Theo người Mông đi hái lá chè Shan Tuyết cổ thụ - Đặc sản của người Tà Xùa

16/02/2019

Nhắc đến Tà Xùa, người ta không chỉ nhớ đến "sống lưng khủng long" hùng vĩ, những đám mây trời bạt ngàn chốn rừng núi hoang vu mà còn nhớ đến đặc sản chè Shan Tuyết cổ thụ. Theo chân cô gái người Mông tên Tồng hiện đang ngụ tại Trà Mây Hostel, Tà Xùa, tôi đến bản Bẹ, xã Tà Xùa để hái lá chè Shan Tuyết, chế biến thành cốc trà Shan Tuyết thượng hạng.

Trà Shan Tuyết là đặc sản ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Thông thường, người ta biết đến Tà Xùa là nhờ có sóng lưng khủng long huyền thoại, có thể săn được những biển mây đẹp đến ngây ngất lòng người. Thế nhưng, bạn cũng đừng quên ở Tà Xùa có cả trà Shan Tuyết, thứ đặc sản được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà Việt”. Và để có được một cốc trà Shan Tuyết ngon thượng hạng, quy trình hái lá chè, làm trà quả thực không hề đơn giản.

Empty

Vào một buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu ghé thăm Tà Xùa, tôi cùng Tồng đi hái lá chè Shan Tuyết ở bản Bẹ. Từ Trà Mây Hostel, chúng tôi đi thẳng theo con đường lên bản Bẹ, Tà Xùa. Cũng may, con đường đã được trám xi măng, vì vậy mà cuộc hành trình của chúng tôi không có gì là quá khó khăn.

Đường đi lên bản Bẹ quanh co, gấp khúc

Đường đi lên bản Bẹ quanh co, gấp khúc

Đường đi lên bản Bẹ đẹp ngây ngất, hai bên đường là biển mây vây kín lối. Đoạn tôi thấy đẹp nhất, vẫn là đoạn một bên có thể nhìn thấy toàn bộ Bắc Yên đang ngập chìm trong những áng mây trời bồng bềnh, một bên là biển mây ở Sống lưng khủng long huyền thoại.

Những áng mây bồng bềnh trắng như tuyết phủ kín bên đường

Những áng mây bồng bềnh trắng như tuyết phủ kín bên đường

Tiếp tục di chuyển trên con đường ấy, chúng tôi phải đi sâu vào bên trong núi. Càng đi sâu vào bên trong, những ngôi nhà của người Mông bắt đầu xuất hiện. Đang là mùa tết của người Mông, nên các em bé Mông cũng ngồi chơi ở hai bên góc đường.

Con đường bắt đầu trở nên lầy lội và khó khăn vô cùng khi đi sâu vào trong núi. Có đoạn, chúng tôi còn trượt cả bánh xe, hai người con gái xém chút nữa té lăn ra ngoài đường.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Cây chè Shan Tuyết 300 năm tuổi

Cây chè Shan Tuyết 300 năm tuổi

Những cây chè Shan Tuyết bắt đầu xuất hiện. Tồng bảo với tôi rằng, những cây chè Shan Tuyết sống tự do trên núi đã có tuổi đời lên đến 300-400 năm tuổi. Cây chè Shan Tuyết thoạt nhìn có thân cây cứng cáp, to, và có phần xù xì. Lá cây chè mịn màng, những lá đã già có vẻ hơi to và chẻ ra ngoài.

Để hái được chè, Tồng phải leo lên tận ngọn cây. Những đọt lá chè xanh tươi mơn mởn lần lượt được bỏ vào gùi. Trà ngon hay không, phần lớn dựa vào lá chè. Thông thường, người hái sẽ lựa chọn những lá non, lá chè đã già thì không hái vì làm trà không ngon.

Người con gái Mông đang hái chè

Người con gái Mông đang hái chè

Một ngày, những người dân ở Tà Xùa có thể hái được 2 chiếc gùi đầy lá chè mang về nhà. Chè Shan Tuyết phải hái theo mùa mới được nhiều lá cho nên dân ở Tà Xùa thường hái lá từ tháng 3 đến tháng 9. Mùa nhiều lá nhất rơi vào khoảng tháng 4, tháng 5.

Chiếc lá non khi được hái

Chiếc lá non khi được hái

Sau khi đã hái xong, chúng tôi di chuyển về lại nhà máy chè Shan Tuyết để xem công đoạn làm trà. Sau khi hái về, lá chè được bỏ vào những chiếc nia (nong) to và phơi cho đến khi chè rũ nước, tiếp đó sẽ mang chè qua chiếc máy xay chè tươi. Sau đó, đổ toàn bộ chè đã được xay xong vào máy vò chè. Chè được chia làm hai loại là chè trúc và chè viên. Tùy từng loại sẽ mang đặt vào hai chiếc máy khác nhau để tạo ra hình cho lá chè.

Trà trúc (trái), trà viên (phải)

Trà trúc (trái), trà viên (phải)

Sau công đoạn tạo hình, chè tiếp tục được đưa vào máy sấy khô trước khi đóng gói thành thành phẩm.

Máy xay chè Shan Tuyết

Máy xay chè Shan Tuyết

Máy tạo hình dáng cho chè viên

Máy tạo hình dáng cho chè viên

Máy tạo hình dáng cho chè trúc

Máy tạo hình dáng cho chè trúc

Công đoạn pha trà cũng cực kỳ khó. Để có được một chén trà ngon, đầu tiên phải dùng muỗng để múc gỗ trà từ trong bọc bỏ vào ấm trà. Sau khi đã nấu nước xong, không đổ nước thẳng vào ấm đang có trà mà phải đổ vào một ấm khác. Tiếp tục quy trình này, người pha trà sẽ lấy ấm đang có nước nóng và bắt đầu đổ vào ấm đang có trà. Pha vừa phải, không quá ít và cũng không quá nhiều. Sau khi đổ nước vào trong ấm trà, người pha còn dùng nước nóng tưới quanh cả ấm trà để nhiệt độ ấm từ bên ngoài vào bên trong. Các chén uống trà cũng lần lượt được ủ ấm nhờ nước nóng. Sau 30 giây hãm trà, có thể pha trà ra uống.

Bàn chè Shan Tuyết của người Mông

Bàn chè Shan Tuyết của người Mông

Cách uống trà Shan Tuyết đi đúng theo nguyên tắc uống trà đương đại “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”, ý chỉ uống trà quan trọng nhất là nước, thứ nhì mới đến trà, thứ ba là chén trà, thứ 4 là ấm trà và đến cuối cùng là người cùng thưởng trà.

Đổ nước nóng pha trà

Đổ nước nóng pha trà

Trà Shan Tuyết là đặc sản quý báu của người Tà Xùa, cho đến nay, loại trà thượng hạng này vẫn làm say mê bao nhiêu thực khách đến Tà Xùa. Trà Shan Tuyết hiện đang được công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc sản xuất, và được ưu ái gọi là “Đệ nhất danh trà Việt”.

Thành phẩm trà Shan Tuyết cổ thụ

Thành phẩm trà Shan Tuyết cổ thụ

Hiện nay, thương hiệu trà Shan Tuyết có 3 loại trà chính, đó là trà trúc, trà mây và trà viên. Tùy theo sở thích mà mỗi người khách sẽ có sự lựa chọn khác nhau. Đến Tà Xùa, nhớ ghé mua một gói trà Shan Tuyết về làm quà cho người thân yêu của mình!

Huỳnh Kiên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES