Những nhầm lẫn về người hướng nội và người hướng ngoại

16/07/2021

Có khi nào bạn bị hoang mang vì mình là người hướng nội song lại mang chút tính cách của người hướng ngoại (hoặc ngược lại)? Không chỉ bạn, sự hoang mang đó xảy ra với rất nhiều người, bởi cách ta đang hiểu sai về khái niệm Hướng Nội và Hướng Ngoại.

Những định kiến phổ biến về tính hướng nội và tính hướng ngoại trong cuộc sống

Tính hướng nội và tính hướng ngoại từ lâu đã trở thành những khái niệm quen thuộc trong cuộc sống mà chúng ra rất dễ bắt gặp. Nó thậm chí đã trở thành một câu cửa miệng khi nhiều người muốn nhận xét về một ai đó hay muốn tự giới thiệu về bản thân.

Chẳng hạn như khi thấy một người nói chuyện rất tự nhiên, cuốn hút trước đám đông, hẳn sẽ có ai đó nhận xét như "cậu ấy đúng là một người hướng ngoại". Hoặc khi một người tự giới thiệu rằng "tôi là một người hướng nội" thì cũng đủ khái quát rằng tính cách của họ có phần rụt rè, dễ ngại ngùng.

Tuy nhiên, dù được sử dụng phổ biến như vậy nhưng không phải ai cũng thực sự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về những khái niệm này. Thay vào đó, chúng ta thường sử dụng chúng dựa trên những cách hiểu đại khái, mang tính bề nổi. Cách hiểu đó dần dần khiến cho chúng ta hình thành những định kiến về những người mà ta cho là giống với hướng nội và hướng ngoại, làm giảm đi giá trị của những khái niệm này trong việc nhìn nhận, thấu hiểu con người.

Ảnh: Personality Central

Ảnh: Personality Central

Những định kiến phổ biến về tính hướng ngoại mà chúng ta thường bắt gặp:

- Luôn thích đi ra ngoài và tương tác với đám đông, thích sống tập thể.

- Thích diễn đạt bằng lời nói, thường hay nói nhiều.

- Rất dễ bắt chuyện, thích làm quen với người khác.

- Thường đưa ra quyết định dựa theo những thứ nhất thời mà không xem xét kỹ.

- Thường sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc hành động để hỗ trợ cho việc diễn đạt ý nghĩ.

- Thường bị căng thẳng, thậm chí trầm cảm, rối loạn tâm lý nếu như phải cô lập với thế giới bên ngoài quá lâu.

Và những định kiến phổ biến về tính hướng nội mà chúng ta thường bắt gặp là:

- Thận trọng khi đưa ra quyết định, thường thăm dò, suy nghĩ rồi mới đưa ra quyết định.

- Khi gặp chuyện buồn hay bị tổn thương thì thường tìm khoảng lặng để có thể ở một mình.

- Thích trò chuyện riêng khi chỉ có 2 người.

- Thường tự suy nghĩ và đưa ra quyết định, ít khi hỏi ý kiến người khác.

- Suy nghĩ nhiều nhưng ít nói, không dám bộc lộ ý kiến riêng, chỉ khi có ai hỏi mới nói ra quan điểm của mình.

- Không sợ bị cô lập, thậm chí là chủ động tự cô lập bản thân, thích sống nội tâm.

Trên thực tế, mỗi cá nhân sẽ không bao giờ luôn luôn cư xử cực đoan chỉ theo một thái cực như vậy. Những người có tính hướng nội vẫn có thể thích giao du bên ngoài và những người có tính hướng ngoại vẫn có thể thích được yên tĩnh một mình. Những xu hướng này còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân, tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh hoặc giai đoạn. Việc tin vào những nhận định phổ biến này rất dễ khiến chúng ta rơi vào sự định kiến khi nhìn nhận và xét đoán những người khác một cách phiến diện, một chiều vì nó chỉ dựa trên những biểu hiện bên ngoài, nhưng lại không mô tả được bản chất tại sao họ lại có những hành động, biểu hiện như vậy.

Nói cách khác, những định kiến này không giúp chúng ta rút ra được bản chất, quy luật bên trong của mỗi nhóm xu hướng tính cách để có thể thấu hiểu hơn về cách suy nghĩ của những người xung quanh ta. Trái lại, việc nhận định tính cách chỉ dựa trên những biểu hiện bên ngoài, bề nổi như vậy còn khiến ta dễ hiểu nhầm về người khác, dẫn đến những sai lệch trong cách tiếp cận, ứng xử với những người xung quanh.

Tái định nghĩa về tính hướng ngoại và tính hướng nội

Nhà Tâm thần học và Phân tâm học gốc Thụy Sĩ Carl G. Jung đã viết cuốn Psychological Types (được dịch ra tiếng Việt với tựa đề "Anh là ai, tôi là ai") vào năm 1921 để đưa ra một trong những khái niệm mang tính bước ngoặt nhất trong việc nghiên cứu về nhân cách con người của ông: Khái niệm về tính hướng ngoại (Extraversion) và tính hướng nội (Introversion). Hãy cùng tìm hiểu bản chất của những khái niệm này để có thể áp dụng một cách chính xác nhất vào cuộc sống.

Tính hướng nội (Introversion)

Người hướng nội có xu hướng cảnh giác với những yếu tố tác động từ khách quan để bảo vệ thế giới chủ quan của mình. (Ảnh: Personality Central)

Người hướng nội có xu hướng cảnh giác với những yếu tố tác động từ khách quan để bảo vệ thế giới chủ quan của mình. (Ảnh: Personality Central)

Người có xu hướng hướng nội định nghĩa thế giới khách quan dựa trên những tiêu chí chủ quan. Đồng thời họ cũng sẽ được định hướng suy nghĩ bằng những tiêu chí chủ quan này.

Tính hướng nội là quá trình hình thành năng lượng từ bên trong, thông qua sự định hướng của bản thân người hướng nội về quyền lực chi phối với những điều thuộc về chủ quan trong cuộc sống, chẳng hạn như suy nghĩ riêng, cảm xúc riêng, kinh nghiệm cá nhân… Người hướng nội càng được duy trì, tự khẳng định những điều chủ quan này thì họ sẽ càng cảm thấy tự tin, thoải mái.

Điều này không có nghĩa là người có tính hướng nội sẽ luôn trong trạng thái quan sát nội tâm, mà thay vào đó họ có thể thể hiện ra bằng cái nhìn chủ quan của họ về thế giới bên ngoài. Họ có thể diễn giải về những sự vật, sự việc khách quan dựa trên góc nhìn chủ quan như nói về cảm xúc cá nhân, kinh nghiệm cá nhân, tiêu chuẩn cá nhân...

Cái nhìn chủ quan là thể hiện của một hiện thực chủ quan được hình thành bên trong suy nghĩ của những người có tính hướng nội, đó hoàn toàn không phải là một hiện thực khách quan. Đối với họ, mỗi sự vật đều phải được tái tạo lại ở thế giới bên trong.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bởi vì năng lượng của người có tính hướng nội tách rời khỏi những sự vật khách quan nên họ sẽ có những biểu hiện như kín đáo, khó đoán khi tiếp cận với những đối tượng mới. Để giải thích về điều này thì chúng ta nên hiểu về hành vi tạo ra “khoảng cách” của những người hướng nội. Họ thường tạo khoảng cách giữa bản thân và thế giới bên ngoài để có thể duy trì thế giới chủ quan bên trong họ, và việc này thường bị hiểu lầm rằng họ đang ngại ngùng hoặc lo sợ nhưng kỳ thực thì không hẳn là như vậy. Đó chỉ là cách họ tự bảo vệ thế giới chủ quan bằng cách dè chừng những tác động từ khách quan mà thôi.

Nói tóm lại, bản chất của người hướng nội là họ quan tâm đến việc bảo toàn chủ thể khỏi những tác động của khách thể.

Tính hướng ngoại (Extraversion)

Người hướng ngoại có xu hướng muốn gây ảnh hưởng, tác động lên các đối tượng khách quan. (Ảnh: Personality Central)

Người hướng ngoại có xu hướng muốn gây ảnh hưởng, tác động lên các đối tượng khách quan. (Ảnh: Personality Central)

Người có xu hướng hướng ngoại sẽ định nghĩa thế giới nội tâm dựa trên những tiêu chí khách quan, đồng thời được định hướng tiêu chuẩn, hành động bằng những sự vật hiện tượng, những thông tin tới từ khách quan.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý rằng những góc nhìn dù cho được coi là khách quan tới đâu cũng đều có một sự chủ quan nhất định. Vì góc nhìn của một cá nhân là không toàn diện nên việc nắm bắt được hoàn toàn thế giới khách quan là điều gần như không thể. Ở đây ta có thể hiểu sự khách quan này được dựa trên giới hạn nhận thức chủ quan của người hướng ngoại, rằng họ luôn cố gắng chối bỏ những yếu tố chủ quan của bản thân khi đang tiếp nhận thông tin về đối tượng, nhưng kì thực những yếu tố chủ quan đó vẫn sẽ phần nào tác động tới góc nhìn của họ.

Tính hướng ngoại là quá trình hình thành năng lượng bằng các yếu tố khách quan bên ngoài, những tiêu chuẩn của khách quan là quan trọng nhất đối với người có tính hướng ngoại. Vì luôn được định hướng bằng các tiêu chí của khách quan, người hướng ngoại có xu hướng thay đổi bản thân để thích nghi với ngoại cảnh. Càng có khả năng thích nghi/tác động tới ngoại cảnh thì họ càng cảm thấy tự tin, thoải mái và nhiều năng lượng.

Người hướng ngoại thường có xu hướng suy nghĩ và hành động theo cách trực tiếp và tương ứng với những tình trạng đang diễn ra ở bên ngoài trong thời điểm hiện thời.

Người có tính hướng ngoại không cần thiết phải là những người có kỹ năng giao tiếp xã hội tốt, vì điều này còn tùy thuộc vào khả năng cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, việc không thể thích nghi/tác động tới ngoại cảnh lâu dần có thể khiến người hướng ngoại trở nên kém tự tin, mất động lực của bản thân.

Thậm chí, việc bỏ mặc thế giới nội tâm cũng có thể gây ra nỗi đau đớn khổ sở cho những người có tính hướng ngoại. Họ có thể thay đổi để thích nghi với những điều kiện khách quan nhưng nếu những điều trong thế giới chủ quan như cảm xúc cá nhân, ý kiến cá nhân bị dồn nén mà không được thoả mãn, bộc lộ thì họ cũng rất dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng. Những lúc như vậy họ sẽ trở nên khép kín, ít bộc lộ hơn như một cách để định hình lại bản thân.

Hơn nữa, những người có tính hướng ngoại luôn chịu sự chi phối của thế giới khách quan, vì vậy trong suy nghĩ của họ có thể tồn tại hai trường hợp: hoặc hòa hợp với môi trường hoặc chống lại môi trường không phù hợp. Tuy nhiên, nếu để so sánh thì trong những trường hợp không hòa hợp với môi trường bên ngoài, người hướng nội sẽ ở trong tư thế phòng thủ hoặc lảng tránh, còn những người hướng ngoại thì sẽ chủ động chống lại thế giới bên ngoài trong một tư thế tấn công.

Tổng kết lại, ta có thể rút ra bản chất của những người có tính hướng ngoại là họ quan tâm tới việc chủ thể có thể tác động thế nào tới khách thể.

người hướng ngoại hoặc hướng nội có thể làm gì để bảo toàn/tái tạo năng lượng của mình?

Người hướng nội và người hướng ngoại có những cách riêng để bảo toàn/tái tạo năng lượng cho chính mình. (Ảnh: Personality Central)

Người hướng nội và người hướng ngoại có những cách riêng để bảo toàn/tái tạo năng lượng cho chính mình. (Ảnh: Personality Central)

Như đã nói, người hướng nội có xu hướng bảo toàn thế giới chủ quan của mình, cố gắng tránh những yếu tố tác động từ ngoại cảnh. Thế giới chủ quan bao gồm những yếu tố như: cảm xúc cá nhân, sự gắn bó cá nhân, kinh nghiệm cá nhân, quan điểm hay góc nhìn cá nhân... Việc có thể duy trì sự kiểm soát của bản thân với những yếu tố cá nhân này khiến cho những người hướng nội cảm thấy tự tin, an toàn và thoải mái.

Mặt khác, người hướng nội sẽ cảm thấy mất năng lượng khi phải đối mặt với những môi trường có nhiều biến đổi, thách thức những yếu tố chủ quan của họ. Chẳng hạn như họ cảm thấy những gì diễn ra trong môi trường xung quanh đang nằm ngoài kinh nghiệm của bản thân, hoặc bị những người khác tác động để thay đổi quan điểm vốn có của mình.

Dựa vào những đặc điểm trên, cách để những người hướng nội có thể bảo toàn/tái tạo lại năng lượng của bản thân là họ nên tìm tới những môi trường, những mối quan hệ, những sự vật vốn đã có chung sự hoà hợp, gắn bó về cảm xúc, quan điểm, góc nhìn, kinh nghiệm đối với họ và tránh những môi trường quá khác biệt hay đối lập. Việc được ở trong một môi trường đã có chung những giá trị khiến cho người hướng nội cảm thấy được bảo vệ giá trị cá nhân, khẳng định vững chắc hơn về bản thân mình; điều này giúp họ cảm thấy tự tin, thoải mái và không cần phải cảnh giác. Đó cũng chính là cách những người hướng nội có thể làm để bảo toàn/tái tạo lại năng lượng cho mình.

Webp.net-resizeimage

Người hướng ngoại, trái lại, lại có nhu cầu được tác động/xoay chuyển những đối tượng khách quan. Họ quan tâm tới việc liệu chủ thể có thể làm gì để tạo ra ảnh hưởng tới khách thể. Việc tạo ra sự ảnh hưởng càng rộng càng tốt tới môi trường khiến cho những người hướng ngoại cảm thấy tự tin, rằng họ đang nắm bắt, duy trì sự kiểm soát của mình tới môi trường bên ngoài.

Việc không thể duy trì sự tác động của bản thân tới môi trường khách quan có thể khiến người hướng ngoại cảm thấy mất kiểm soát, căng thẳng, thậm chí sợ hãi vì không thể định vị được bản thân mình, không thể xác định suy nghĩ hay hành động của bản thân.

Để tránh rơi vào tình trạng đó, người hướng ngoại nên tìm kiếm những môi trường nơi họ được thoải mái tranh luận, thuyết phục, tạo ảnh hưởng tới những người khác. Họ luôn cần môi trường có nhiều biến đổi, có nhiều yếu tố mới để thoả mãn nhu cầu nắm bắt thế giới khách quan của mình. Đó chính là cách những người hướng ngoại được tiếp thêm năng lượng.

Gibson-Guitar-Used-by-Lisa-Kudrow-Phoebe-Buffay-in-Friends-Season-3-Episode-14-3

Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp tới cuộc sống của chúng ta như hiện nay, việc kết nối với những mối quan hệ, những môi trường hợp với bản thân mình là một điều rất hạn chế. Lúc này, những người hướng nội có thể chọn các hoạt động mang tính bảo vệ, bồi đắp cho thế giới chủ quan của mình như: đọc sách, dịch sách, viết lách, vẽ tranh..., miễn là họ cảm thấy điều này gắn bó, quen thuộc với mình; hay cố gắng duy trì các thói quen vốn có để thích nghi với tình hình mới.

Còn những người hướng ngoại, vốn luôn cần sự kích thích từ môi trường khách quan, khi bắt buộc phải ở nhà thì có thể chọn cho mình những hoạt động như: tham gia hội nhóm online để được tranh luận, tương tác; tìm kiếm những thông tin, trau dồi kiến thức mới; hoặc bắt đầu một hoạt động mới đòi hỏi họ phải tìm hiểu, thử nghiệm và có sự tương tác liên tục.

Thông tin thêm

Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về "hướng nội", "hướng ngoại" hay MBTI, bạn có thể truy cập vào page MBTI cùng MeU. Đây là một trong những nhóm thường đăng tải và chia sẻ thông tin hữu ích, đa dạng và dễ hiểu về những mẫu hình tính cách khi được đặt trong cuộc sống đời thường.

Nguồn tham khảo: Psychological Types - Carl G. Jung

Minh Thắng
RELATED ARTICLES