơn này trở nên tự nhiên và đúng kiểu Nhật nhất, hãy nói "sumimasen", có nghĩa là "xin lỗi vì đã làm phiền bạn".
3. Ăn ngoài
"Itadakimasu" là một biểu hiện lịch sự để nói với nhau trước bữa ăn, nhưng người ta lại không áp dụng điều này thường xuyên khi đi ăn ngoài, đặc biệt là với lớp người trẻ. Thường tại nhà hàng, đặc biệt tại những nhà hàng mà thực khách ngồi ở quầy đối diện trực tiếp với đầu bếp, họ sẽ nói "gochisou" hoặc "gochisousama" - tương đương với một lời khen của bạn dành cho đầu bếp, và được nói trước khi bạn rời đi.
4. Dịch vụ
Trong khi người phương Tây thường quen với việc chào hỏi, cảm ơn và để lại tiền tips cho các nhân viên phục vụ khi dùng bữa ngoài hàng, thì ở Nhật Bản, mọi thứ lại có một chút khác biệt. Thường mọi người sẽ không hồi đáp lại những câu chào mừng "irasshaimase" rất to từ nhân viên các trung tâm mua sắm mỗi lượt ra vào, kể cả khi bạn là những khách hàng đầu tiên trong ngày đi chăng nữa. Bạn cũng không cần phải để lại bất kỳ phần tiền tips nào với nhân viên vì phí dịch vụ đã được tích hợp vào hóa đơn.
5. Dùng đũa
Sẽ rất hữu ích nếu du khách biết cách sử dụng đũa khi đến Nhật Bản, và thực sự việc này cũng không mất quá nhiều thời gian để học. Nhiều nhà hàng truyền thống tại Nhật, ngoài đũa, họ thậm chí sẽ không có một lựa chọn nào để thay thế cho bạn ngoài muỗng súp kiểu Trung Hoa. Hãy tưởng tượng khó ra sao khi ăn mỳ nước mà không sử dụng đũa. Bên cạnh đó, bạn không nên chà hai chiếc đũa lại với nhau khi ăn trong nhà hàng vì điều đó thể hiện rằng "đây là những món ăn rẻ tiền". Và nếu sử dụng đũa dùng một lần, hãy đặt chúng trở lại vào túi giấy và gập góc lại khi bạn ăn xong.
6. dép đi trong nhà
Hãy luôn mang dép riêng dành cho khách bất cứ khi nào được yêu cầu. Thường giày dép của riêng bạn không được chào đón vào một số nơi, do vậy bạn phải bỏ chúng lại ở ngoài cửa với phần mũi hướng ra ngoài và được xếp ngay thẳng, lúc này bạn chỉ nên sử dụng dép đi trong nhà. Việc bạn mang giày vào các khu vực như các khu bảo tồn, đền chùa hay phòng trà đạo sẽ bị xem là một hành động thiếu tôn trọng. Tại phòng khách sạn, người ta thường đặt cho khách một đôi dép riêng trong phòng vệ sinh và chỉ để khách đi chúng trong đó. Nếu bạn đến nhà của ai, hãy luôn đảm bảo đặt giày của bạn ở ngoài và lấy dép đi trong nhà nếu chủ nhà cung cấp (một số gia đình thì lại chọn đi tất chân trong nhà mà không cần dép).
7. Lái xe
Nhật Bản lái xe ở bên trái, với vị trí của người lái xe ngồi ở bên phải chiếc xe. Các biển chỉ dẫn sẽ được ký hiệu bằng tiếng Anh hoặc Romaji, và tốc độ được tính bằng km. Sở hữu giấy phép lái xe quốc tế được chấp nhận tại nhiều quốc gia sẽ cho phép bạn được lái xe ở Nhật Bản trong tối đa một năm. Làn đường dành cho xe đạp cũng bị hạn chế ở Tokyo, vì vậy nếu đi xe đạp thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần phải đi chung đường với những chiếc xe lớn hơn.
8. Tiếng Nhật và tiếng Anh
Các biển báo và thông báo bằng tiếng Anh không được phổ biến rộng rãi trong toàn nước Nhật, ngoại trừ các khu du lịch lớn như Công viên Yoyogi hay các ga tàu điện ngầm. Nhiều người Nhật không nói hoặc không muốn nói tiếng Anh. Ngoài ra, do số lượng lớn người nước ngoài ở các thành phố như Tokyo có khả năng nói tiếng Nhật khá tốt, bởi vậy người dân địa phương thường sẽ chọn nói theo phương ngữ bản địa của họ trước tiên. Tuy nhiên, những sinh viên đại học nghiên cứu ngôn ngữ và các giáo sư sử dụng tiếng Anh cho công việc vẫn rất vui vẻ khi được thực hành ngôn ngữ với du khách.