Tản mạn chuyện làm bánh và khắc khuôn thủ công

14/09/2017

Hàng năm cứ đến khoảng thời gian này, nhà nhà lại náo nức xếp hàng bên tiệm bánh trung thu truyền thống, tiếng đập bánh từ chiếc khuôn gỗ lại rộn ràng trong gian bếp cũ, mùi bột nướng cứ thế mà lan khắp phố phường.

Bánh trung thu, ôm trọn cả một “vầng trăng” đỏ au trong lòng, là chiếc bánh của ngày đoàn viên, ngày mà ông bà nhâm nhi tách trà cùng bố mẹ, bọn trẻ con lon ton xách lồng đèn gặp chị Hằng Nga. Chuyện làm bánh trung thu, tưởng đơn giản, vo nhân nhào bột, thế mà lại không dễ. Chưa kể đến chuyện cân đo đong đếm bột đường, muốn làm bánh trung thu đầu tiên, phải bắt đầu từ việc… đi chọn chiếc khuôn làm bánh.

 

Giữa những chiếc khuôn nhựa đa dạng nhiều màu sắc, và hệ thống sản xuất dây chuyền công nghiệp, khuôn bánh truyền thống vẫn là loại sản xuất ra chiếc bánh trung thu có đường nét sắc sảo nhất. Mỗi chiếc khuôn gỗ là một chiếc duy nhất, được điêu khắc bằng tay, đục đẽo tạo hình trong nhiều tiếng đồng hồ. Gỗ được chọn luôn là loại gỗ tốt, bền, ít mối mọt, và đủ mềm để khắc các đường nét tinh tế. Người thợ khắc khuôn bánh, trước hết là người giỏi nghề mộc, nghề điêu khắc, sau đó lại phải biết nghề bánh. Lệch tay một chút là hoa văn đã khác nhau, không còn đồng đều. Nếu khắc khuôn sâu, bánh sẽ dầy, khắc nông, bánh bị mỏng. Bởi thế, làm ra chiếc khuôn gỗ rất cầu kỳ, chỉ những bếp chuyên làm bánh thủ công, hay người có yêu cầu cực cao về sản phẩm mới dám đầu tư cho chiếc khuôn gỗ ‘đắt xắt ra miếng’ thế này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Xong chuyện chọn khuôn, mới đến lúc chuẩn bị bánh. Bánh trung thu bây giờ cũng đa dạng từ mặn đến ngọt, từ bánh trung thu nướng đến bánh trung thu tuyết hay trung thu rau câu. Quen thuộc nhất, vẫn là món bánh nhân thập cẩm theo công thức truyền thống của bà, bao gồm các nguyên vật liệu như lạp xưởng, thịt nạc, mỡ phần, lạc, vừng… Ăn bánh trung thu, hấp dẫn nhất là lòng đỏ trứng muối nằm ở giữa, có màu vàng cam óng ánh, đã được ngâm rượu Mai Quế Lộ và đem nướng, ăn thơm bùi béo béo.

Muốn làm bánh phải nấu nước đường bánh nướng cả tháng trước khi nướng bánh (tối thiểu khoảng 2 tuần). Đem đường sên với nước, thêm chanh, mạch nha và nước tro tàu. Nước đường để càng lâu, màu càng sậm và sánh, đem phết bánh được mẻ bánh thơm, mềm hơn với màu nâu vàng đẹp mắt. Phần nhân thập cẩm truyền thống, hồi những năm 90, thường là nỗi sợ của bọn con nít, bởi cứ hăng hăng mùi dầu, ngọt đến kỳ quái với các loại nhân mặn. Bánh trung thu thập cẩm bây giờ ngon hơn nhiều, bởi người ta không còn tiết kiệm bằng cách thêm thật nhiều đường và dầu ăn (để bảo quản lâu hơn). Vẫn làm từ đủ thứ nguyên vật liệu cổ điển như lạp xưởng, mỡ phần, lạc rang, vừng trắng, mứt bí, hạt sen, lá chanh… Đem xay nhuyễn rồi trộn vào nhau, thêm rượu Mai Quế Lộ, rồi vo thành từng viên tròn làm nhân. Vỏ bánh làm từ bột mì, trứng gà, nước đường, thường có trọng lượng chỉ bằng ½ nhân bánh. Dùng tay hoặc cán dàn phẳng bột vỏ, để phần bột vừa đủ ôm 2/3 phần nhân, sau đó dùng tay vừa xoay vừa miết bột để phần vỏ ôm chặt vào phần nhân, bằng cách này bạn sẽ không tạo ra lớp khí rỗng giữa nhân và vỏ.

Bánh trung thu không khó làm, nhưng lại đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của người làm bếp và thời gian chuẩn bị. Thậm chí cả khi nướng, mỗi chiếc bánh phải trải qua 2-3 lần nướng trước khi có lớp vỏ vàng nâu bóng, mang trên mình lớp hoa văn tinh xảo, đại diện cho những điều tốt lành trong ngày đoàn viên. 

Text: Phan Các Trúc

Photos: Kira Creative & Nhà Còi

RELATED ARTICLES