Vũ trụ, không gian vốn được đánh giá là nơi kích thích trí tò mò, khám phá của con người. Có lẽ, ai cũng mong muốn một lần được đặt chân ra ngoài không gian kia, ngắm nhìn vũ trụ hay trái đất nơi mà ta đang sống. Và giờ đây câu chuyện này không còn là chuyện ngoài tầm với nhờ sự phát triển vượt bậc của các công nghệ không gian.
Giữa tháng 6 vừa qua, công ty Space Perspective ở Florida, Mỹ, đang lên kế hoạch đưa hành khách trả phí và thiết bị nghiên cứu lên tầng bình lưu bằng khoang tàu điều áp gắn dưới khinh khí cầu mang tên Spaceship Neptune. Theo dự kiến, phương tiện sẽ thực hiện những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào đầu năm sau - 2021. Nếu thử nghiệm đạt kết quả tốt, vé sẽ được bắt đầu bán vào năm 2024.
"Chúng tôi đang nỗ lực làm thay đổi cách con người tiếp cận không gian và để tiến hành nghiên cứu cần thiết giúp mang lại lợi ích cho sự sống trên trái đất cũng như tác động tới cách chúng ta ứng xử với hành tinh của mình!" - đồng sáng lập viên và giám đốc điều hành Jane Poynter của Space Perspective chia sẻ hôm 18/6.
Tàu Spaceship Neptune có thể chứa một phi công và 8 hành khách trong khoang chứa. Bên trong khoang có ghế ngồi, quầy bar, phòng tắm và cửa sổ lớn cho phép hành khách quan sát trái đất giữa nền đen của vũ trụ. Tàu sẽ cất cánh từ Cơ sở hạ cánh tàu con thoi cũ ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy (KSC) của NASA ở Florida. Spaceship Neptune sẽ bay về phía đông qua Đại Tây Dương trong những chuyến bay vào mùa đông và về phía tây qua vịnh Mexico vào mùa hè theo hướng gió.
Spaceship Neptune sẽ mất khoảng hai giờ để lên tới độ cao tối đa khoảng 30.000 m, được nâng lên nhẹ nhàng bởi khí cầu cao 200 m chứa đầy hydro. Giải thích về việc lựa chọn khí nâng là hydro thay vì heli, Taber MacCallum - đồng sáng lập viên và giám đốc điều hành Space Perspective cho biết đây là một sự thay thế hợp lý vì khí heli đang ngày càng trở nên khó kiếm do được dùng nhiều trong ứng dụng y tế và phóng tên lửa.
Tàu sẽ bay hai giờ trong tầng bình lưu và mất thêm hai giờ để hạ thấp dần. Spaceship Neptune sẽ đáp xuống biển và được tàu thu hồi kéo vào bờ, tương tự như tàu Crew Drgon của SpaceX. Spaceship Neptune sẽ được tái sử dụng nhưng vẫn cần khí cầu mới cho mỗi chuyến bay. Theo MacCallum và Poynter, giá vé cho trải nghiệm bay bằng khí cầu ban đầu vào khoảng 125.000 USD (hơn 2,9 tỷ VNĐ). Mục tiêu của Space Perspective là đến cuối thập kỷ này, mỗi năm sẽ thực hiện 500 chuyến bay cất cánh từ Cơ sở hạ cánh tàu con thoi cũ ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy (KSC) của NASA ở Florida, Mỹ.