Những món ngon phải thử trong mùa nước nổi

18/10/2017

Vào mùa nước nổi, thường từ cuối tháng 9 tới tháng 11 hằng năm, người dân vùng sông nước Nam bộ đua nhau săn bắt những sản vật tự nhiên chỉ riêng mùa này mới có. Với một tâm trạng háo hức, các chị miền Tây bắt đầu lên thực đơn cho cả nhà hoặc đãi khách phương xa bằng những món ngon nhớ đời.

Khi nước nổi phủ trắng ruộng đồng, cá linh rút vào đồng nước trốn sóng to gió lớn. Lúc bấy giờ, cá lớn cỡ đầu ngón út, người ta gọi là cá linh non. Cùng lúc, điên điển cũng đã trổ bông. Nước đã tràn đồng nên bông súng ma (bông súng dại) cũng bắt đầu xuất hiện.

Cá linh non thịt ngọt, xương mềm, béo ngậy nên làm món nào cũng ngon. Nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là món canh chua. Cá linh chỉ cần thêm bông so đũa cũng có thể có được tô canh chua nóng hổi, thơm lừng. Hoặc chỉ cần vài trái me non hay chanh tươi, cộng thêm vài đọt húng quế, ớt tươi, ta vẫn có món canh dân dã ăn kèm với cá kho quẹt. Tuy nhiên, với những ai sành ăn thì canh chua cá linh không gì sánh bằng bông điên điển hoặc bông súng ma. Với người dân địa phương, đây quả là món ngon không đâu sánh được, bởi cá linh là loài cá tự nhiên chỉ có vào mùa nước nổi, và điên điển cũng thế. 

Bông điên điển nấu canh chua

Chợ thì xa, nhà lại nằm giữa tứ bề nước phủ, gặp bữa họp mặt gia đình, các chị miền Tây một lần nữa cho thấy sự linh hoạt của mình bằng một bữa tiệc bánh xèo “ngon, độc, lạ” từ cá linh và bông điên điển. Bông điên điển thay cho giá, cá linh làm sạch bằm nhuyễn xào lên thay cho nhân tôm thịt. Dường như cặp đôi cá linh - bông điên điển sinh ra là để dành cho nhau, nên khi kết hợp lại khiến cho món nào cũng ngon, và món bánh xèo cũng không ngoại lệ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cá kèo nướng

Mùa nước nổi, nếu bông điên điển gợi nhớ món canh chua hay bánh xèo cá linh thì bông súng lại khiến người ta thèm món mắm kho bông súng. Mùa này không ai đi chọn ăn bông súng tím (bông súng trồng) bởi bông súng ma mọc tự nhiên vừa nhiều mà lại mềm và ngọt hơn nhiều. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác. Vị mắm kho đậm đà, hơi cay kết hợp với vị ngọt và giòn của bông súng đã tạo thành một món ăn dân dã tuyệt vời cho vùng Đồng Tháp mùa nước nổi.

Cơm sen huyết rồng Đồng Tháp

Ngoài cá, mùa này ếch cũng nhiều vô kể. Nước ngập trắng đồng, vì vậy mà người ta không hơi đâu bắt ếch bằng những công cụ thông thường như soi đèn, câu nhấp mà thay bằng đặt lợp để vừa bắt được nhiều lại đỡ tốn công. Ếch mùa lũ thường tất to, béo múp, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Nhìn chúng, mấy chị miền Tây nhớ ngay đến món ếch xào lá cách hoặc xào lăn nước cốt dừa. Còn cánh mày râu thích lai rai thì ếch nướng xả ớt hay nướng mọi là số một.

Lẩu cá linh bông điên điển

Nhắc đến những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức vào mùa nước nổi, chắc chắn không thể bỏ qua món chuột đồng chạy lũ. Khi nước bắt đầu tràn đồng, lũ chuột không còn cách nào khác là tìm những gò cao hoặc những ngọn cây cao để tá túc qua ngày. Và đây cũng chính cơ hội ngàn vàng cho người đi săn chuột đồng. Mùa này, chuột vừa là cơ hội cho người vùng lũ kiếm thêm thu nhập vừa là nguồn cảm hứng ẩm thực cho mấy chị trổ tài làm những món ngon.

Cá tai tượng chiên xù

Nói đến chuột không thể không nhớ đến Cao Lãnh (Đồng Tháp), nơi được xem là “chợ đầu mối” về thịt chuột cho thực khách khắp nơi. Và cũng chính Cao Lãnh là nơi khai sinh ra món thịt chuột quay lu nức tiếng xa gần. Tuy nhiên, với người miền nước nổi, thịt chuột có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như xào lăn, xé phay, xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai, bạn sẽ hiểu tại sao đây là một trong những đặc sản nổi tiếng Đồng Tháp mà ta không thể bỏ qua.

Ẩm thực không chỉ là nghệ thuật chế biến món ăn. Với người miền Tây, đó là cách nâng niu, lưu giữ những sản vật vô giá của mùa nước nổi. 

Bài: Phát Nguyễn | Ảnh: Nam Chấy

RELATED ARTICLES