Sigiriya hay còn gọi là Pháo đài Sư Tử (Lion Rock) là một lâu đài cổ nằm ở trung tâm của đảo quốc Sri Lanka, trên một cao nguyên đá cao 370 m so với mực nước biển. Cao nguyên đá Sigiriya được hình thành sau khi núi lửa phun trào với độ cao hơn 200 m so với những cánh rừng bao phủ bên dưới. Quang cảnh là sự hài hòa tuyệt đối giữa vẻ đẹp thiên nhiên và bàn tay sáng tạo của con người.
Trên cao nguyên đá Sigiriya bằng phẳng này có hệ thống dấu tích thành cổ Sigiriya, thủ đô do vua Kassapa I (448 - 495) xây dựng nên vào thế kỷ V. Cung điện hoàng gia được xây dựng trên đỉnh đá được xem là nơi bất khả xâm phạm và được trang trí bằng những bức bích họa lộng lẫy đầy màu sắc. Sau cái chết của Kassapa I, cung điện này được sử dụng như một tu viện Phật giáo.
Di tích ấn tượng về cố đô này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay với hệ thống pháo đài phức tạp, được bao quanh là những khu vườn bậc thang, lối đi dạo, ao hồ, kênh rạch, đài phun nước và các tác phẩm điêu khắc trên đá, giờ đã đổ nát do tách biệt với thế giới bên ngoài suốt hàng trăm năm. Lối đi chính của cung điện nằm ở phía bắc của cao nguyên đá, được thiết kế như một con sư tử đá khổng lồ, phần chân của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, tuy nhiên phần cơ thể phía trước đã bị thời gian phá hủy. Vì bức tượng sư tử đá mà nơi đây có tên là Sigiriya, bắt nguồn từ Sihagri có nghĩa là sư tử.
Những công trình kiến trúc và khu vườn ở Sigiriya những nghệ nhân xưa đã sử dụng những kỹ xảo, công nghệ vô cùng độc đáo trong quá trình chế tác. Việc xây dựng những pháo đài trên cao nguyên đá cao hơn 200 m đã là một kĩ thuật đỉnh cao, tiên tiến so với thời đại bấy giờ.
Bức tường phía tây của Sigiriya có những bức bích họa khổng lồ, dài 140 m và cao 40 m, được khắc trên đá dưới triều vua Kasyapa I, mô tả các mỹ nữ Sigiriya. Danh tính của những người mẫu này vẫn là điều bí ẩn, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là những phi tần hoặc những nữ tư tế đang tiến hành các nghi thức tôn giáo. Ước tính đã từng có 500 bức họa tại khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 22 bức, trong đó một số bức còn khá nguyên vẹn với màu sắc tươi tắn và sống động. Những bức họa này được coi là khởi nguồn cho phong cách tượng hình tồn tại qua nhiều thế kỷ và cũng là những tuyệt phẩm mà con người ngày nay không khỏi thán phục. Đường nét uyển chuyển trong các bức họa được cho là giống với phong cách vẽ Ajanta, Ấn Độ.
Trên tường, còn có những bài thơ khắc trên đá của các vị khách thập phương được gọi là Sigiri graffiti, những văn bản cổ xưa nhất trong ngôn ngữ Sinhalese. Do đó, nơi đây được xem là di sản lớn nhất của cố đô dưới triều vua Kassapa I.
Năm 1982, UNESCO đã công bố thành cổ Sigiriya của Sri Lanka là Di sản Văn hóa thế giới, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Dẫu không còn là một cung điện và pháo đài nguyên vẹn, nhưng với sự bảo tồn cẩn thận, nơi đây được xem như thành cổ hoàn hảo với hệ thống thủy lực vẫn hoạt động cho tới ngày hôm nay. Những vết tích quý giá còn lại của Sigiriya cũng đủ để thấy sức mạnh và khả năng sáng tạo phi thường của người Sri Lanka xưa.