Thưởng "hoa" trong những bức tranh của họa sĩ Trần Quốc Long

19/12/2018

Dữ dội, trăn trở nhưng vẫn ngập tràn sự tinh tế, lắng sâu và giàu sức sống. Đó là cảm nhận của người thưởng tranh khi đứng trước những "đóa hoa" sơn mài trong 50 bức tranh mà họa sĩ Trần Quốc Long đã miệt mài vẽ trong vòng một năm qua.

Sự ra đời của "Hoa về trong đêm"

Lấy cảm hứng từ ý thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng - “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, những tác phẩm trong lần triển lãm này của họa sĩ Trần Quốc Long đã gợi nhắc về sự dữ dội của thiên nhiên, của con người Thanh Hóa, của vùng đất Mường - quê hương của chính họa sĩ. Và chính sự dữ dội của thiên nhiên đã thấm vào con người sinh ra nơi vùng đất này, thấm vào cả phong cách sáng tạo của anh.

Nhưng cũng như Tây Tiến, những đóa hoa sơn mài của "Hoa về trong đêm" càng dữ dội, trăn trở bao nhiêu thì càng sâu lắng, tinh tế, giàu sức sống bấy nhiêu. Nhìn những người nữ hiện lên trong tấm vóc đen và sơn mài bí ẩn, có khác nào các đóa hoa rừng chớm nở trong đêm vắng, được bao bọc bởi hơi sương.

DSCF4973

Không dừng lại ở các sắc nâu, đen, vàng bạc truyền thống, sơn mài của Trần Quốc Long bứt phá với các gam màu xanh cổ vịt, cam, đỏ… như chính những cảm xúc bùng nổ của chàng trai nhiều khát khao, nhiều trăn trở với cuộc đời.

DSCF4970

Những bức vẽ trong triển lãm được anh sáng tạo trong một phòng trọ nhỏ nơi Đà Lạt phố núi. Đêm về, khi mù sương phủ kín mảnh sân, thấm đẫm từng chiếc lá trên vòm cây đuôi công trước cổng nhà, anh bắt đầu vẽ. Đó là lúc tâm hồn tĩnh lặng đối diện với sự cô độc, sự khát khao được giãi bày…, tất cả được anh chắt lọc và bày biện lên tranh. Anh trò chuyện với cuộc đời thông qua bảng màu của sơn mài. Và cứ như thế, những bức họa như những đoá hoa đã ra đời trong lặng lẽ của đêm sương.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
DSCF4976

Nếu nhìn kỹ từng bức tranh trưng bày trong triển lãm, bạn sẽ nhận thấy các bức vẽ đều liên quan tới hoa. Bởi nơi họa sĩ cho ra đời "Hoa về trong đêm" là ở thành phố hoa Đà Lạt. Với anh, Đà Lạt là nơi ấp ôm tâm hồn người họa sĩ.

DSCF4969

Những bức tranh từ đứa con của biển

Họa sĩ Trần Quốc Long xuất thân trong một gia đình ngư dân ở Bắc Trung Bộ, quanh năm dãi dầu sương gió. Bởi vậy, cha mẹ anh luôn tin rằng họa sĩ là công việc của “con cháu nhà giàu” và một lòng mong con có công việc cụ thể ổn định. Thế nhưng đối với Trần Quốc Long, anh không thấy công việc nào cụ thể hơn là vẽ tranh. "Được làm nghệ thuật là có lời rồi”, anh tâm sự.

Tran Quoc Long 1

Anh chia sẻ: “Sơn mài không đơn giản là bộ môn anh học tại trường mà đó là trường phái nghệ thuật anh dành cả cuộc đời để theo đuổi. Với anh vẽ sơn mài không khó, chỉ cần biến nó thành vô thức để nó thấm vào người. Nghệ thuật không cần phải có bất kỳ chiêu thức nào cả, chỉ cần có tình yêu với nó mà thôi.”

DSCF4995

Người lưu giữ nghệ thuật truyền thống

Làm sơn mài rất kì công, nhưng chỉ trong năm 2018, Trần Quốc Long đã có thể hoàn thành gần 50 bức. Anh bảo điều này chỉ có những người “điên” như anh mới dám làm. Bởi một bức sơn mài ra đời cần qua ít nhất 15 lớp. Riêng việc vừa sơn vừa mài vừa ủ màu qua đêm đã tốn bao tâm sức, chưa kể khoảng thời gian lên ý tưởng trước đó. Anh cho biết, chỉ cần sức khỏe tốt, có những tháng anh vẽ lên đến 6 bức.

Hoa ve trong dem 21

Trần Quốc Long cũng là một trong số ít các họa sĩ Việt Nam theo đuổi dòng tranh sơn mài truyền thống. Hầu hết các họa sĩ trẻ đều ưa thích tranh sơn mài được vẽ bằng bột Nhật, dạng bột nhanh lên màu, màu sắc lại rực rỡ hơn, cách vẽ cũng đơn giản hơn rất nhiều so với tranh sơn mài truyền thống. Lựa chọn của anh không chỉ là một bước đi khó mà còn là bước đi dài nhằm lưu giữ nghệ thuật Việt. Bởi muốn vẽ tranh sơn mài truyền thống, người họa sĩ phải dùng sơn truyền thống của Việt Nam kết hợp với kim loại đắt tiền như vàng, bạc. Điều đặc biệt là những bức vẽ này được thực hiện trên những tấm vóc (được tạo từ gỗ, đất phù sa, rơm rạ, thường có 6-7 lớp).

Tran Quoc Long

Công phu và đầy tâm huyết đến như vậy, cái cách họa sĩ Trần Quốc Long phát triển nghệ thuật vẽ tranh cũng chính là cách anh lưu giữ những làng nghề truyền thống của Việt Nam như nghề làm vóc và nghề sơn mài.

Triển lãm sẽ mở cửa tự do từ ngày 15/12-19/12 từ 10h sáng đến 6h30 tối, tại Ngôi nhà Bentley, tòa nhà Landmark 81. Bạn có thể xem qua video giới thiệu về họa sĩ cũng như triển lãm tại đường link sau đây: https://vimeo.com/306512377

Bảo Khuyên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES